Gái miền tây “viễn chinh”
Các Website khác - 13/09/2008
Đã có hàng trăm ngàn cô gái thuộc các tỉnh, thành miền Tây - khu vực đồng bằng Sông Cửu Long suốt nhiều năm nay phải “viễn chinh”.  

Từ vùng Tây Bắc xa xôi đến Hà Nội, TPHCM nhộn nhịp rồi lên Tây Nguyên, ra miền Trung... đâu đâu cũng có thể gặp những cô gái miền Tây đang hoạt động trong các lĩnh vực “nhạy cảm” như: massage, bia ôm, phòng trà, vũ trường, karaoke... 

Họ còn có mặt ở những nơi tương tự tại Campuchia, Singapore, Trung Quốc, Lào... Miền Tây cũng là nơi có số phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc... nhiều nhất nước. Đây là vấn đề rất cần được các cấp, ngành liên quan quan tâm giải quyết.

Từ những con số đáng buồn

Chúng tôi từng gặp một số cán bộ, lãnh đạo một số ngành địa phương ở các tỉnh miền Tây, họ đều có chung nỗi buồn về vấn đề này. Người mạnh miệng hơn thì gọi đó là “sự hổ thẹn” khi đi đến đâu cũng gặp “gái quê mình” trong những cơ sở dịch vụ nhạy cảm.

Nhiều cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn ở các tỉnh, thành của các vùng miền khác thường than thở về những phức tạp trên địa bàn họ phụ trách do các cô gái miền Tây “đổ bộ” về quá nhiều.

Tại TPHCM - nơi có đến 25.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như: nhà hàng, khách sạn, vũ trường, massage..., số lượng nhân viên nữ từ các tỉnh miền Tây lên luôn chiếm đa số. Nhưng nặng nề nhất là số lượng gái mại dâm “nhập cư”.

Theo báo cáo ngày 12-11-2007 của UBNDTP về kết quả 5 năm thực hiện pháp lệnh phòng chống mại dâm: toàn thành phố có đến 64,6% lượng gái mại dâm là dân nhập cư (với đa số từ các tỉnh miền Tây).

Hầu hết các nhà hàng ở Thái Lan đều có các cô gái ăn mặc sexy đón chào sẵn trước cổng

Có những giai đoạn như năm 2005 - 2006, tỉ lệ này lên đến 87% (trong tổng số gái mại dâm ước lượng 12.000 người). Trong hơn 520 vụ án mại dâm với gần 1.000 bị can, (chứa, môi giới, mua dâm trẻ vị thành niên) đã khởi tố, liên quan đến các vụ án, số phụ nữ có hộ khẩu miền Tây lên TPHCM kiếm sống cũng chiếm tỷ lệ cao.

Còn những khu vực chúng tôi từng có dịp đi qua để khảo sát ở tận các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên cũng có những hiện tượng tương tự. Rất nhiều cơ sở dịch vụ nhạy cảm gần như 100% nhân viên nữ là người cùng một xã, huyện ở tận miền Tây. Lúc đầu chỉ vài người ra làm, kiếm trên dưới 10 triệu đồng/tháng.

Đây là thu nhập “trong mơ” đối với những gia đình nghèo khó ở vùng sông nước Cửu Long. Nếu ở quê, những cô gái học vấn không quá cấp 2 như vậy không thể thoát được cảnh lội ruộng làm mướn chỉ 20 - 30 ngàn đồng/ngày, nhưng công việc bấp bênh, bữa có bữa không.

Rồi biết bao nghịch cảnh ở các gia đình nghèo như: ốm đau, nợ nần, mất mùa, ma chay, cưới hỏi... cần đến tiền nhưng không thể có. Trong lúc đó vài cô gái “đi làm ăn xa” trở về quần là áo lượt, vòng vàng đeo đỏ tay; thậm chí còn có tiền chữa bệnh cho cha mẹ, nuôi em ăn học, xây nhà cho gia đình.

Hình ảnh “các cô Thắm về làng” là sự hấp dẫn không thể cưỡng lại. Thế là lần lượt các cô gái thi nhau “lên đường”. Nếu họ đang có chuyện buồn gia đình, dở dang tình cảm, nợ nần đòi gắt... thì đi càng nhanh. Rồi hiện tượng “đi làm ăn xa” lan sang làng khác, xã khác. Nhiều xóm làng không còn những cô gái chưa chồng, không còn cảnh trai làng tối tối ôm đàn đến nhà người đẹp ca hát...

Đến hàng vạn cuộc hôn nhân không tình yêu.Đã có khoảng 100 ngàn cuộc hôn nhân giữa những cô dâu Việt Nam với chú rể Đài Loan. Hàng chục ngàn trường hợp tương tự giữa các cô gái Việt với chồng Singapore, Malaysia. Hai năm gần đây, mỗi ngày có vài chục đến cả trăm cô gái xếp hàng trước Lãnh sự quán Hàn Quốc trên đường Nguyễn Du, Q1, TPHCM để chờ làm thủ tục kết hôn với các ông chồng Hàn Quốc...

Báo chí trong, ngoài nước cũng từng có bài viết về các cô dâu VN bị ngược đãi, trưng bày như hàng hóa, bị lừa bán vào động mại dâm ở các nước châu Á, sau khi xuất cảnh qua đường hôn nhân. Trên 80% đều có quê quán ở các tỉnh miền Tây.

Nhiều khách VN đi du lịch ở Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore đã vô tình hội ngộ với các “nữ đồng hương” trong các dịch vụ massage, karaoke ở đất khách quê người. Họ đều có chung cảm xúc là rất vui mừng vì gặp đồng hương, sau đó là nỗi buồn nhẹ nhàng xâm chiếm trong lòng vì “nghịch cảnh” của các cô gái Việt. Lúc đầu cứ tưởng người TQ, Thái... nên khách xổ tiếng Anh. Các nàng cũng tưởng đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, nên cái gì không nói tiếng Anh được thì dùng tay chỉ trỏ. Đến lúc các nàng đùa giỡn nhau, gọi nhau “Hồng ơi, Lan ơi” các ông khách mới... ngã ngửa!

Rồi còn biết bao nghịch cảnh của các cô gái miền Tây lấy chồng xa hoặc “làm ăn xa” mà không tiện kể ra trong bài viết này. Cuối tháng 11-2007, khi đường dây gái gọi Superbowl được phát hiện từ TPHCM, thì một lần nữa quê quán miền Tây của những cô gái liên quan được nhắc lại.

Tại sao các cô gái miền Tây phải “đa truân” như vậy? Tất cả đều có nguyên nhân sâu xa từ kinh tế. Miền Tây luôn được ca ngợi là vùng đất trù phú, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, “gạo trắng nước trong”...

Thế nhưng trong nhiều năm gần đây, miền Tây đã không theo kịp tốc độ phát triển chung của cả nước, kém sức hấp dẫn thu hút đầu tư. Từ đó dần dần tụt hậu so với nhiều vùng miền. Mặt khác, với đa số dân sống bằng nông nghiệp, nếu không có biện pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế thì không thể thịnh vượng được. Từ đó, tỷ lệ dân nghèo ngày càng tăng. Đã nghèo thì khó có điều kiện lo ăn học. Học vấn thấp, dĩ nhiên không thể có việc làm ổn định, thu nhập khá. Vì thế, như một tất yếu, các cô gái chỉ còn cách “viễn chinh”.

Để khắc phục được tình trạng này, miền Tây phải cần thực sự phát triển để tạo cơ hội cho nhiều gia đình cùng phát triển, không còn những cô gái tha hương. 

Theo ViInfo