Hộp đen đường sắt mới thử nghiệm đã rắc rối
Các Website khác - 03/01/2006

Chỉ một thời gian ngắn sau sự cố tàu E1, thiết bị được gọi nôm na là hộp đen đã được các nhà sản xuất trong nước lắp đặt thử nghiệm trên một số chuyến tàu với sự cho phép của ngành đường sắt. Ấy thế mà, cuộc thử nghiệm này, dù còn lâu nữa mới kết thúc nhưng một "cuộc chiến" giữa các nhà cung cấp thiết bị đã bắt đầu...

Soạn: AM 667393 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hộp đen được lắp thử nghiệm trên một số đoàn tàu.

Vụ lật tàu E1 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam vào hồi 11 giờ 49 phút trưa ngày 12/3/2004 là vụ tai nạn đường sắt lớn nhất trong khoảng 10 năm gần đây - như thừa nhận của chính ngành đường sắt.

Đoàn tàu E1 khởi hành từ Hà Nội lúc 23 giờ đêm 11/3, khi đến địa phận gần ga Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế đã bất ngờ bị trật bánh 7 toa làm tàu bị lật. Hơn một chục hành khách bị thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương.

Và, một trong những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thảm khốc và đau lòng này là tàu đã chạy quá tốc độ quy định tới 72%. Trong trường hợp này, nếu như trên tàu được lắp đặt một thiết bị báo động cho người lái tàu biết rằng, tàu đã chạy vượt tốc độ quy định, trong trường hợp người lái tàu không chấp hành lệnh đã được cảnh báo, thiết bị đó sẽ tự động phát lệnh cưỡng bức giảm tốc đoàn tàu, hẳn là vụ tai nạn đau lòng ấy đã không xảy ra. Nhưng đáng tiếc là ở thời điểm đó, trên tất cả các đoàn tàu ở nước ta, loại thiết bị này chưa xuất hiện.

Ông Phạm Quốc Hưng, Trưởng ban Khoa học Công nghệ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết: Thực ra, ý tưởng lắp đặt trên các đoàn tàu một loại thiết bị cảnh báo đã được ngành đường sắt thai nghén từ 5 năm trước nhưng do nhiều lý do mà vẫn chưa thực hiện được.

Loại thiết bị này không chỉ có chức năng ghi lại những diễn biến trong quá trình chạy tàu như một chiếc hộp đen thông thường mà cao hơn thế, nó còn phải có chức năng cảnh báo, thậm chí ra những mệnh lệnh cần thiết khi người lái tàu vi phạm các quy định về an toàn.

Ví dụ như khi lái tàu chạy quá tốc độ cho phép, thiết bị này có thể nhắc nhở bằng giọng nói và sau 5 giây hay 10 giây gì đó nếu người lái vẫn không giảm tốc độ thì thiết bị này sẽ gửi thông tin đến bộ phận hãm để tự động dừng đoàn tàu. Tức là thiết bị này ngoài hỗ trợ giám sát còn khống chế được sự vượt tốc độ của đoàn tàu.

Một thiết bị với tính năng như thế, đương nhiên là cần thiết và theo ông Hưng, sau sự cố tàu E1, lãnh đạo ngành đường sắt càng ráo riết thực hiện ý tưởng tốt đẹp đã thai nghén nói trên. Chính ông Vũ Văn Đóa - Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội - người từng bị kiểm điểm vì sự cố lật tàu E1 - là người cực kỳ sốt sắng trong việc thực hiện ý tưởng này.

Đích thân ông Đóa đã cùng với một số giảng viên của Trường đại học Giao thông -Vận tải (GTVT) bàn bạc việc chế tạo ra một chiếc hộp đen với tính năng như đã nói ở trên. Và, không chỉ có ông Đóa. Có lẽ nhận thấy đây là một ý tưởng không chỉ hay mà còn cấp thiết và béo bở nên rất nhiều các đơn vị sản xuất trong nước và cả nước ngoài đã có ý định tham gia chào bán thiết bị cho dự án.

Nhưng do thời hạn lắp đặt thiết bị thử nghiệm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra quá gấp gáp nên cuối cùng chỉ còn lại hai đơn vị có sản phẩm đem tới chào bán là Công ty Phần mềm tự động hóa thiết kế CadPro (từ đây gọi tắt là CadPro) và Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội với sự cộng tác của nhóm tác giả Trường đại học GTVT.

Hai ứng viên này được sự đồng ý của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lắp đặt các hộp đen của mình chạy thử nghiệm trên một số đoàn tàu. Hộp đen của CadPro có tên gọi là “CadPro GPS Vietnotes”, còn của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội và Trường đại học GTVT có tên là “Hiển thị và kiểm soát tốc độ của đoàn tàu”.

“Cuộc chiến” xung quanh chiến hộp đen

Vừa mới chạy thử nghiệm trên một số đoàn tàu chưa được bao lâu thì một “cuộc chiến” xung quanh chiếc hộp đen đã bắt đầu. Trên một tờ báo nói rằng, hộp đen của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội và Trường đại học GTVT có nhiều ưu điểm vượt trội, còn hộp đen của CadPro thì chưa hoàn thiện. Rằng, hộp đen của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội có độ tự động hóa cao. Rằng, hộp đen của CadPro có biểu hiện không chính xác. Rằng, hộp đen của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đã được gắn thương hiệu vì đã được giải Ba Giải thưởng “Nhân tài đất Việt”...

Nhưng không chỉ có thế. Ngoài những thông tin nhiễu về kỹ thuật của hai loại thiết bị, còn có những thông tin nhiễu về giá cả. Nào là thiết bị của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội tốt và dù với giá 50 triệu đồng/sản phẩm cũng không phải là đắt. Còn thiết bị của CadPro dù chỉ rẻ bằng 1/4 nhưng vấn đề quan trọng hơn giá cả là chất lượng...

Các thông tin cứ thế... nhiễu và những hành khách đã, đang và sẽ đi tàu quan tâm đến loại thiết bị an toàn này thực sự không biết tin vào ai...

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của PV, ông Phạm Quốc Hưng nói rằng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện chưa chọn thiết bị nào, tất cả vẫn đang ở trong giai đoạn chạy thử nghiệm mà thôi! Theo ông Hưng, các thiết bị này sau khi qua giai đoạn thử nghiệm sẽ được hội đồng chuyên môn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá ở cấp cơ sở rồi sau đó mới trình lên Bộ GTVT.

Thậm chí, theo ông Hưng, các hộp đen này dù có vượt qua được cuộc kiểm định do ngành thực hiện thì cũng chưa được hợp chuẩn và chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định lắp đặt. Còn với những chiếc hộp đen, thời gian thử nghiệm sẽ còn kéo dài bao lâu nữa thì chính ông Hưng cũng chưa biết được và chỉ có một điều chắc chắn rằng, thiết bị này vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm và còn lâu nữa nó mới được lựa chọn và lắp đặt đại trà.

Thế mà một “cuộc chiến” giữa các nhà thầu đã bắt đầu - quá sớm và không cần thiết phải ồn ào đến thế trong khi chủ đầu tư là ngành đường sắt còn chưa có một động thái nào cho cuộc lựa chọn. “Cuộc chiến” này vì thế chỉ làm nhiễu cho chủ đầu tư và gây nên một sức ép không cần thiết chứ tuyệt nhiên không vì lợi ích và sự an toàn của hành khách đi tàu. Điều đó mới thực là đáng buồn...

Tô Ngọc Huyền Thi (CAND)