Lại báo động chất lượng nước nguồn
Các Website khác - 21/02/2009

Nguồn cung cấp nước sạch cho người dân TP.HCM hiện nay chủ yếu từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Thế nhưng kết quả giám sát chất lượng nước năm 2008 của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy chất lượng nước nguồn rất đáng lo ngại.

Chất lượng nước đầu nguồn bị ô nhiễm làm khâu xử lý nước của Nhà máy nước Tân Hiệp (TP.HCM) thêm khó khăn - Ảnh: Q.Khải

Trong năm 2008, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã giám sát chất lượng nước trên địa bàn TP.HCM, bao gồm nước máy trên mạng và nước giếng ở các hộ dân. Trung tâm này đã lấy mẫu nhiều loại nước khác nhau để xét nghiệm các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh. Kết quả cho thấy nhiều chỉ tiêu không được phép có hoặc chỉ được có giới hạn, nhưng thực tế nhiều mẫu nước bị ô nhiễm gấp nhiều lần.

Nước nguồn: ô nhiễm nặng

Hiện Nhà máy nước Thủ Đức và Công ty cấp nước Bình An lấy nước sông Đồng Nai, còn Nhà máy nước Tân Hiệp lấy nước sông Sài Gòn để xử lý rồi cung cấp nước sạch cho người dân TP. Ngoài ra, còn có thêm nguồn nước ngầm qua xử lý của Công ty TNHH một thành viên Nước ngầm Sài Gòn. Các nguồn này sau khi được xử lý sẽ theo hệ thống đường ống cấp nước đến từng nhà dân.

Để giám sát chất lượng nước nguồn, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã lấy mẫu nước sông trước xử lý của bốn nhà máy nói trên sáu tháng một lần, đem xét nghiệm và đối chiếu với tiêu chuẩn để so sánh. Qua đó phát hiện nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn không đạt các chỉ tiêu về dầu mỡ động, thực vật, chất tẩy rửa, chất rắn lơ lửng, coliform (gây bệnh đường ruột)...

Nước máy trên mạng có amoniac quá mức cho phép

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM giám sát lấy mẫu nước trên mạng cấp nước ở 19/24 quận huyện. Kết quả có 4-6% mẫu không đạt về độ clor dư, độ đục hoặc vi sinh. Tuy nhiên, một số mẫu ở Nhà Bè, Q.7, Gò Vấp, Tân Bình có một vài chỉ tiêu về độ pH, oxy hóa, độ màu, nitrate hay amoniac cao quá mức cho phép.

Cụ thể, mẫu nước sông tại họng thu nước của các nhà máy nước đều có hàm lượng amoniac vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Các mẫu nước lấy tại sông Đồng Nai (trạm bơm Hóa An, trạm bơm Nhà máy nước Bình An) có hàm lượng nitrit cao. Tại họng thu nước của nhà máy nước Thủ Đức và Tân Hiệp có nồng độ coliform cao. Riêng nước giếng thô của Công ty Nước ngầm Sài Gòn có hàm lượng sắt và mangan vượt tiêu chuẩn cho phép.

Qua hai lần lấy mẫu nước trong năm 2008 tại nguồn thu nước của trạm bơm Hóa An đem xét nghiệm đều cho kết quả không đạt một số chỉ tiêu về N-NH3, N-NO2, sắt, coliform (giới hạn cho phép là 5.000MPN/100ml, kết quả xét nghiệm là 9.300-21.000 MPN/100ml). Đáng lưu ý, chỉ tiêu về chất tẩy rửa, dầu mỡ động, thực vật cao hơn giới hạn cho phép từ 2,5 đến gần 20 lần. Giới hạn cho phép chất tẩy rửa có trong nước nguồn là 0,5mg/lít nhưng kết quả xét nghiệm đến 9,24mg/lít; dầu mỡ động, thực vật không được phép có nhưng kết quả phát hiện đến 2,8mg/lít.

Ở trạm bơm Nhà máy nước Bình An, kết quả xét nghiệm qua hai lần lấy mẫu tại nguồn thu nước đều không đạt tiêu chuẩn. Cụ thể, hàm lượng sắt cho phép có là 1mg/lít, nhưng thực tế 2,7mg/lít; chất tẩy rửa “vọt” lên gần 15,8mg/lít; dầu mỡ động, thực vật “nhảy” lên tới 3mg/lít; coliform 150.000MPN/100ml, gấp 30 lần giới hạn cho phép.

