Giao lưu với các đại biểu Thi đua yêu nước toàn quốc
Các Website khác - 06/10/2005
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước
với các đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước
toàn quốc lần thứ VII.
Sáng 5-10, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, các đại biểu dự Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII tham gia chương trình giao lưu mang tên: Thi đua là yêu nước.

Các vị: Thủ tướng Phan Văn Khải; Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư cùng dự.

Mở đầu buổi giao lưu, các đại biểu làm quen với nữ Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sông Tiền (Tiền Giang) Nguyễn Thị Ánh, người phụ nữ phụ trách một công ty có tổng doanh thu 11 triệu USD năm 2005, và có hơn 650 công nhân.

Chị Nguyễn Thị Ánh là người "mở đường" cho con nghêu Tiền Giang đến với thị trường thế giới nhiều năm qua và luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Việc xuất khẩu nghêu của chị xuất phát từ một chuyến đi công tác tại Nhật Bản. Tại đây, chị được thưởng thức những món đặc sản mà thành phần chính làm bằng nghêu. Và trong nhiều lần đi công tác tại các nước châu Âu khác, chị Ánh nhận thấy những điều tương tự.

Chị đã rất ngạc nhiên khi thấy ở các nước bạn nghêu được coi là một đặc sản, còn ở quê hương Tiền Giang của mình nghêu được bày bán đầy chợ với giá rất rẻ. Suy nghĩ đó luôn thôi thúc chị tìm cách giới thiệu và đưa con nghêu của quê hương ra nước ngoài, qua đó, giải quyết việc làm cho nhân dân tỉnh nhà. Sau một thời gian vừa làm việc, kinh doanh, vừa tìm hiểu, phân tích thị trường, năm 1996, chị Ánh đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng trang bị dây chuyền chế biến, hấp luộc nghêu... đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ðến nay, công ty của Giám đốc Nguyễn Thị Ánh đã xuất khẩu các sản phẩm từ nghêu đến 16 thị trường trên thế giới, góp phần nâng cao đời sống hàng nghìn ngư dân nuôi nghêu ở tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận. Chị tâm sự: "Trong những năm qua, tôi luôn mong muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở quê hương thoát khỏi cảnh sống đói nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Ðến nay, tôi đã phần nào thực hiện được ước muốn đó của mình".

Ðến từ thành phố cảng Hải Phòng, ông Trần Quang Vũ, Giám đốc Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu đem theo một điều tâm đắc: Từ một đơn vị làm ăn thua lỗ, mất uy tín, sắp phá sản, đến nay, Công ty Nam Triệu đã trở thành một doanh nghiệp vững mạnh, với giá trị tổng sản lượng sáu tháng đầu năm nay đạt hơn 603 tỷ đồng (năm 2000 chỉ có 32 tỷ đồng).

Ðể có được thành tích xuất sắc này, Ban Giám đốc Công ty cùng đội ngũ cán bộ, công nhân đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại. Giám đốc Trần Quang Vũ nhớ lại câu chuyện 5 năm trước, khi anh tiếp nhận công ty đang trên bờ vực phá sản, anh đã phải điện thoại nhờ vợ mình lấy tiền riêng của gia đình và vay thêm họ hàng để tạm ứng lương cho công nhân. Thế rồi đến những việc lớn hơn, quan trọng hơn, như: sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, bố trí lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT, đầu tư trang thiết bị hiện đại...

Trần Quang Vũ cho biết: Công ty tập trung đi sâu nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới và chất lượng được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Ðồng thời, Ban Giám đốc tạo mọi điều kiện để cán bộ, công nhân được đi học tập nâng cao tay nghề ở các quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu phát triển... Năm 2000 - thời điểm khó khăn nhất, toàn công ty có 512 cán bộ, công nhân với mức thu nhập bình quân hơn 800 nghìn đồng/người/tháng, đến nay, công ty đã có hơn 2.600 người với mức thu nhập bình quân hơn 2,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Công ty Nam Triệu đang thực hiện nhiều hợp đồng có giá trị lớn, như: đóng mới bốn tàu hàng 53 nghìn tấn. Công ty đã sản xuất được những sản phẩm đích thực của Việt Nam có giá trị lớn, hiện đại.

Một trong những điển hình tiêu biểu của Ðại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII tham gia chương trình giao lưu, được mọi người quý mến, trân trọng là chị H-Bliăk-Niê, dân tộc Ê Ðê, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu, huyện Krông Ana (Ðác Lắc).

