(VietNamNet) - Ở Quảng Nam xảy ra những cái chết rất "vô duyên": lật ghe khi rủ nhau đi chơi, thăm hỏi người thân, hàng xóm sau lũ.
Buông lỏng quản lý
Câu chuyện đò ngang, đò dọc với Quảng Nam có lẽ đã quá cũ, mà đỉnh điểm là bài học đau lòng với cái chết của 18 học sinh ở bến Cà Tang (xã Quế Trung, huyện Quế Sơn) cách đây hơn 2 năm.
Sáng 2/11 vừa rồi, lại thêm một con thuyền bị lật ở thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng (Tam Kỳ). Hiện vẫn chưa thể kết luận số người thiệt mạng cuối cùng, bởi tổng số người đi trên thuyền không xác định được, chỉ ước khoảng 25 người. Có 16 người được cứu sống, 5 người chết tìm thấy xác (có tin còn 2 người mất tích).
Vụ việc gây sửng sốt dư luận, bởi nó xảy ra khi bão số 8 đã chuyển thành áp thấp nhiệt đới, không còn đe doạ trực tiếp đến Quảng Nam. Nguyên do chỉ vì lái thuyền là Phan Thanh Thương và chủ thuyền là ông Bùi Viết Đông không tuân theo những quy định về an toàn giao thông đường thuỷ nội địa. Phương tiện không đăng ký đăng kiểm, người điều khiển không có giấy phép lái thuyền. Thêm nữa, đây là thuyền chuyên dùng chở đất, cát, sỏi nhưng lại được tận dụng chở người!
Tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ không bằng cấp, thuyền không số và dĩ nhiên không ai quản lý vẫn đang khá phổ biến. Trong mùa mưa bão, do ngập lụt, ở nhiều nơi không phải là bến vẫn nảy ra những con thuyền đưa đón khách tương tự chiếc thuyền vừa gây tai nạn. Chính quyền địa phương không phải không biết, nhưng họ vẫn không xem đây là trách nhiệm của mình. Đến khi vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương rồi ngành chức năng mới nhảy vào cuộc.
Dư luận lo lắng: Kiểu "nóng đâu thổi đấy" làm sao có thể giải quyết tận gốc mối nguy hiểm đối với tính mạng con người như nêu ở trên?
Ông Nguyễn Hoài Linh, Trưởng phòng Vận tải công nghiệp (Sở GTVT Quảng Nam) cho rằng: "Nói đến vấn đề đăng ký đăng kiểm phải đánh giá từ hai phía. Một là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước, thứ hai là đối với các địa phương và nhân dân. Có nhiều hôm chúng tôi xuống tổ chức đăng ký đăng kiểm thì có địa phương chỉ 1 - 2 phương tiện đến thôi, còn nhiều người vẫn không đưa thuyền đến. Đây cũng là vấn đề bức xúc mà chúng tôi tha thiết đề nghị UBND các huyện, thị, xã phải hết sức quan tâm!".
Cũng trong cơn bão số 8, hầu hết các địa phương và người dân triển khai công tác phòng chống khá tốt. Nhưng vẫn có những địa phương, người dân còn lơ là chủ quan, lấy kinh nghiệm của người đi biển để đối phó với bão. Nhiều hộ dân chần chừ không chịu di dời, các thuyền viên cố tình ở lại trên tàu thuyền... Trong khi chính quyền sở tại lại thiếu kiên quyết.
Có thể dẫn chứng cụ thể là ở Quảng Nam, số hộ dân đã di dời trên tổng số hộ dân theo phương án phải di dời trước lúc bão đến rất ít. Ở Đà Nẵng, nhiều tàu thuyền không chịu vào nơi trú ẩn an toàn theo quy định. Đó là chưa nói đến các hộ dân ở dưới chân các hồ chứa nước lớn, vùng núi có nguy cơ sạt lở cao, không phải đợi khi bão lụt đến mới tính toán di dời. May mắn là cơn bão không đổ bộ vào bờ.
Giả dụ bão vào bờ, gây nguy hiểm cho những hộ dân không chịu di dời thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
![]() |
Trong khi bão số 8 đang hoành hành ở Đà Nẵng thì vẫn còn một số tàu thuyền chạy lòng vòng trên sông Hàn rất nguy hiểm! |
Chết vì chủ quan
Trở lại vụ tai nạn thương tâm ở Mỹ Cang, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của chủ thuyền và người lái đò. Nhưng, nếu những người bị nạn không bước lên chiếc thuyền không an toàn, cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn hoạt động vận tải đường thuỷ thì có lẽ tai nạn đã không xảy ra.
