Hàng chục nghìn gia cầm bị bỏ đói cho tự chết
Các Website khác - 29/11/2005

Không tiêu thụ được, càng nuôi càng lỗ, tình cảnh này buộc hàng nghìn hộ chăn nuôi đành nuôi theo kiểu cầm xác gia cầm: cho ăn dè chừng để chúng ngừng đẻ và tự chết. Ở một số nơi như Hải Dương, Hà Tĩnh, Thái Bình, Ninh Bình..., nhiều đàn vịt trở thành vô chủ, lang thang ngoài đồng cả ngày lẫn đêm.

Trên nhiều cánh đồng huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Nghi Xuyên, Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng vịt kêu quác quác. Cả đàn vịt mấy trăm con lặn ngụp trên những cánh đồng lúa đã được gặt trước đó từ mấy tháng, thóc rơi vụng chẳng con bao. Vịt đói ngơ ngác. "Có đàn vịt tới 1.000 con, nếu không phải mùa dịch cũng bán được ít ra 15 triệu đồng, song vì gia chủ nghèo, tỉnh cũng nghèo, chưa có chính sách hỗ trợ thêm, nên đành thả rông vịt ngoài đồng", ông Trần Bính, Chi cục trưởng Thú y Hà Tĩnh kể.

Nhiều đàn thủy cầm trở thành vô chủ. Ảnh: N.T.

Hà Tĩnh chưa nằm trong bản đồ dịch cúm, nhưng tình trạng gà, vịt chết vì bị bỏ đói thì khá phổ biến. Toàn tỉnh hiện có 4,4 triệu gà, vịt, trong đó thuỷ cầm gần 1 triệu. Hộ chăn nuôi quy mô lớn trên 500 con xấp xỉ 800. Những hộ này rất muốn giữ đàn gia cầm theo sự khuyến khích của UBND tỉnh, nhưng họ không chắc giữ được. Bởi mùa dịch kéo dài ít nhất 3 tháng, trong khi Hà Tĩnh chưa xây được lò giết mổ tập trung để đưa gia cầm vào đó chế biến, ướp đông rồi đưa đi tiêu thụ. Bí quá, 7 hộ chăn nuôi chim cút đã đệ đơn xin tiêu hủy 11.000 con. Nhiều hộ nuôi gà cũng ngấp nghé muốn tiêu huỷ. Để đỡ chi phí cám bã, chim cút giờ đây trở thành thức ăn cho gà, vịt; gà vịt chết đói lại trở thành thức ăn cho lợn.

Tình trạng vịt vô chủ cũng từng xảy ra ở Thái Bình. Ông Đăng Đức Riểu, Chi cục trưởng Thú y tỉnh, cho hay, ngay khi biết tình trạng này, lãnh đạo ngành nông nghiệp đã xuống làm công tác tư tưởng, vận động bà con cố gắng giữ 8 triệu gia cầm vì "dịch chỉ có thời vụ, hết dịch sản xuất lại bình thường". Tuy nhiên, ông Riểu không chắc là các gia đình có giữ được đàn gia cầm không bởi hiện nay nhiều hộ rất khó khăn, cố gắng lắm cũng chỉ nuôi theo kiểu cầm xác, tức là cho gà, vịt ăn dè chừng để chúng đừng đẻ. "Đẻ ra có bán được đâu. Thị trường truyền thống của Thái Bình là Quảng Ninh, nhưng trứng gà vịt, dù có giấy kiểm dịch rõ ràng, xuất xứ từ nơi không dịch, song cũng không được tỉnh bạn cho vào tiêu thụ", ông Riểu phản ánh.

Hiện nay, đa số các tỉnh đã vận động nhân dân cố gắng giữ đàn gia cầm sạch. Một số nơi như Ninh Bình đã có chính sách hỗ trợ, dù là ít ỏi, song cũng rất đáng quý với hộ chăn nuôi. Cụ thể, với hộ nuôi từ 500 gia cầm trở lên, tỉnh sẽ trợ giúp 2.000 đồng cho một con để mua thức ăn. Tuy nhiên, ông Đinh Quốc Sự, Chi cục trưởng Thú y Ninh Bình, cho hay, động thái này cũng không ngăn được hiện tượng 30 hộ nuôi vịt đàn ở các huyện Gia Viễn, Yên Khánh, Kim Sơn, đồng loạt xin tiêu hủy gia cầm dù không mắc dịch.

Hải Dương thì làm quyết liệt hơn. Ông Nguyễn Văn Quynh, Chi cục phó Thú y, cho hay, sáng 29/11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm của tỉnh đã họp, quyết định từ nay đến 5/12 sẽ tiêu hủy tổng đàn thủy cầm trên 1 triệu con. Mức hỗ trợ như sau: 1.000 đồng cho thủy cầm dưới 1 tháng tuổi; 7.000 đồng cho con dưới 1 kg; 10.000 đồng cho con từ 1 đến 2 kg; và 15.000 đồng cho vịt trên 2 kg. "Tỉnh đã bàn với Ngân hàng nông nghiệp khoanh nợ cho hộ nuôi gà, cấp miễn phí thuốc sát trùng, cử cán bộ thú y xuống hướng dẫn bà con phun thuốc, bảo vệ đàn gà 7 triệu con còn lại", ông Quynh nói.

Như Trang

Theo dòng sự kiện:
6,8 triệu USD cho phòng chống dịch cúm gia cầm (28/11)
Gia cầm không trong vùng dịch cũng được hỗ trợ (27/11)
TP HCM sẽ hỗ trợ cho người buôn bán và giết mổ gia cầm (27/11)
Nguy cơ tái phát cúm gia cầm từ 50 ổ dịch cũ ở HN (25/11)
Tổng đàn gia cầm TP HCM đã giảm 99,5% (25/11)
Xem tiếp»