Dân chưa đồng hành chống dịch
Các Website khác - 07/11/2005
SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Dân chưa đồng hành chống dịch

Lê Thanh Phong
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, đại dịch cúm gia cầm trên người hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực ở VN chứ không chỉ là giả thuyết trên các bàn hội nghị. Nếu điều này xảy ra, bệnh viện của cả nước không đủ sức chứa 8 triệu người (10% dân số) mắc bệnh. Những người quan tâm hình dung nạn dịch bùng phát sẽ gây biến động lớn trên toàn xã hội, thiệt hại về người và kinh tế chưa thể lường hết.

Đánh giá đúng mối hiểm nguy đó, Chính phủ đã chỉ đạo cấp bách các biện pháp phòng chống dịch, chi cả nghìn tỉ đồng để tiêm vaccine phòng cúm cho gia cầm. Tuy nhiên, những nỗ lực và tiền của bỏ ra chống dịch coi chừng trở thành vô ích. Bởi lẽ, hành động tích cực của Chính phủ lại không đồng hành với người dân. Ngoài một bộ phận rất ít người dân có ý thức trước đại dịch, đa số còn quá vô tư. Hàng quán bán gia cầm khắp nơi giữa lòng thành phố Hà Nội. Người dân vẫn thản nhiên ăn nhậu, xơi tiết, lòng gà, chơi chim cảnh, gà chọi và coi chuyện dịch chỉ tồn tại... trên báo. Tại TPHCM, gia cầm vẫn cứ xâm nhập vào hàng quán, vào bữa ăn gia đình. Khủng khiếp hơn, trên lòng hồ Trị An, đổ ra sông Đồng Nai, hằng ngày, người ta đổ vài tấn phân gia cầm xuống để nuôi cá. Họ không hề ý thức rằng, một phần nguồn nước này cung cấp cho dân của tỉnh Đồng Nai, 7 triệu dân của TPHCM. Nghĩ mà rùng mình, nhỡ không may, người dân của các tỉnh và thành phố lớn nhất nước này bị lây nhiễm virus dịch cúm từ nguồn phân gia cầm nuôi cá kia.

Để điều không may đó đừng xảy ra, giới chuyên môn cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kết hợp tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mối đe doạ của dịch cúm gia cầm. Một vấn đề quan trọng khác được đặt ra là, người dân nghèo giữ lại đàn gà chỉ để lo miếng cơm manh áo thường nhật, không quan tâm đến nạn dịch xem ra quá xa xôi đối với họ. Vì vậy, để người dân chấp hành nghiêm chỉnh việc tiêu huỷ gia cầm khi có yêu cầu, cần phải có chính sách hỗ trợ với giá đền bù cao, đủ sức hấp dẫn nông dân tự nguyện xin được tiêu huỷ. Biện pháp sử dụng đồng tiền để hỗ trợ và bảo vệ lợi ích của dân khi tiêu huỷ gia cầm là rất chính đáng, và cũng là cách kêu gọi dân cùng đồng hành với chính quyền trong cuộc phòng, chống đại dịch rất gay go này. Rõ ràng thà bỏ tiền đền bù lớn hơn gấp vài lần mức quy định hiện nay để nông dân tiêu huỷ gia cầm một cách triệt để, hạn chế đến tối đa nguy cơ xảy ra đại dịch, còn hơn phải nhận một thảm hoạ dịch bệnh và sự kiệt quệ nền kinh tế của quốc gia.