Nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri
Các Website khác - 06/01/2006
Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã góp phần tích cực cùng các cơ quan chức năng của tỉnh giải quyết từng bước có hiệu quả các bức xúc của nhân dân. Chỉ tính trong năm 2005, Ðoàn đã phản ánh các ý kiến, kiến nghị với các cơ quan chức năng giải quyết 554 vụ việc sai trái từ cơ sở, xử lý 26 cán bộ vi phạm...
Tiếp xúc cử tri là một trong những hoạt động của các đại biểu Quốc hội, nhằm thông qua đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến, phản ánh, kiến nghị của cử tri để chuyển tải đến Quốc hội. Thấy rõ trách nhiệm của mình, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, luôn tìm những cách thể hiện tốt nhất, nhằm làm tốt chức năng là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội và Quốc hội với cử tri.

Qua tám kỳ họp Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội khóa XI tỉnh Gia Lai đã phối hợp Thường trực HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ các cấp, tổ chức tiếp xúc 35 nghìn lượt cử tri tại 132 xã, phường, thị trấn và LLVT, ghi nhận 1.500 ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri gửi các cơ quan, ngành chức năng, xem xét giải quyết, đã góp phần đáng kể cùng cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, từng bước giải quyết có kết quả các vấn đề xã hội bức xúc như, giải quyết việc làm; các thủ tục hành chính còn gây nhiều phiền hà cho dân; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; việc thực hiện các chính sách xã hội, nhất là các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn thiếu đồng bộ...

Trong hoạt động, ngoài việc bố trí phòng tiếp dân theo định kỳ tại trụ sở văn phòng HÐND và Ðoàn đại biểu Quốc hội, trước các kỳ họp, các đại biểu đã dành nhiều thời gian xuống các địa bàn dân cư, tổ chức tiếp xúc và trực tiếp lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri; đồng thời tiếp tục làm việc với các cơ quan, ban ngành có liên quan, sau đó tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong các kỳ họp Quốc hội; đặc biệt trong tổ chức tiếp xúc cử tri, Ðoàn cũng đã có sự cải tiến như trước kỳ họp, thông báo thời gian, địa điểm cụ thể nhằm phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lợi của người dân đồng thời qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo cử tri được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, phản ánh những vấn đề mình cần phản ánh, hạn chế và khắc phục từng bước việc tiếp xúc cử tri qua đại diện.

Thực hiện chức năng quyền hạn của mình, Ðoàn cũng làm tốt công tác giám sát việc trả lời và giải quyết các kiến nghị của cử tri đối với các ngành, các cấp, nhất là trong việc thực hiện các Luật Khiếu nại tố cáo và Chỉ thị 09-CT/T.Ư của Ban Bí thư về "Một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay".

Trong thời gian gần đây, xảy ra việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số với các nông, lâm trường quốc doanh, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh không chỉ làm đúng chức năng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lắng nghe, tìm hiểu thực tế mà còn tham gia giải thích, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Ðảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước cho dân hiểu, qua đó góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng và nhận thức của người dân, không mắc mưu bọn xấu. Một số vụ việc phản ánh về chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động ở các đơn vị kinh doanh cũng được các đại biểu ghi nhận, phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng...

Có thể nói, hoạt động của Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã góp phần tích cực cùng các cơ quan chức năng của tỉnh giải quyết từng bước có hiệu quả các bức xúc của nhân dân. Chỉ tính trong năm 2005, Ðoàn đã phản ánh các ý kiến, kiến nghị với các cơ quan chức năng giải quyết 554 vụ việc sai trái từ cơ sở, thu hồi và trả lại cho nhân dân 117,3 triệu đồng, 36 chỉ vàng, 48,2 ha đất chiếm dụng; thu hồi cho nhà nước 28 triệu đồng, 251,8 ha đất sử dụng sai mục đích; đã xử lý 26 cán bộ vi phạm... góp phần nâng cao uy tín và lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng và điều hành của bộ máy Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở.

Ông Hà Sơn Nhin, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Cùng với sự đổi mới của Quốc hội nói chung, hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng có những cải tiến phù hợp đặc điểm tình hình của địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức các điểm tiếp xúc cử tri ở vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng ít thuận lợi về giao thông để người dân bớt khó khăn trong việc đi lại. Tại các buổi tiếp xúc, các đại biểu lắng nghe, ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của cử tri để phản ánh một cách trung thực với Quốc hội. Ngoài ra, Ðoàn cũng động viên các đại biểu trong việc học tập nâng cao kiến thức về ngôn ngữ, tập quán văn hóa của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, có như vậy mới thực sự gần dân và hiểu dân hơn, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Trong các kỳ họp, các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, đăng ký được phát biểu trước diễn đàn của Quốc hội, để thông qua đó, một mặt chuyển tải các phản ánh, kiến nghị của cử tri đến với Quốc hội, các bộ, ngành ở Trung ương; mặt khác thể hiện và làm hết trách nhiệm của mình trước cử tri. Nhờ vậy các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri đã được các đại biểu chuyển tải đến các cơ quan theo thẩm quyền và đã được các cơ quan giải quyết hoặc trả lời thỏa đáng, góp phần từng bước nâng cao uy tín của Quốc hội nói chung cũng như trách nhiệm các đại biểu được nhân dân tín nhiệm bầu vào Quốc hội, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nói riêng.

PHAN HÒA