Ở trạm bơm Hòa Phú, kết quả lấy mẫu hai lần trong năm 2008 đem kiểm nghiệm cũng không đạt tiêu chuẩn chất lượng về N-NH3, sắt, TDS (giới hạn cho phép là 20mg/lít, xét nghiệm là 69,6mg/lít), pH, đặc biệt coliform cao hơn tiêu chuẩn cho phép gấp 56 lần (giới hạn cho phép 5.000MPN/100ml, kết quả xét nghiệm là 280.000MPN/100ml)! Hai lần xét nghiệm mẫu nước giếng thô lấy tại Công ty Nước ngầm Sài Gòn cũng không đạt chỉ tiêu về sắt, mangan và độ pH.

Khu vực bảo vệ nguồn nước: bị đe dọa

Nước tại họng xả từ Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM) đen ngòm, bốc mùi hôi thải ra sông góp phần làm chất lượng nước nguồn ô nhiễm - Ảnh: Q.Khải

Đánh giá điểm nguy cơ khu vực bảo vệ nguồn nước (được tính trong phạm vi 200m từ điểm lấy nước lên thượng nguồn, 100m từ điểm lấy nước xuống hạ nguồn và 100m về phía hai bên bờ sông tính từ mực nước cao nhất), Trung tâm Y tế dự phòng TP cho rằng rất khó đánh giá điểm nguy cơ khu vực bảo vệ nguồn nước của Nhà máy nước Thủ Đức vì các nguồn ô nhiễm thải ra sông đều theo đường ống ngầm. Ở khu vực này có công trình xây dựng trong khu vực bảo vệ nguồn nước.

Ở Nhà máy nước Bình An, khu vực bảo vệ nguồn nước có nguy cơ cao gây ô nhiễm do thuyền bè neo đậu trong khu vực bảo vệ nguồn nước (tháng 6-2008 các thuyền bè neo đậu đã đi nơi khác). Tại Nhà máy nước Tân Hiệp cũng khó đánh giá nguy cơ khu vực bảo vệ nguồn nước do các nguồn ô nhiễm thải ra sông theo đường ống ngầm. Chính vì vậy từ tháng 2-2008 Nhà máy nước Tân Hiệp đã đưa chỉ tiêu fluor vào nguồn nước.

Đáng lo nhất là ở Công ty Nước ngầm Sài Gòn, khu vực bảo vệ nguồn nước có nguy cơ gây ô nhiễm cao do đường ống cống, nước thải đổ vào khu vực bảo vệ giếng khoan. Cũng theo trung tâm này, các nguồn thải trên thượng nguồn đến nay chưa quản lý được.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, trong lưu vực thu nước còn có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh xả nước thải chưa được quản lý chặt chẽ. Do đó, công tác giám sát chất lượng nước để đảm bảo tính an toàn của chất lượng nguồn nước bị giới hạn, vì các nguồn ô nhiễm trên thượng nguồn không được định danh cụ thể theo nguồn thải thường xuyên để theo dõi xét nghiệm.

Nước giếng cũng có “vấn đề”

Kết quả giám sát chất lượng nước ở các hộ dân cho thấy có nhiều vấn đề quan ngại. Nước giếng tại hộ dân tỉ lệ đạt tiêu chuẩn về mặt vi sinh rất thấp. Đa số mẫu xét nghiệm chỉ tiêu hóa lý có nồng độ pH thấp. Cụ thể, kết quả xét nghiệm mẫu nước giếng hộ dân tại các quận huyện: 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và nước hộ dân lấy từ ghe, sà lan có tỉ lệ không đạt về tiêu chuẩn hóa lý hơn 62%, không đạt tiêu chuẩn vi sinh hơn 54%.

Mẫu nước giếng cấp nước tập trung trên 500 hộ dân tại các quận huyện: 6, 8, 11, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ cũng có 26-29% số mẫu không đạt tiêu chuẩn về vi sinh và hóa lý. Nước hộ dân ở chung cư có 12-17% số mẫu không đạt tiêu chuẩn về vi sinh (chủ yếu là các chỉ tiêu coliform, C.faecal, E. Coli gây bệnh đường ruột) và hóa lý.

Trước thực trạng này, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã kiến nghị Sở Y tế trình UBND TP chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường) khi giám sát chất lượng nước nguồn cần thông tin cho Sở Y tế TP biết để có cơ sở tiếp tục theo dõi các chất ô nhiễm sau xử lý đến người dân sử dụng. Phòng tài nguyên - môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường) không cấp phép cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn nước thải độc hại trong khu vực thu nước của các nhà máy nước (ví dụ như Khu công nghiệp Tân Quy). Các trạm cấp nước của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cần có chế độ châm clor khử trùng nước ổn định và liên tục...

Theo Tuoi Tre Online