Biểu tượng của lòng nhân ái, đức hy sinh
Các Website khác - 06/10/2005
Ngày làm việc thứ hai Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII
Biểu tượng của lòng nhân ái, đức hy sinh

Ngày làm việc thứ hai của đại hội được thể hiện trong một không gian mở dưới hình thức giao lưu trực tuyến qua mạng điện thoại, Internet và cuộc gặp gỡ 3 chiều giữa các nhân vật với đại biểu và với khán giả truyền hình.

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, bác sĩ
Nguyễn Văn Lộc giao lưu cùng gia
đình em Hoàng Anh Tuấn - bệnh
nhân được ghép gan thành công
(ngày 5.10).

"Một người vì mọi người"
Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Cty TNHH Sông Tiền, Tiền Giang đã đem đến với đại hội câu chuyện về sự vất vả của những người nuôi nghêu ở Tiền Giang.

Vào năm 1992, người dân Tiền Giang đua nhau đi vay tiền nuôi nghêu, nhiều gia đình tán gia bại sản vì không tìm được đầu ra, nhiều người đã bị truy tố vì không trả được các khoản nợ.

Bà Ánh lúc đó đã từng phải trả nợ thay một số hộ nuôi nghêu. Nhìn thấy những cảnh cơ cực đó, người đàn bà đất sông Tiền này đã quyết tâm đi tìm đầu ra cho con nghêu.

Qua bao nhiêu gian lao vất vả, phải trả bằng cả tài sản, nước mắt và nỗi cô đơn của chính bản thân mình, sự quyết tâm ấy cũng đã được đền đáp. Con nghêu VN đã không phụ lòng người chăm sóc, mà theo bước chân bà đến được các nước Châu Âu.

Từ chỗ không một doanh nghiệp nào dám đầu tư vào con nghêu, đến giờ đã có 30 doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia đầu tư cho hàng ngàn hộ nông dân thoát nghèo từ nuôi trồng thuỷ sản. Riêng doanh nghiệp của bà, dự kiến năm 2005 đạt kim ngạch xuất khẩu 11 triệu USD.

Chị Hbliak-Nie (nữ chủ tịch xã đầu tiên là người dân tộc của tỉnh Đắc Lắc) lại đem đến cho xã Ea Tiêu, huyện Krông Ana của chị một luồng sinh khí mới. Với tấm lòng tận tâm vì mọi người, chị đã được toàn thể già làng, trưởng bản của xã đề nghị làm chủ tịch xã. Sự tín nhiệm này đã làm bất ngờ cả uỷ ban lẫn Huyện uỷ huyện Krông Ana.

Không phụ lòng tin của đồng bào, chị đã tìm ra căn nguyên của sự đói nghèo là sự lười nhác và đẻ nhiều. Thế là chị đã đến từng gia đình, vận động phụ nữ đi triệt sản. Chị kể: "Có lần tôi đã dùng máy cày đưa chị em tình nguyện đi triệt sản, nhưng phải nói dối gia đình là đi mổ ruột thừa, chẳng may bị gia đình người ta phát hiện, thế là tôi bị chửi suốt mấy ngày trời. Nhưng đến khi họ hiểu ra thì họ lại rất cảm ơn".

Miệng nói, tay làm, Hbliak-Nie đã vận động bà con không đốt rừng làm rẫy mà áp dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh tăng vụ. Chỉ sau 8 năm, xã Ea Tiêu của chị đã giảm tỉ lệ đói nghèo từ 30% xuống còn 10%; thu ngân sách xã từ chỗ gần 30 triệu đồng/năm, nay đã đạt 1,6 tỉ đồng/ năm.

Những tấm lòng yêu thương con người

Câu chuyện về một nhà trẻ trong Trung tâm Phục hồi nhân phẩm của chị Nguyễn Thị Phương (Giám đốc Trung tâm GDLĐ số 2, Hà Nội) đã khiến không ít người nghe rơi nước mắt. Chị bảo: "Không khóc sao được, khi chính tay tôi đã phải chôn cất nhiều cháu mới vài tháng tuổi đã bị chết vì nhiễm HIV do cha mẹ chúng để lại".

