![]() |
Ngừng đăng ký xe ở nội thành gây nhiều phiền toái cho người dân. Ảnh: Anh Tuấn |
Số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội cho thấy, lượng xe máy đã giảm khi thành phố áp dụng việc tạm ngừng đăng ký mới tại các quận nội thành. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, lượng xe giảm là do nhu cầu mua xe của người dân đã giảm trên thực tế.
Báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông cho thấy, năm 2004, lượng xe máy đăng ký mới là 97.000 xe, tăng khoảng 17% so với năm 2003. 10 tháng đầu năm 2005, lượng xe máy là 63.400 xe, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2004. Nếu chỉ nhìn vào số liệu này thì việc ngừng đăng ký xe máy của UBND thành phố đã có tác dụng tích cực.
Tuy nhiên, dưới cái nhìn của người trong cuộc, ông Lê Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội xe đạp, xe máy Việt Nam (VBMA), lại cho rằng, số xe đăng ký mới giảm là do nhu cầu sử dụng của người dân đã chững lại. Ông cho biết, những năm 2001, 2002, cả nước tiêu thụ 2,3-2,5 triệu xe mới. Tuy nhiên, năm 2003 đã giảm xuống còn hơn 1,3 triệu xe, tăng nhẹ hơn vào năm 2004 là 1,9 triệu xe. Năm nay sẽ tụt xuống ở mức 1,3 triệu xe.
Lập luận của Phó chủ tịch Hiệp hội xe đạp, xe máy Việt Nam là thời gian qua, người dân đã ồ ạt mua xe máy để phục vụ đi lại, nên đến nay lượng tiêu thụ sẽ giảm dần theo bình quân đầu người. Ngoài ra, xe buýt cũng hút một lượng người tham gia giao thông nhất định, một số người mua ôtô thay vì mua xe máy. "Tôi nghĩ lượng xe máy bán ra còn giảm nhiều trong thời gian tới. Do vậy, với Hà Nội, lượng xe máy giảm trên thực tế không hoàn toàn do cấm đăng ký", ông Tuấn nói với VnExpress.
Cùng chung với quan điểm này, ông Phạm Văn Quyền, Cục phó Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng, chỉ những người có thu nhập thấp và trung bình hoặc người lao động về thành phố làm việc mới có nhu cầu mua xe mới trong thời gian tới.
Cấm xe ở nội thành, song không có biện pháp ngăn chặn xe từ ngoại thành và ngoại tỉnh đổ vào nội đô. Hằng ngày, có thêm hàng trăm nghìn xe máy của 500.000 người dân ngoại tỉnh đang sinh sống và của những người dân ra vào thành phố. "Theo tôi trên đường phố Hà Nội có khoảng 30% là xe mang biển số ngoại tỉnh", ông Quyền ước tính.
Theo ông Đinh Quang Tuấn, Trưởng phòng thị trường Công ty Yamaha Việt Nam, lượng xe bán ra của doanh nghiệp này tập trung tại các huyện Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm. "Nhãn hiệu Yamaha có nhiều loại xe ga, xe số đắt tiền thích hợp với người nội thành. Nên tôi cho rằng, sự thật phần lớn người mua xe là ở nội đô. Muốn mua xe, họ phải mua suất đăng ký của dân ngoại thành để hợp thức hoá", ông Tuấn nói.
Ông cũng cho hay, tại các đại lý của công ty đều có dịch vụ bao tiêu đăng ký xe cho người mua xe. Tuy nhiên, khách hàng phải bỏ thêm tiền tuỳ theo từng loại hình dịch vụ.
Theo tìm hiểu của VnExpress, để mua được một xuất tên đăng ký xe tại các huyện ngoại thành, khách phải bỏ 2-3 triệu đồng.
Theo các chuyên gia ngành giao thông, để hạn chế xe máy và giảm ùn tắc giao thông, thành phố Hà Nội cần cải thiện mạng lưới đường giao thông và tăng phương tiện vận tải công cộng. Cục phó Đường bộ Phạm Văn Quyền cho rằng, tăng trưởng về phương tiện thúc đẩy kinh tế phát triển và cũng như phát triển giao thông đô thị. Do vậy, chặn đứng nhu cầu của người dân không phải là giải pháp tích cực, thay vào đó là phải đầu tư cho hạ tầng để phục vụ người dân.
"Ở một số thành phố ở Trung Quốc cấm xe máy song họ đã phát triển hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh để phục vụ cộng đồng. Ở một số nước khác, tôi thấy họ hạn chế đăng ký xe bằng cách cấp hạn ngạch đăng ký trong một năm. Nếu hết hạn ngạch, chủ xe sẽ phải chờ sang năm tới", ông Quyền cho hay.
* Ý kiến của bạn?Đoàn Loan
▪ Cán bộ thú y khai báo gian lận gia cầm chết để trục lợi (29/11/2005)
▪ Hôm nay, bế mạc kỳ họp Quốc hội (29/11/2005)
▪ Mô hình nào cho quản lý thuốc và thực phẩm? (28/11/2005)
▪ "Nửa vời" dễ sinh "dơi, chuột" (28/11/2005)
▪ Chín lần thay đổi quyết định vẫn chưa thi hành án (28/11/2005)
▪ F.Elgels với K.Marx và chủ nghĩa Marxism (28/11/2005)
▪ Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện (28/11/2005)
▪ Ia-đrăng - một trận đánh làm thay đổi chiều hướng chiến tranh (28/11/2005)
▪ Bộ trưởng hãy tự giám sát (28/11/2005)
▪ Cuối năm chuyện điện, chuyện dầu (29/11/2005)