Chị đem đến đại hội một câu chuyện vui và cũng là kỷ niệm không thể nào quên trong những ngày vận động phụ nữ trong xã thực hiện công tác KHHGÐ. Ðó là, sau một thời gian miệt mài vận động, khuyến khích, giải thích, H-Bliăk-Niê đã tìm được 15 phụ nữ trong xã đồng ý tham gia KHHGÐ. Thế nhưng khi lên đến bệnh viện chuẩn bị các thủ tục cần thiết, đã có năm người trốn về. Vì đường xa, lo lắng cho những chị em này không biết đường về, không quản ngại khó khăn, chị đã lập tức thuê xe trở về xã để tiếp tục động viên năm người này trở lại bệnh viện ngay trong ngày hôm đó. Chị tâm sự: Muốn trở thành một người cán bộ tốt của bà con dân tộc, mình phải thật sự gần gũi bà con, chăm sóc, thăm hỏi bà con như người trong nhà. Bên cạnh đó, người cán bộ phải có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, quyết đoán để có thể xử lý được các công việc. Có lẽ, chính nhờ vậy mà xã Ea Tiêu của chị đã từng bước vươn lên vững chắc trong những năm qua.

Năm 1995, Ea Tiêu còn là một xã yếu kém, tỷ lệ đói nghèo 30%, thu ngân sách Nhà nước không đạt chỉ tiêu 30 triệu đồng/năm... Ðến nay, sau 10 năm phấn đấu không ngừng của Chủ tịch xã H-Bliăk-Niê cùng toàn thể nhân dân và đội ngũ cán bộ, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 10%, 80% số hộ gia đình có máy thu hình, 95% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia... Ðặc biệt, thu ngân sách Nhà nước đã đạt 1,6 tỷ đồng nhờ đổi mới sản xuất, cây trồng, giao đất, giao rừng, phát triển các ngành nghề dịch vụ... Chị tâm sự với đại hội: Bà con của xã vui thì tôi mới thấy vui, cuộc sống bà con ấm no thì tôi mới thấy mình ấm no.

Thượng tá Phạm Minh Thư, Tiểu đoàn trưởng thuộc Sư đoàn Không quân 372 khiến cả hội trường xúc động với những câu chuyện về những người chiến sĩ thu gom, rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở khu vực chung quanh sân bay Plây Cu đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là cách đây 23 năm, các anh đã phát hiện một phụ nữ mang thai sắp đến ngày sinh đẻ đi làm ruộng bị trúng mìn và qua đời, còn dạ con bị văng ra ngoài và đứa trẻ đang thoi thóp. Các anh đã nhanh chóng đưa đứa trẻ đi cấp cứu kịp thời, cháu bé đó đã qua cơn nguy hiểm. Ðến hôm nay, Thượng tá Phạm Minh Thư và các đồng đội đã nhiều lần tìm cháu bé này nhưng không được và chỉ biết rằng, cháu đã theo cha vào phía nam sinh sống.

Cuộc sống của người lính rà phá bom mìn như anh Minh Thư và các đồng đội thật vất vả, gian nan. Hơn 10 năm qua, các anh đã thu gom và vô hiệu hoá hơn 17.500 qủa bom, mìn các loại. Ðó cũng là từng ấy lần các anh đối diện với hiểm nguy. Nhưng đổi lại, các anh thấy vui và hạnh phúc bởi đơn vị và nhân dân chung quanh không còn ai bị thương vong nữa. Việc làm của các anh và đồng đội đã góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, mang lại bình yên cuộc sống cho mọi người. Ðược biết, trước khi ra Hà Nội dự Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII, Thượng tá Phạm Minh Thư tiếp tục thu gom được 73 quả bom, mìn các loại.

Tại đại hội, các đại biểu cũng đã trò chuyện, giao lưu với Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện Nhi T.Ư và Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc bệnh viện về những công việc, điều kiện, khó khăn cùng những thử thách trong quá trình thực hiện ca ghép gan cứu sống cháu Hoàng Anh Tuấn, 14 tuổi. Sau một thời gian phục hồi và được đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư hết lòng chăm sóc, giúp đỡ, cháu Hoàng Anh Tuấn đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường.

Với những câu chuyện bất ngờ, tình tiết sinh động, sự kiện nóng bỏng trong quá trình thực hiện chuyên án Z511 về triệt phá ổ nhóm tội phạm Năm Cam và đồng bọn, Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát-người đã ba lần vinh dự được tham gia Ðại hội Thi đua toàn quốc khẳng định: Ba yếu tố quan trọng làm nên thành công của chuyên án này là bí mật, bất ngờ và chiến thuật "Giương đông, kích tây" đối với bọn tội phạm. Tấm gương của chị Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động số 2 của Hà Nội cùng các cán bộ, nhân viên đã hết lòng, tận tâm chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu bé bất hạnh có HIV và động viên, giáo dục những người phụ nữ lầm lỡ, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tích cực lao động từ đó vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Những tấm gương, điển hình trong Chương trình giao lưu "Thi đua là yêu nước" là những gương mặt tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Họ là những bông hoa đẹp trong một rừng hoa đậm đà hương sắc. Các anh, các chị-những điển hình thi đua xuất sắc đã và đang hết mình cống hiến trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.

* Theo chương trình của đại hội, chiều và tối cùng ngày, các đại biểu tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi ở và làm việc của Người; tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh của thủ đô Hà Nội và thưởng thức chương trình biểu diễn xiếc đặc sắc của các nghệ sĩ xiếc Việt Nam.

Ngày 6-10, Ðại hội làm việc tại Hội trường.