Gác trọ 2.000 đồng cho phận nghèo
Các Website khác - 28/11/2005
Mỗi người một manh chiếu trong nhà trọ ở đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú.

Nơi sống của hơn 20 người chỉ rộng trên 20 m2 gồm cả nhà vệ sinh và đồ đạc sinh hoạt. Mái ghép từ tôn còn vách chắp vá từ những tấm kim loại gỉ sét, thủng lỗ chỗ như tổ ong. Đó là khu nhà trọ dành cho lao động nghèo.

Đến khu nhà trọ cho người lao động nghèo trên đường Rạch Bùng Binh, phường 9, quận 3. Chị Thủy, chủ quán cà phê vỉa hè, xởi lởi: “Tìm nhà trọ hả? Phải hỏi phòng nào còn rộng xin ở ghép cho rẻ”. Khu vực Rạch Bùng Binh mới được cải tạo hạ tầng, nhiều nhà thành mặt tiền xây lên khách sạn, cửa hàng sang trọng, nhưng vẫn còn nhiều nhà như ổ chuột, cho thuê tạm bợ. Phòng “tươm tất” giá 200.000-300.000 đồng cho một tháng. Còn phòng tập thể giá 1.000-2.000 đồng/ngày hầu hết đã nghẹt người chen chúc.

Len lỏi vào con hẻm 85 đường Cống Hộp hẹp đến mức người đi ngược chiều chạm vai nhau. Những gác xép ọp ẹp rộng tầm 20 m2 mà chỉ cần nhìn quần áo cũ kỹ treo dày đặc bốn phía cũng hiểu nó đang quá tải. “Tiền trọ có 45.000 đồng/tháng, trả ngày chưa đến 2.000 đồng", chị Tươi, quê Quảng Ngãi cho hay. Chị dặn đi nhẹ chân vì gác gỗ mục. Một cô bé bán đậu phộng mới sụp chân trên đoạn ván bị gãy, suýt phải tháo khớp bàn chân.

Nơi sống của hơn 20 người trên 20 m2 gồm cả nhà vệ sinh và rổ rá, giỏ bị ngổn ngang. Nó giống cái chuồng gà mà tôn ghép làm mái và vách chắp vá từ những tấm gỉ sét, thủng lỗ chỗ như tổ ong. Không khí nóng phát sốt. Ngồi chừng mươi phút là quần áo đã nhớp mồ hôi.

Những mảnh giấy carton rách nát không che chắn nổi hơi nóng hầm hập giội xuống từ mái tôn thấp lè tè sát đầu. Chị Tươi nói dân trọ cùng phòng hầu hết đều từ Quảng Ngãi vào. Ban ngày mỗi người một rổ đậu phộng lê la đi bán ở mấy quán nhậu. 12 giờ đêm, họ mỏi mệt tụ về, vừa đặt rổ hàng xuống đã híp chặt mắt lại.

Dân nhập cư thường quây quần theo khu vực, như người miền Bắc lượm ve chai trọ nhiều ở Gò Vấp, người Quảng Ngãi bán móc khóa, mì gõ, vé số trọ ở Tân Bình, Tân Phú... Hầu hết những người trọ qua đêm với giá một vài ngàn đồng phải đi bán hàng cho chủ nhà. Có những nhà trọ đón khách nhập cư vãng lai, ở ngày nào tính tiền ngày đó. Bà Trần Thị Hoàng, quê Nghệ An, bán vé số dạo chợ Ông Tạ, chỉ một phòng trọ ở khu Nghĩa Phát, quận Tân Bình của mấy ông chủ đại lý vé số: “Tiền phòng chỉ có 2.000 đồng/ngày nhưng phải bán vé số cho họ. Người ngoài được hoa hồng 25.000 đồng trên 100 tờ vé số, còn tụi tôi chỉ có 24.000 đồng thôi...”.

Bà cụ móm mém tính mình phải thuê nhà đến 3.000 đồng/ngày. Chỗ ở đủ trải manh chiếu, không được nấu nướng. Một đêm ế ẩm, về trễ bà đói bụng, xin chủ nhà nước sôi để pha gói mì. Ông chủ càu nhàu: “Gas đắt đỏ. Ai cũng xin xỏ nước sôi chắc tôi bán nhà”. Thế là bà lấy nước lạnh ngâm mì cho nở, bữa đầu ăn bị đau bụng, rồi quen dần.

