Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam quản lý nước
Các Website khác - 15/10/2005
Thái tử Willem Alexandre.

Sau 6 ngày công du Việt Nam, Thái tử Willem Alexandre của xứ sở tulip hôm qua đã có cuộc trao đổi với VnExpress. Với tư cách nhà bảo trợ Đối tác nước toàn cầu, ông khẳng định, Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực quản lý nước và dải ven bờ.

- Nhận định của ông về công tác quản lý dải ven bờ của Việt Nam sau khi đi thăm một số đê điều ở phía Bắc bị tàn phá sau cơn bão số 7 và các đầm phá tại Huế?

- Bờ biển Việt Nam quá dài và phức tạp nên có nhiều nét khác nhau giữa các dải ven bờ. Bão số 7 vừa rồi lẫn cơn lũ quét năm 1999 ở các tỉnh miền Trung đã gây nhiều thiệt hại cho Việt Nam. Thực tế này cho thấy Việt Nam cần có cái nhìn khác hơn về công tác quản lý nước theo xu hướng tổng hợp. Phương thức quản lý nước tổng hợp sẽ thích hợp đối với đặc điểm bờ biển miền Trung dài nhưng lại hẹp, có đoạn chỉ rộng 30-40 km.

Tôi còn nhìn thấy một bất lợi nữa cho dải ven biển miền Trung Việt Nam. Đó là khi Trung Quốc xây dựng xong một đập tràn trên thượng nguồn sông Mê Kông thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước và chất lượng nước phía hạ nguồn, trong đó có Việt Nam. Tôi cho rằng đây cũng là một thách thức trong quản lý nước đối với Việt Nam trong những năm sắp tới.

- Hà Lan hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong lĩnh vực này?

- Quản lý nước là một lĩnh vực lớn mà Hà Lan có thể hỗ trợ Việt Nam trong tương lai. Hôm đầu tuần, tôi đã đến thăm trường Đại học thủy lợi Hà Nội và ký một nghị định thư với trường. Theo đó, Hà Lan sẽ hỗ trợ 2 dự án tăng cường quản lý dải tổng hợp ven bờ của Khoa kỹ sư bờ biển, đồng thời gửi chuyên gia và đào tạo chuyên gia cho trường.

- Ông có thể cho biết cụ thể các chương trình tài trợ cho VN?

- Chương trình tài trợ của Hà Lan cho Việt Nam thường là các khoản cho vay kết hợp giữa ngân hàng Hà Lan và các quỹ tài chính của Việt Nam. Đại sứ quán Hà Lan hiện dành cho Việt Nam các chương trình tài trợ ORET và PSOM. "Quỹ" ORET hỗ trợ các công ty mới ở những thị trường mới có các dự án nghiên cứu khả thi. Còn PSOM dành cho doanh nghiệp các thị trường đang phát triển. Theo tôi, 2 chương trình này rất thành công. Năm 2004 đã có 8 dự án của Việt Nam được hưởng lợi từ tài trợ PSOM.

Các chương trình tài trợ này Chính phủ Hà Lan chưa có kế hoạch cụ thể từng năm, mà mức tài trợ tùy thuộc vào tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam.

- Ông đã tiếp xúc với cộng đồng người Hà Lan đang sinh sống và kinh doanh tại Hà Nội. Phản ánh của họ về môi trường làm ăn tại Việt Nam như thế nào?

- Nói chung doanh nhân Hà Lan đánh giá cao Việt Nam về tiềm năng đầu tư, tốc độ tăng trưởng cao, ấn tượng nhất là kỹ năng lao động và trình độ quản lý ở các cấp. Song, những phàn nàn về nạn quan liêu là không thể tránh khỏi. Nhưng tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp vẫn hay than phiền và luôn than phiền về những cơ chế quản lý dù có quan liêu hoặc không.

- Cảm nhận của ông sau chuyến thăm VN?

- Khi tôi sang Việt Nam, vợ tôi là một nhà kinh tế học tỏ ra rất ghen tỵ vì không được đi cùng tôi. Trong 6 ngày ở đây, tôi thường xuyên gọi điện và kể chuyện Việt Nam cho vợ tôi nghe, cô ấy càng trở nên ghen tỵ với tôi. Chắc chắn là tôi sẽ trở lại thăm Việt Nam cùng với vợ tôi trong thời gian sớm nhất.

Phan Anh thực hiện