Giáo sư Trần Xuân Trường, một nhà lý luận xuất sắc
Các Website khác - 06/10/2005
Ngày 3-10, Trung tướng, Giáo sư Trần Xuân Trường, một trong những nhà lý luận hàng đầu của quân đội ta trong hơn một thập kỷ gần đây, đã qua đời, hưởng thọ 78 tuổi.
Chiều 3-10-2005, tôi được anh Quang Bích báo một tin buồn: Anh Trần Xuân Trường đã qua đời. Nhà anh Bích gần nhà anh Trường. Trước đó gần một tuần, anh Trường còn nói với chị Hải (vợ anh), lần này phải cố đi họp chi bộ, vì ốm đau nên đã vắng sinh hoạt mấy lần rồi. Hôm 2-10-2005, anh qua đời. Anh bị bệnh tim từ lâu. Cách đây mươi năm tôi đã đến nhà thăm anh khi anh vừa qua cơn đau tim, đang nằm bất động.

Tôi gặp anh Trường từ năm 1949. Năm đó, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh điều Tiểu đoàn pháo binh thuộc Liên khu 10 về Ðại đoàn 308. Anh Doãn Tuế và tôi dẫn Tiểu đoàn 40 pháo binh từ Ðoan Hùng sang Thái Nguyên nhập đại đoàn và dự lễ thành lập Ðại đoàn 308 - Ðại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Lúc đó, anh Trần Xuân Trường là Trưởng ban Chính trị Trung đoàn 102 - Trung đoàn mà phần lớn cán bộ và chiến sĩ đã chiến đấu ở Hà Nội từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Anh Trường dáng thanh niên thủ đô, có trình độ văn hóa, tính tình vui vẻ, hay hài hước và châm biếm, có lúc chờ xem xem đã mới tỏ rõ thái độ.

Hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ binh, nhất là các đơn vị chủ lực cùng pháo binh sát cánh chiến đấu, mỗi năm thường có hai chiến dịch, lúc Ðông Bắc, lúc Tây Bắc, rồi Trung du đến Thượng Lào..., Ðiện Biên Phủ. Tôi và anh Trường thường gặp nhau trong các chiến dịch, trong các trận đánh lớn. Cũng phải nói thêm rằng, cụ thân sinh ra anh Trường là bác Nguyễn Tuân - Tổng Thư ký Hội Nhà văn - Hội đỡ đầu tiểu đoàn pháo binh, từ chiến dịch Biên giới bác thường đi chiến dịch với đơn vị tôi nên tình cảm của tôi với bác Tuân, anh Trường rất thân thiết.

Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, các cán bộ quân đội được đi học lý luận Mác - Lê-nin và quân sự. Anh Trường nghiên cứu sâu về kinh tế chính trị học, được trên điều về Trường Chính trị của Quân đội giảng dạy môn này, và sau đó là Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, Khoa Lý luận Mác - Lê-nin. Anh rất chịu khó đọc sách kinh điển, đọc Tư bản luận của Mác, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Ðảng, nên giảng dạy lý luận có chiều sâu và góp phần tích cực đào tạo cán bộ giảng dạy lý luận, nhất là môn kinh tế chính trị học, kinh tế quân sự của Trường Chính trị Quân đội.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào thời kỳ rất ác liệt, Quân ủy Trung ương chủ trương đưa một số cán bộ ở các nhà trường và cơ quan tăng cường cho các đơn vị chiến đấu. Anh Trường được điều về một đơn vị chiến đấu ở đường Hồ Chí Minh. Sau một thời gian, anh lại trở về với công tác nghiên cứu lý luận và giảng dạy ở nhà trường. Anh có bản lĩnh độc lập suy nghĩ, có những vấn đề không lệ thuộc vào tư liệu của nước ngoài. Anh tôn trọng cấp trên nhưng trong nghiên cứu lý luận thì không lệ thuộc ai, thẳng thắn và trung thực. Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, anh tâm sự với tôi: "Nghe tin cậu về Học viện Chính trị Quân sự, mình rất mừng". Tôi trả lời, mình có học lý luận nhưng chưa đi sâu, khó mà làm nổi công tác của học viện. Anh bảo: Cứ về đi, chúng mình cùng công tác, bổ sung cho nhau. Nhưng may là cấp trên không giao cho tôi công việc khó khăn này. Anh Trường đảm nhiệm Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự.

Thời kỳ đổi mới, anh Trường tham gia Hội đồng Lý luận Trung ương. Có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều bài báo, bài tham luận có chất lượng tốt, cả về đổi mới về kinh tế, về chính trị, về tự do dân chủ, về hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần làm sáng tỏ các chủ trương của Ðảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái. Có lúc anh trao đổi ý kiến với tôi để phê phán các quan điểm "xã hội dân chủ", quan điểm tự do, dân chủ theo kiểu phương Tây, quan điểm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cho rằng, chỉ cần nói tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ rồi. Như vậy là phủ nhận một nguồn gốc cơ bản, một nền móng tạo ra sức sống mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Anh còn cho rằng, có người đề xuất không nên phân tích các mâu thuẫn của thời đại, chỉ cần nói tới các nền văn minh của loài người, là một quan điểm sai lầm hiện nay. Những quan điểm sai trái đó nhằm vô hiệu hóa phương pháp luận mác-xít trong việc xem xét tình hình thế giới rất phức tạp, dễ nảy sinh khuynh hướng thực dụng, ích kỷ dân tộc.

Tất nhiên, trong nghiên cứu khoa học phải mạnh dạn sáng tạo, đổi mới. Công việc lớn phức tạp như vậy không dễ gì mà một người lúc nào cũng đúng. Anh Trần Xuân Trường là một người nắm chắc tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, và phấn đấu theo định hướng đổi mới tư duy lý luận.

Thương tiếc đồng chí Trung tướng, Giáo sư Trần Xuân Trường, một nhà lý luận xuất sắc, một trong những nhà lý luận hàng đầu của quân đội ta trong hơn một thập kỷ gần đây.

Trung tướng, PGS
NGUYỄN ÐÌNH ƯỚC