Khu công nghiệp bị trói trong 'lưới' ô nhiễm
Các Website khác - 31/08/2005

Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Củ Chi, vừa được thành lập hơn 1 năm, chưa đón doanh nghiệp nào vào, nhưng lại đang trở thành điểm bức bách nhất trong các khu công nghiệp bị ô nhiễm tại TP HCM. Nơi đây đang phải hứng chịu toàn bộ khí thải từ 43 doanh nghiệp vây quanh.

Dòng nước đen ngòm của kênh Thầy Cai tại khu công nghiệp Tân Phú Trung, Củ Chi.

"2/3 số doanh nghiệp này đều hoạt động trong những ngành sản xuất gây ô nhiễm như cao su, than đá... mà không nằm trong sự quản lý của khu công nghiệp", ông Lê Thế Hùng - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Song Tân, ông Hùng chủ đầu tư khu công nghiệp than dài, nói với VnExpress.

Theo ông Hùng, ngoài việc ô nhiễm mùi trong không khí, các doanh nghiệp này đều xả chất thải, nước thải trực tiếp ra khu vực kênh Thầy Cai khiến dòng kênh suốt chiều dài huyện Củ Chi bị đen ngòm và hôi thối. "Rất nhiều đơn kiện của dân cư xung quanh cho rằng khu công nghiệp Tân Phú Trung gây ô nhiễm, trong khi thực chất là do hoạt động sản xuất của 43 doanh nghiệp này gây ra", ông Hùng bức xúc.

Ông Hùng còn cho biết thêm, hầu hết những doanh nghiệp gây ô nhiễm trên đều sử dụng hai hệ thống xử lý xả thải. "Đã nhiều lần chúng tôi đến các doanh nghiệp này làm việc, nhưng đều bị cho chờ ngoài cổng 30 phút, khi vào bên trong kiểm tra độ ô nhiễm thì nước xử lý xả thải trong hệ thống đã trong veo, mặc dù mới đó còn xả đen ngòm ra kênh", ông Hùng nói.

Công ty cổ phần Song Tân đã nhiều lần đề nghị thành phố có văn bản giao 43 doanh nghiệp này cho khu công nghiệp Tân Phú Trung quản lý, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng quản lý môi trường Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong khu vực đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải theo cam kết không gây ô nhiễm môi trường doanh nghiệp đã ký với Sở. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp không vận hành hệ thống xử lý hoặc chỉ sử dụng mang tính đối phó khi có kiểm tra của các cơ quan chức năng, còn lại bình thường vẫn xả thải trực tiếp ra kênh Thầy Cai - An Hạ gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Đầu năm nay, Sở Tài nguyên Môi trường đã trình UBND thành phố danh sách 16 doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng ở khu vực này, đề nghị đóng cửa. Tuy nhiên theo ông Hiền, vì một số lý do, các doanh nghiệp này được gia hạn tiếp tục hoạt động với yêu cầu hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải chứ chưa thể đóng cửa ngay. Đây đều là những doanh nghiệp ô nhiễm đã tự di dời từ nội thành ra bám vào trục khu vực kênh Thầy Cai.

Nhiều khu công nghiệp khác, mặc dù đang nỗ lực để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhưng tỷ lệ đấu nối hệ thống xử lý cục bộ của doanh nghiệp bên trong vào nhà máy xử lý vẫn còn rất thấp.

Tại khu công nghiệp Bình Chiểu có 1 hệ thống xử lý nước thải tập trung và từng doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý cục bộ. Thế nhưng theo đại diện của Ban quản lý khu công nghiệp này, mỗi lần kiểm tra luôn có nhiều doanh nghiệp vi phạm việc xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm. "Doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nhưng không vận hành vì tiêu hao thêm nhiều chi phí", vị đại diện này cho biết. Các khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Bình, Cát Lái 2, Tây Bắc - Củ Chi... cũng đều vướng phải tình trạng này.

Những khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì lại gặp khó khăn khác khi xử lý lượng đầu vào thường tăng cao hơn nhiều so với công suất ban đầu của nhà máy. Ví dụ tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân, theo Ban quản lý khu công nghiệp, qua vận hành giai đoạn 1, nhà máy xử lý nước thải tập trung, chỉ số xử lý đầu vào của COD thường xuyên đạt 1.500-1.800 thậm chí 4.000-5.000 mg/l, trong khi công suất ban đầu chỉ 600 mg/l. Ông Phạm Minh Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh, chủ đầu tư khu công nghiệp Lê Minh Xuân cho rằng, sự vượt mức ô nhiễm này đã kéo theo chi phí xử lý của nhà máy gia tăng.

Cũng theo ông Đức, việc thu phí xử lý nước thải với giá hiện nay 2.700 đồng/lít đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần phải có quy chế do UBND TP HCM ban hành để có biện pháp chế tài. Nguyên nhân là rất nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp không chịu ký hợp đồng thu phí xử lý nước thải.

Ông Trần Nguyên Hiền cho biết, Sở Tài nguyên Môi trường đã cam kết với UBND và thường trực HĐND thành phố, đến cuối tháng 9 phải hoàn thành việc đấu nối hệ thống xử lý cục bộ của doanh nghiệp vào hệ thống xử lý tập trung của khu công nghiệp. "Tuy nhiên đợt kiểm tra vừa qua cho thấy doanh nghiệp thực hiện chưa tốt việc đấu nối và vẫn tiếp tục gây ô nhiễm", ông Hiền nhận xét.

Phó trưởng Phòng quản lý xây dựng và môi trường thuộc Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza), Phạm Thanh Trực đưa ra giải pháp của Hepza là thành lập phòng quản lý đấu nối tại khu công nghiệp Bình Chánh, nhằm "ép" doanh nghiệp 3 khu công nghiệp Bình Chánh, Tân Tạo, Lê Minh Xuân đấu nối hoàn tất vào nhà máy xử lý tập trung. Ngày hôm qua, Hepza cũng đã gửi thư mời các khu công nghiệp tham gia vào công ty liên doanh 4 bên về xử lý ô nhiễm môi trường khu công nghiệp.

Phan Anh