![]() |
Ông Trịnh Xuân Thu. |
Trong 5 năm qua, 1.334 cán bộ các cấp đã bị khởi tố do tham nhũng đất đai. Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu yêu cầu Chính phủ phải coi tiêu cực đất đai là "địa chỉ nóng" cần đánh mạnh. Tổng cục phó Tổng cục An ninh Trịnh Xuân Thu vừa có cuộc trao đổi riêng với VnExpress về chủ đề này.
- Là người trực tiếp phụ trách nắm tình hình an ninh nông thôn, ông đánh giá thế nào về thực trạng tham nhũng đất đai, thưa ông?
- Tôi cho rằng, thu hồi đất, giao đất, giải phóng mặt bằng phát triển công nghiệp đang là điểm nóng của nạn tham nhũng. Theo thống kê của ngành công an, từ giữa năm 2000 đến nay, đã có 3.008 đối tượng bị khởi tố vì liên quan đến đất đai. Trong số này, 1.334 cán bộ các cấp tham nhũng, tiêu cực. Có một số vụ việc nghiêm trọng, ví dụ vụ Tràng Cát (Hải Phòng), đã khởi tố bắt 5-7 cán bộ. Ở Thanh Hoá, Hà Tây, Vĩnh Phúc cũng đã bắt một số cán bộ và đang tiếp tục xử lý.
- Theo ông, số cán bộ tham nhũng bị khởi tố đã phản ánh được bao nhiêu thực tế tham nhũng đất đai hiện nay?
- Con số trên mới chỉ phản ánh một phần tình hình tham nhũng hiện nay. Nếu chúng ta điều tra mạnh hơn thì con số cán bộ tham nhũng có thể còn hơn nữa bởi đất đai mang lại lợi nhuận quá lớn sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng. Chủ trương nhà nước ta là đẩy mạnh hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Để tăng tỷ trọng công nghiệp thì tất nhiên phải thu hồi đất, giao đất, giải phóng mặt bằng. Đây chính là "mảnh đất" để người ta tiêu cực, tham nhũng.
Khu vực liên quan tới giao đất, giải phóng mặt bằng sẽ là địa chỉ tập trung theo dõi của ngành công an trong thời gian tới.
- Ông có thể nói gì về những "chiêu" tham nhũng đất đai hiện nay?
- Các kiểu tham nhũng đất đai thì muôn hình vạn trạng. Ví dụ, tại Hà Tây vừa rồi, đầu tiên là xin đất để xây dựng trụ sở cho cơ quan. Nhưng đến khi giao đất rồi, thì họ lại xây thành các căn hộ rồi giao bán, chuyển đổi mục đích nên dân kiến nghị rất quyết liệt. Rồi thủ đoạn thông qua các doanh nghiệp đưa tiền trở lại cho anh, hoặc cho con cháu anh đứng tên vài miếng đất, bán lấy tiền.
- Nhiều vụ việc tham nhũng đất đai thời gian qua mang tính tập thể, với sự nhúng tay của cả quan chức cấp tỉnh, thành phố. Ông nghĩ gì về thực tế này?
- Chúng tôi chưa có thống kê cụ thể nhưng phần lớn cán bộ liên quan đến tiêu cực đất đai là quan chức cấp xã, cấp huyện. Cán bộ tham nhũng cấp tỉnh cũng có nhưng tỷ lệ ít hơn. Đất đai khi chuyển mục đích sử dụng thì lợi nhuận rất lớn, do đó cần phải chú ý tới vấn đề lợi ích cá nhân. Vì lợi ích cá nhân, người ta rất dễ bao che cho nhau và thực tế đã có những vụ bao che rồi và cũng đã xử lý rồi.
Theo tôi, tham nhũng đất đai dân dễ nhận thấy lắm. Chính quyền các cấp cũng như các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương giám sát một cách chặt chẽ thì có thể ngăn chặn được. Nếu cấp xã sai phạm mà cấp huyện giám sát chặt thì tiêu cực ít xảy ra. Còn vì sao tiêu cực xảy ra kéo dài thì rõ ràng ở đây có trách nhiệm chính quyền cấp trên cơ sở.
- Trong số cán bộ tham nhũng đất đai bị khởi tố, tỷ lệ do dân tố cáo là bao nhiêu?
- Trong hơn 1.300 cán bộ bị khởi tố thời gian qua, tỷ lệ do dân tố cáo trực tiếp chiếm trên 50%. Số còn lại là do tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài tại địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc và phát hiện ra tham nhũng, tiêu cực
- Thế nhưng nhiều vụ đơn thư tiêu cực đất đai đã không được chính quyền địa phương xem xét thoả đáng khiến họ phải khiếu kiện vượt cấp, điển hình là vụ đất đai Đồ Sơn. Ông nghĩ gì về thực trạng này?
![]() |
Lô đất vị trí đẹp ở thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng được chia cho cán bộ và người thân của họ. Ảnh: T.P |
- Đúng là cơ quan có trách nhiệm phải xem xét khiếu kiện của dân thoả đáng hơn. Hiện nay, có mấy vấn đề mà dân bức xúc. Thứ nhất là giá đền bù chưa thoả đáng, công bằng. Thứ hai là khi giao đất cho các doanh nghiệp thì là đất nông nghiệp với giá rẻ. Sau khi thu hồi đất xong người ta đầu tư một ít vào cơ sở hạ tầng thì tự nhiên giá đất tăng lên hàng chục lần. Lợi nhuận đó chủ yếu là doanh nghiệp được. Doanh nghiệp hưởng lợi, sau đó không loại trừ việc hối lộ, chi lại cho một số cán bộ tham nhũng tiêu cực. Do vậy, dân bất bình, khiếu kiện.