Tại một khu nhà trọ ở đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, ông chủ nói thẳng: “60.000 đồng/tháng. Ở ngày nào tính tiền ngày đó”. So với nhà trọ bên quận 3, phòng trọ này khá hơn một chút vì ở dưới tầng trệt có lát gạch bông và tường xây gạch. Tuy nhiên phòng cũng chỉ hẹp khoảng 20 m2, mái tôn thấp lè tè, và chứa đến hơn 30 người. Hết chỗ chèn thêm người, ông chủ làm tạm bợ thêm một cái gác gỗ để tăng chiếu ngủ. Ai ở trên đó chỉ có thể nằm hoặc ngồi vì đứng lên bị đụng đầu.

Vào ban đêm, phòng chật không có quạt. Không khí oi bức làm hơi người càng nồng nặc thêm. Ban ngày, mọi người túa ra đi làm. Đêm khuya, họ đem luôn về phòng cả trăm thứ nghề bán móc khóa, mì gõ, cháo lòng, đậu phộng, kẹo cao su, phụ hồ, lượm ve chai... Mùi mồ hôi người, mùi hàng hóa ế, mùi phòng ẩm mốc quyện vào nhau khăm khẳm. Nhưng buồn nhất chính là những lời tâm sự rời rạc trước giấc ngủ. Người kể bị ế ẩm, bị lừa vé số. Người uất ức than bị mấy cha xỉn quờ quạng.

Thường 12 giờ đêm, mọi người mới lục tục trở về chỗ trọ. Cứ nghe bước chân là biết họ buôn bán thế nào. Tiếng dép của người ế ẩm thường lê lẹt xẹt chậm chạp, nặng nề, người bán được hàng thì nhanh nhẹn, mạnh mẽ hơn...

Ngoài những người vào bám trụ kiếm sống ở thành phố, còn có những người chỉ vào theo thời vụ nông nhàn để thêm chút tiền dành dụm. Vừa rồi, những cơn bão lớn ở miền Trung đã đưa đẩy thêm nhiều bước chân vào TP HCM. Họ vào đây một ngày đi bộ hàng chục kilômet để bán lon đậu, chùm nem, chi phí tiết kiệm để dành dụm được mươi ngàn đồng mỗi ngày.

Chị Thủy, người phụ nữ có chồng chết vì đắm tàu, hiện nuôi năm đứa con nhỏ, tâm sự, chị tiết kiệm đến mức ra sạp chợ ngủ để dành dụm thêm 60.000 đồng mỗi tháng. “Tiền buôn bán thì không sợ mất vì có bao nhiêu đều gửi chủ hàng giữ giùm, nhưng ngán nhất là mấy thằng nghiện”. Một đêm chúng ập đến trấn tiền chị, không có đồng nào chúng nổi máu làm bậy với người đàn bà đã gần 50 tuổi. Một thằng gí kim chích vào cổ chị để hai thằng khác lột quần áo. May mà có dân phòng đi tuần ngang qua.

Những con người ở nhà trọ 2.000 đồng cực giống nhau ở cái nghèo. Quê ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, 15 tuổi Cường đã trốn học để lên tàu đánh cá. Hết sức đi tàu, Cường dạt vào TP HCM. Tuần đầu, anh ta còn vào nhà nghỉ bình dân giá 40.000 đồng/đêm ở khu bến xe miền Đông, rồi tuột dần xuống phòng trọ tập thể 2.000 đồng. Hết chạy xe ba gác, Cường lại bán vé số, đến bán móc khóa. Có những bận ốm đau không đi làm được, anh đói đến mức phải lết ra chợ chiều Bà Quẹo lượm rau củ thối để ăn.

Từ những cô gái đứng đường già phải bán thuốc lá dạo, những bà cụ đi ăn xin, những em nhỏ trôi dạt sau trận bão. Người sõi đời, bặm trợn, kẻ hiền lành, non nớt đêm đêm cùng chạm vai nhau bên những tấm chiếu. Đêm đêm, cứ nghe vang lên tiếng cậu bé đánh giày nói mê: “Bác làm ơn. Con chỉ đánh có 3.000 đồng”. Một tiếng trong mơ nghe như ước mơ một cuộc đổi đời...

(Theo Tuổi Trẻ)