Trước đó, cũng vì chủ quan mà đã xảy ra nhiều vụ lật ghe thuyền gây chết người, nhất là ở những vùng gần sông suối, vùng thấp lũ. Mùa lũ năm 1991, trên sông Thu Bồn đoạn qua Giao Thuỷ xảy ra vụ lật ghe nan làm chết một phụ nữ. Người phụ nữ xấu số này không biết bơi nhưng vẫn chèo ghe ra sông hái lá dâu cho tằm ăn, và ghe bị lật. Chị bị lũ cuốn trôi, cô con gái đầu may mắn bám vào ghe nên được người dân cứu. Bạn gái của cô cũng không biết bơi nhưng dạt vào một nỗng cát nước ngập ngang gối...
Cơn lũ năm 1999, trên sông Vu Gia đoạn qua thôn 8 Đại Cường lại xảy ra vụ tai nạn làm chết cả hai vợ chồng đang bơi ghe ra sông vớt củi. Ghe nhỏ, gặp gió lớn và lũ chảy xiết nên bị lật úp. Gần 1 tuần sau mới tìm thấy xác họ. Hai vợ chồng chết đi để lại 4 đứa con nhỏ dại...
Hôm 2/11 vừa qua, trong khi xảy ra vụ tai nạn ở Mỹ Cang thì tại cầu Hà Nha trên sông Vu Gia qua xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc), Lê M. (sinh năm 1960) cùng một chiếc thuyền máy đã mất tích. Giữa lúc ai nấy đang hoảng sợ bởi sức tàn phá của cơn bão số 8 thì người đàn ông này vẫn thản nhiên dùng ghe máy ngược dòng Vu Gia để chở hàng về xuôi. Đến 23h, khi chiếc ghe máy của ông từ thượng nguồn xuôi về đến phà Hà Nha thì đâm vào chân cầu và bị lũ nhấn chìm.
Đáng nói là có những cái chết hết sức "vô duyên", nhất là xảy ra với người... đi xem lũ. Vùng cửa biển, nước rút chậm, mưa đã ngớt, trời hơi hửng nắng, nhà cửa đã dọn dep đầy đủ nên một số người không lo gì nữa. Thế là rủ nhau đưa ghe đi chơi, thăm người thân, bà con hàng xóm và... bị lật ghe thuyền. Trong những vụ tai nạn như thế, thường thiệt hại về người rất lớn. Bởi ghe đi xem lũ thường chở đông người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Mùa lũ năm 2004, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ chết người, trong đó có không ít người bị thiệt mạng do chủ quan. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCH Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam rất bức xúc khi trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này. Ông cho rằng cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được tác hại của lũ, đề phòng những bất trắc có thể xảy ra. Các cấp, các ngành và địa phương bên cạnh việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng lũ, cần vận động họ thực hiện tốt việc phòng chống lũ, không chủ quan để xảy ra tai nạn chết người.
Qua hai cơn bão số 6 và số 8, kể cả vụ chìm đò ở Tam Thăng thì Quảng Nam đã có 16 người chết và mất tích.
Mùa bão lũ năm 2005 còn diễn biến phức tạp. Việc phòng chống là trách nhiệm chung của các cấp, ngành và địa phương; trong đó có nghĩa vụ của mỗi người dân. Để không còn nữa những cái chết không đáng có.
▪ Sinh viên và Mỹ Tâm thăm Honda Việt Nam (29/10/2005)
▪ Dân chưa đồng hành chống dịch (07/11/2005)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Người dân mất cảnh giác (04/11/2005)
▪ Chim cảnh trước "cơn bão" cúm gia cầm (04/11/2005)
▪ Sốt thuốc Tamiflu ở TP Hồ Chí Minh (04/11/2005)
▪ Tuổi vàng nữ trang hạ chuẩn, khách hàng thiệt (05/11/2005)
▪ Nguyễn Thái Học, phố văn hóa đêm ở Hà Nội (05/11/2005)
▪ Phòng, chống dịch cúm gia cầm ở miền trung phải có biện pháp mạnh (06/11/2005)
▪ Phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp đổi mới (04/11/2005)