Vụ án “Chống người thi hành công vụ” do Nguyễn Văn Hạ (Hạ “què”) được dư luận địa phương khá quan tâm, bởi hành trình tố tụng có nhiều dấu hiệu cho thấy có sự nhúng tay của Hai Chi
Sau hơn 2 năm được xem như đã chìm xuồng một cách khó hiểu, sáng 10-8, TAND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Văn Hạ (SN 1956) “Chống người thi hành công vụ”. Tham dự phiên tòa còn có 19 người được triệu tập với tư cách là nhân chứng, người bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Hàng trăm người dân đã đến theo dõi.
Giằng co tay lái xe gỗ lậu với kiểm lâm
Theo hồ sơ vụ án, đêm 22-10-2002, anh Đàm Hữu Chính và anh Mai Đình Sơn (đều là cán bộ của Hạt kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam) nhận được tin báo có một xe khách vận chuyển gỗ lậu từ Tà Mon, xã Tân Lập ra theo hướng Quốc lộ 1A, hai cán bộ kiểm lâm trên đã dùng xe mô tô để chặn đường. Sau đó phát hiện chiếc xe biển số 60K-4770 chở gỗ lậu trên xe. Anh Chính đã ra hiệu cho chiếc xe này dừng lại. Khi xe dừng lại thì phát hiện trên xe có 54 khúc gỗ tròn, nhưng ngay lập tức tài xế đã bỏ trốn. Sau đó Hạ “què” xuất hiện đề nghị anh Chính và anh Sơn tha xe gỗ nhưng không được chấp nhận. Anh Chính cho Hạ lái chiếc xe tang vật về cơ quan chức năng để xử lý. Trên xe có anh Chính và anh Dương Công Bình áp tải, nhưng khi Hạ lái xe gỗ ra đến quốc lộ thì đột ngột cho xe quay về hướng TPHCM mà không quay ra UBND xã Tân Lập như yêu cầu của cán bộ kiểm lâm. Sau khi giằng co tay lái với Hạ không được, các cán bộ kiểm lâm đã phải dùng súng AR 15 bắn lủng bánh xe. Chiếc xe bị lật làm cả Hạ và anh Chính bị thương. Sau đó số gỗ trên xe bị tẩu tán gần hết, và vụ án bị “chìm xuồng”.
Cố tình giấu giếm tông tích tài xế
Hạ “què” là một trong những đối thủ nặng ký của Hai Chi và từng công khai đối đầu. Về sau, do không chịu nổi những chiêu độc của Hai Chi nên Hạ đã phải xuống nước quy phục chịu làm đệ tử để Hai Chi ban cho một lãnh địa kinh doanh và vận chuyển gỗ lậu ở khu vực huyện Hàm Thuận Nam (giáp ranh lãnh địa của Hai Chi). Điều đáng nói là sau khi vụ việc trên xảy ra, Công an huyện Hàm Thuận Nam dù đã rất tích cực củng cố chứng cứ, hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “Chống người thi hành công vụ” nhưng không được VKSND huyện phê chuẩn. Hạ “què” vì thế vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Hồ sơ sau đó được chuyển lên tỉnh, tỉnh chuyển về huyện mà vẫn không đi đến kết cục mà không rõ lý do. Mãi đến khi ban chuyên án “Đồi Hoa Mai” vào cuộc, vụ án mới được phục hồi và Hạ bị bắt vào ngày 4-7-2005.
Tại phiên tòa hôm qua, Hạ chỉ nhận sai phạm nhưng không nhận sai phạm ở mức độ nào. Riêng tài xế lái chiếc xe khách 60K-4770, Hạ vẫn cố tình không khai. Do có một người anh trai là liệt sĩ, bản thân Hạ là thương binh 1/4 nên VKSND huyện Hàm Thuận Nam đã đề nghị tuyên Hạ từ 9-12 tháng tù. Sau đó, tòa đã tuyên Nguyễn Văn Hạ 12 tháng tù giam tính từ ngày bị bắt tạm giam.
GÓC NHÌN Có vấn đề...! Phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Hạ để lại khá nhiều câu hỏi đối với người dự khán cũng như những ai quan tâm đến vụ án này. Điểm qua một số chi tiết bất thường, có thể khẳng định hành trình tố tụng của vụ án này có “vấn đề”. Thứ nhất, bản cáo trạng của VKSND huyện Hàm Thuận Nam đề ngày 21-4-2005 là phi lý. Bởi lẽ vụ việc xảy ra vào ngày 23-10-2002, sau đó, nhiều lần VKSND huyện Hàm Thuận Nam và VKSND tỉnh Bình Thuận không phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của công an huyện. Đến đầu năm 2005, vụ án được khởi tố nhưng Hạ đã bỏ trốn. Đến ngày 4-7-2005, Hạ mới bị Ban Chuyên án “Đồi Hoa Mai” bắt giam. Như vậy, từ ngày 21-4-2005 trở về trước, Hạ không bị tạm giam ngày nào, nghĩa là không được điều tra, lấy cung... Vậy cơ sở nào VKSND huyện Hàm Thuận Nam ra cáo trạng ngày 21-4-2005? Thứ hai, Hạ “què” là một trùm buôn lậu gỗ tại Hàm Thuận Nam, bị kiểm lâm nhiều lần điểm mặt. Theo diễn biến vụ án, Hạ chống lại cán bộ kiểm lâm cũng chỉ để tẩu tán gỗ lậu, che giấu hoạt động khai thác và buôn bán lâm sản trái phép của mình. Thế nhưng, phiên tòa chỉ đề cập hành vi chống người thi hành công vụ của Hạ. Vụ án Hạ “què” đã từng chìm xuồng nhiều lần và bị nghi là có bóng dáng ai đó trong một số cơ quan pháp luật địa phương đã “che chở”. Phải chăng phiên tòa lần này cũng không thoát khỏi cái bóng che đó? Dương Quang |
Tuỳ Hoà - Lan Phương
▪ "Các anh làm thế thì chết dân"! (11/08/2005)
▪ Cấp sổ đỏ ở Xuân Mai (Hà Tây) theo... một nửa luật (10/08/2005)
▪ Rủ sinh viên kinh doanh hàng lừa (10/08/2005)
▪ Đối tượng cuối cùng ra đầu thú (10/08/2005)
▪ Nỗi niềm người tài xế taxi (10/08/2005)
▪ Niềm tin có ở mỗi người (10/08/2005)
▪ Nơi tìm lại nhân phẩm (10/08/2005)
▪ Cần tính đến hiệu quả các cuộc thi (10/08/2005)
▪ "Tôi sẽ không bao giờ đầu hàng số phận" (10/08/2005)
▪ Mỗi công chức dành một ngày lương cho nạn nhân da cam (10/08/2005)