![]() |
Cuộc gặp gỡ đầy xúc động tại nhà tù Hoả Lò. Ảnh: ĐL |
Chiều 31/1, gần 100 cựu tù Hoả Lò, Sơn La, Côn Đảo, Phú Quốc tề tựu tại nhà tù Hoả Lò (Hà Nội) cùng nhau ôn lại những thời khắc đấu tranh bất khuất chống lại kẻ thù trong chốn "địa ngục trần gian" xưa kia.
Hoả Lò là nhà tù lớn nhất Đông Dương, đã được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1896 để giam cầm các chiến sĩ yêu nước, cách mạng. Đến nay đã có hơn 1.400 chiến sĩ bị thực dân Pháp giam cầm được ghi danh tại di tích này. Họ là những người yêu nước, hoạt động trong các phong trào Đông Du, Duy Tân, Yên Thế, Thái Nguyên, và đảng viên thuộc các tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.
Di tích nhà tù Hoả Lò cùng với gôm cùm, xiềng xích là những minh chứng có sức mạnh tố cáo tội ác của bọn đế quốc xâm lược, đàn áp các chiến sĩ yêu nước cách mạng Việt Nam suốt non một thế kỷ.
Ông Tạ Quốc Bảo, Trưởng ban liên lạc nhà tù Hoả Lò, xúc động nhớ lại: "Trong tâm trí tôi, nhà tù với những gian xà lim, với bao cảnh quằn quại đau thương vì đói rét, bệnh tật do sự tàn ác của địch gây ra. Còn văng vẳng tiếng hô đanh thép, đầy lạc quan của liệt sĩ Hoàng Văn Thụ: Sự hy sinh của những người như chúng tôi là dĩ nhiên, chỉ biết rằng chúng tôi sẽ thắng".
Nhà tù Sơn La (tỉnh Sơn La) vốn là nơi thực dân Pháp chọn để giam cầm đày ải tù chính trị, yêu nước ở các tỉnh phía Bắc. Chúng cô lập họ ở những vùng dân tộc xa xôi, hẻo lánh để giết dần giết mòn. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Đặng Việt Châu, Nguyễn Văn Trân... đã bị giam cầm tại đây.
Ông Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, kể lại cuộc chiến đấu ở các nhà tù. Thế mạnh của những người tù cộng sản là có tổ chức, người có trách nhiệm đứng ra tổ chức hoạt động công khai và bí mật, giúp nhau giữ vững tinh thần. Trong nhà tù vẫn có các lớp học giáo dục chính trị, thường từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
Những nhà tù khác như Côn Đảo, Phú Quốc cũng là nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giam cầm, đày đoạ hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng thuộc nhiều thế hệ. Những nơi này đã được xem là vùng đất thánh thiêng, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, vẫn có nhiều cựu tù chính trị đang sống, là những nhân chứng cho thời kỳ đấu tranh gian khổ của dân tộc. Ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, xúc động cho rằng, những nhân chứng lịch sử là tấm gương của tinh thần anh dũng, bất khuất, cho ý trí đấu tranh cho độc lập dân tộc.
Đoàn Loan
▪ Cà Mau: Một người dân lưu giữ hơn 800 hiện vật cổ (31/08/2005)
▪ Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận 270 hiện vật, tư liệu liên quan đến Bác Hồ (31/08/2005)
▪ Afghanistan, kho thuốc phiện của thế giới (31/08/2005)
▪ Du lịch dịp lễ 2-9: Khách tăng, giá cả không tăng (31/08/2005)
▪ Việt Nam trong mắt người nước ngoài (31/08/2005)
▪ Gắn biển di tích cách mạng toà nhà Bắc Bộ Phủ (31/08/2005)
▪ Các nước chia sẻ kinh nghiệm chống đói nghèo (31/08/2005)
▪ Sốt vé, tăng chuyến tàu xe dịp 2/9 (31/08/2005)
▪ Mưa cuốn trôi 2 người dân Hà Tĩnh (31/08/2005)
▪ Khu công nghiệp bị trói trong 'lưới' ô nhiễm (31/08/2005)