- Vậy có chế tài nào xử lý đơn thư khiếu kiện của người dân, đặc biệt là vấn đề đất đai?
- Quốc hội đang thảo luận về Luật khiếu nại tố cáo, trong đó có đề cập đến vấn đề: quyết định cuối cùng của cấp hành chính. Dân khiếu nại, thì đến Chủ tịch UBND tỉnh là quyết định cuối cùng hay Bộ trưởng mới là quyết định cuối cùng.
Theo tôi, Luật khiếu nại tố cáo cũng cần sửa đổi theo hướng mở rộng. Thực tế hiện nay, có trường hợp quyết định cuối cùng đã thấu tình đạt lý, nhưng người dân cố tình khiếu kiện. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp quyết định cuối cùng chưa đúng. Như vậy, phải mở ra một hướng để dân còn có đường để khiếu nại tiếp, nếu không họ sẽ bị oan.
- Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng thiếu công khai trong việc quy hoạch đất đai đã tạo điều kiện cho cán bộ tiêu cực?
- Về vấn đề quy hoạch rất cần công khai cho dân biết. Nếu giải phóng mặt bằng, giao đất khu công nghiệp thì giao đến đâu, giá cả đền bù thế nào. Nhưng đúng là lâu nay, có chuyện không công khai trong việc thu hồi, quy hoạch sử dụng đất.
- Dư luận phản ánh về tình trạng cán bộ do biết trước thông tin quy hoạch đất đã cho người thân mua trước vài lô đất. Với những trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao?
- Thủ đoạn tiêu cực như dân phản ánh là có. Người ta bây giờ làm hợp pháp hết, thực hiện đúng thủ tục pháp lý, cũng mua cũng bán, đứng tên con em. Ví dụ như khu vực đó, giá đất thấp nhưng anh biết được quy hoạch có một con đường đi qua. Anh biết trước rồi mua đất đứng tên người khác. Khi quy hoạch xong, giá cả tăng lên thì anh bán. Như vậy cũng khó có điều luật nào xử lý người ta.
Những trường hợp này, theo tôi, các cơ quan Đảng, địa phương phải đánh giá cán bộ. Những anh cán bộ biết chuyện đó, lợi dụng làm giàu bất chính tôi nghĩ phải đưa ra khỏi bộ máy lãnh đạo. Tôi cho rằng cần phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nếu anh để cho tiêu cực tham nhũng nhiều thì phải xem xét xử lý trách nhiệm.
- Công khai quy hoạch, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu là những biện pháp được nói đến nhiều. Theo ông, cần những biện pháp nào nữa hạn chế tham nhũng trong lĩnh vực đất đai?
- Theo tôi hiện nay, cần quan tâm mấy vấn đề. Thứ nhất là phải rà lại các văn bản pháp luật của nhà nước, xem cái gì phù hợp, cái gì không còn phù hợp nữa thì phải sửa đổi. Ví dụ về giá đất, nơi này đền bù một giá, nơi kia đền bù một giá khác khiến người dân không đồng tình. Thứ hai là cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ các trường hợp thu hồi đất, giao đất giải phóng mặt bằng. Qua đó, phát hiện tất cả hành vi tham nhũng của cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở.
Chúng tôi đề nghị Chính phủ và cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm chỉ đạo, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tình trạng tham nhũng đất đai. Nếu không tình hình này vẫn sẽ còn phức tạp hơn và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề quy hoạch, vấn đề công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ: 5 chiêu thức 'ăn đất' của dân. Thứ nhất, tham nhũng dựa vào các chương trình mục tiêu của Nhà nước. Đó là những chương trình khuyến khích, tạo quyền lợi cho người dân, đặc biệt là người nghèo, phát triển quỹ đất. Thứ hai, tham nhũng đất đai từ các khu tái định cư. Thứ ba, tham nhũng đất đai tại khu giãn dân ở khu dân cư nông thôn. Thứ tư, tham nhũng đất biểu hiện dưới dạng quyết định thu hồi đất cho một dự án, rộng hơn mức cần thiết của dự án, nhưng sau đó chỉ giao diện tích đúng như dự án, phần còn lại sau đó đem chia chác. Thứ năm, không có dự án gì nhưng vẫn thu hồi đất của dân rồi để đấy, sau đó thuyết minh dự án chậm, dự án không có rồi đem chia cho nhau. |
Việt Anh thực hiện
▪ Sinh viên và Mỹ Tâm thăm Honda Việt Nam (29/10/2005)
▪ Dân chưa đồng hành chống dịch (07/11/2005)
▪ Tin Công đoàn (07/11/2005)
▪ Lật xe làm 16 người bị thương (07/11/2005)
▪ Hôm nay 3 phó thủ tướng, 6 bộ trưởng đi chống dịch cúm (07/11/2005)
▪ Nước ngập do vỡ bờ bao, một người chết đuối (07/11/2005)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Lập đường dây nóng phản ánh tiêu cực của CSGT (07/11/2005)
▪ Những cái chết "vô duyên" trong lũ (07/11/2005)
▪ Đừng để " cổ phần hoá" biến thành... "tư nhân hoá"! (07/11/2005)