'Không lối thoát, giao thông TP HCM sẽ hỗn loạn'
Các Website khác - 07/01/2006

Đó là lời cảnh báo của Giám đốc Sở Giao thông Công chính TP HCM Trần Quang Phượng tại Hội nghị tổng kết hoạt động của khối vận tải - công nghiệp năm 2005, diễn ra sáng 6/1.

Theo ông Phượng, năm 2006, lượng dân từ các tỉnh đổ về TP HCM sẽ tăng cao, hàng hóa thông qua các cảng sẽ tăng từ 10% đến 15%. Lượng xe cá nhân cũng tăng do việc tháo bỏ rào cản mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy... Những vấn đề đó sẽ đặt ngành vận tải thành phố trước những thách thức lớn. Trong khi thực trạng lại đang gặp nhiều vấn đề.

Ngày càng có nghiều doanh nghiệp tham gia hoạt động xe buýt. Ảnh: Lưu Đức

Quản lý xe buýt yếu kém

Năm 2005, bình quân mỗi ngày có trên 15.300 chuyến xe buýt, tăng hơn 36% so với năm 2004. Chất lượng phục vụ cũng đã được cải thiện. Tuy nhiên, ông Lê Hải Phong, Phó giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết, trên bàn làm việc của ông ngày nào cũng có vài ba lá thư của người dân phải ánh tình trạng nhiều lái xe có thái độ phục vụ chưa tốt, phân biệt đối xử với người đi xe vé tập, vé tháng; xe buýt chạy ẩu, gây mất an toàn... Thậm chí có khách hàng ví von "đi xe buýt là cuộc phiêu lưu không giành cho những người yếu tim".

Ông Phan Thái Bình, Trưởng phòng quản lý vận tải Sở GTCC, nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý Nhà nước của Sở và tổ chức sản xuất của các đơn vị vận tải chưa theo kịp tốc độ và quy mô phát triển của hệ thống xe buýt. Nguồn lái xe không đủ cung ứng cho tiến độ phát triển số đầu xe dẫn dến quản lý lái xe theo kiểu xuê xoa, dễ dãi. Nhiều lái xe tắc trách với xe, với khách, thậm chí sử dụng bằng lái giả.

Dưới góc độ quản lý tài chính, ông Trương Quốc Mãi, Trưởng phòng Kinh tế - Tài chính Sở GTCC cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do bộ máy quản lý tài chính ở nhiều đơn vị doanh nghiệp hợp tác xã xe buýt còn quá yếu kém. Có đơn vị không tính toán được chi phí vận tải khi xăng dầu, tiền lương thay đổi. Từ đó nợ tiền vận chuyển của chủ xe 4-5 tháng... Trong thời gian bị nợ như vậy nhà xe thích lấy "tiền tươi" của khách đi xe theo vé lượt hơn là khách đi vé tập, vé tháng...

Xe đò - "ốc không mang nổi mình ốc"

Chịu áp lực của 4 lần tăng giá xăng dầu trong năm 2005, nhưng xe khách liên tỉnh vẫn không được tăng giá cước. Cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải bật đèn xanh, cho phép doanh nghiệp tự xây dựng giá cước vận tải, và chỉ cần báo lại với cơ quan quản lý Nhà nước về giá. Tuy vậy, nhiều đơn vị vẫn không thể tự xây dựng được giá vận tải cho mình. Họ không có được các phương án sản xuất kinh doanh và chỉ sống dựa vào việc cấp các loại giấy như hợp đồng, lệnh vận chuyển... để "ăn" lệ phí. Thậm chí nhiều cơ sở cũng không tự chủ in vé như Bộ Tài chính cho phép.

"Ốc còn không mang nổi mình ốc thì làm sao nói đến chuyện tự chủ kinh doanh sản xuất đúng nghĩa", ông Hồ Văn Hưởng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách - du lịch, nhận xét.

Lưu Đức