Khi Đài THVN phát lại hình ảnh một cháu bé vài tháng tuổi bị bỏ rơi tím tái ngay tại cổng trung tâm, thật ít ai có thể cầm được nước mắt. Chị kể: Đó là cháu bé bị bỏ rơi ngay tại cổng trung tâm cách đây gần 20 ngày. Khi mọi người tìm thấy, cháu đã tím tái vì rét và rất yếu. Sau khi cho cháu ăn, cháu khóc rất nhiều. Khi đem cháu về, chúng tôi đã chăm sóc cháu hết sức mình.

Không chỉ riêng mình cháu đó, mà hiện tại trung tâm còn nuôi dưỡng hàng chục cháu mồ côi, bị nhiễm HIV hoặc là con của các trại viên một thời lầm lỡ để lại. Hàng ngày, các cán bộ của trung tâm với vai trò của người mẹ mua sữa về nuôi, lấy lá về tắm cho các cháu như chăm sóc chính con mình vậy.

Những đứa trẻ vô tội được các "mẹ" đặt cho cái tên hồn hậu như: Ngô, Lúa, Rơi... đã thoát khỏi bàn tay tử thần và lớn lên khoẻ mạnh. Không chỉ làm mẹ cho các cháu, bằng tình thương và sự cảm hoá, Trung tâm GDLĐ số 2 Hà Nội đã giúp đỡ không biết bao nhiêu cuộc đời lầm lỗi trở lại với cuộc sống trong lành.

Cũng với một tấm lòng yêu thương con người giống như chị Nguyễn Thị Phương, hai bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm và bác sĩ Nguyễn Văn Lộc (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã ngày đêm tìm tòi nghiên cứu, chiến đấu với tử thần để có được hàng trăm công trình khoa học, mà đỉnh cao là ca ghép gan thành công cho cháu Hoàng Anh Tuấn. Không chỉ những đại biểu tham gia giao lưu, mà tất cả những đại biểu đến dự đại hội đều đã sẵn trong mình đức hy sinh lớn lao. Họ thực sự là những con người đã sống vì mọi người. Chí Tùng

Ông vua rà phá bom mìn

Trung tá Phạm Minh Thư - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đảm bảo kỹ thuật sân bay Pleiku, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không - Không quân có một câu chuyện vô cùng thú vị. Câu chuyện của anh bắt đầu từ ngày anh còn là chiến sĩ của tiểu đoàn có nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật sân bay Pleiku cho các đơn vị trong quân chủng thực hành chiến đấu ở biên giới Tây Nam, truy quét Fulro, bay huấn luyện v.v...

Địa bàn đóng quân của đơn vị anh nằm trong khu vực có một khu bom đạn khá lớn của quân đội chế độ cũ để lại, bộ đội hàng ngày bị thương vong, người dân xung quanh cũng không dám mở rộng sản xuất vì vướng bom mìn rình rập. Không có bộ đội công binh trợ giúp, nên anh đã cùng trung đội trưởng Nguyễn Tiến Đạt quyết mày mò thu gom bom mìn vào những ngày nghỉ, ngoài giờ trực chiến.

Cứ thế, ngày qua ngày bất kể mưa hay nắng, hai chiến sĩ của tiểu đoàn đã thu gom, tiêu huỷ được hơn 10.000 quả bom. Công việc chưa chấm dứt thì anh Nguyễn Tiến Đạt chuyển đơn vị, không nản chí, anh Thư tiếp tục thu gom tiêu huỷ thêm được 7.192 quả bom, mìn các loại. Đặc điểm các loại bom mà anh Thư thu gom đều là loại bom phóng ra từ bom mẹ khi nổ, nên mức độ nguy hiểm rất cao.

Anh Thư kể: Có lần tiêu huỷ hơn 100 đầu đạn M79, vừa châm lửa đốt, chưa chạy được hơn chục bước chân thì đầu đạn nổ... Dù biết rằng "gỡ mìn không được sai sót, vì nếu sai không có lần sau để sửa", thế nhưng anh đã chấp nhận hiểm nguy để đem lại sự bình yên cho đồng đội và cho đồng bào các dân tộc quanh khu vực. Sơn Đà