Giúp đồng bào Rục ổn định cuộc sống
Các Website khác - 02/01/2006
Trung tá Ðinh Tiến Khâm, Ðồn trưởng Biên phòng 585 kể: Dân tộc Chứt với các tộc người: Sách, Mông, Rục, ARem, Mã Liền, trong đó người Rục ở Quảng Bình là một bộ phận dân cư của dân tộc Chứt hiếm hoi còn lại ở nước ta. Ðược cán bộ, chiến sĩ biên phòng kiên trì vận động, thuyết phục cùng sự giúp đỡ của già làng người Sách, đã đưa được số người Rục trở về sống với cộng đồng các dân tộc ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).
Trước đây, người Rục sống ở các hang núi đá trong rừng sâu, tách biệt với xã hội bên ngoài. Họ sống chủ yếu là săn bắt, hái lượm, che thân bằng vỏ cây, lấy lửa bằng đá hoặc tre, nứa khô, dụng cụ săn bắt chủ yếu là cung nỏ có tên tẩm thuốc độc và đặt bẫy. Nguồn sống chính của họ là bột cây báng, củ nâu, củ mài, thịt thú rừng, ốc, cá dưới khe. Khi ở khu rừng này nguồn lương thực, thực phẩm cạn kiệt, họ chuyển sang khu rừng khác tìm các hang đá để ở. Người Rục có phong tục, tập quán cưới xin, tang ma khá phức tạp. Người phụ nữ đến kỳ sinh đẻ không được ở trong hang mà làm một lán nhỏ ở riêng ngoài rừng, sau khi sinh con phải ăn đủ bảy con khỉ trắng mới được trở lại hang... Chính vì vậy, tuy họ sinh nở nhiều, nhưng con nuôi được rất ít, tỷ lệ tăng dân số của tộc người Rục rất thấp.

Ðưa được đồng bào Rục về với cộng đồng đã khó khăn, gian khổ, nhưng vận động, giúp đỡ, tạo điều kiện để đồng bào ổn định nơi ăn, ở, thực hiện định canh, định cư, hòa nhập cộng đồng, sinh sống và phát triển bình thường như các dân tộc khác là một quá trình gian nan, vất vả. Trong quá trình trở về với cộng đồng, mặc dù được sự quan tâm, giúp đỡ của Ðảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tận tụy chăm lo của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BÐBP) nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là đời sống quá khó khăn, bà con chưa biết tự sản xuất làm ra cái ăn, cái mặc... nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh, một bộ phận đồng bào Rục đã nhiều lần quay trở vào rừng sinh sống trong các hang đá. Mỗi lần như thế, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng 585 lại băng rừng, lội suối đi vận động thuyết phục bà con trở về.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng: Ðồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là bà con ruột thịt; để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới thì phải xây dựng thế trận lòng dân, thế trận biên phòng toàn dân; đồng bào Rục cũng là một bộ phận hợp thành của đại gia đình dân tộc Việt Nam, Ðồn Biên phòng 585 xác định công tác định canh, định cư, bảo tồn và phát triển đồng bào Rục là một nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Muốn đồng bào định canh, định cư, phải làm tốt công tác phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào ổn định cuộc sống, biết làm ăn, nuôi sống bản thân và gia đình, hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Xuất phát từ nhận thức trên, lãnh đạo chỉ huy Ðồn Biên phòng 585 tham mưu Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Quảng Bình đề nghị Ðảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành cho triển khai dự án "Ðầu tư hỗ trợ bảo tồn và phát triển đồng bào Rục" tại địa bàn đồn phụ trách. Năm 1995, dự án trên được triển khai, UBND tỉnh giao cho Ban Dân tộc và Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh, trực tiếp là Ðồn Biên phòng 585 thực hiện. Năm 2003, Chính phủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, phát triển sản xuất cho các bản người Rục với nguồn vốn 32 tỷ đồng cũng do Ban Dân tộc và BÐBP thực hiện, nay đã hoàn thành giai đoạn 1. Tham gia triển khai thực hiện các dự án có hiệu quả, Ðồn Biên phòng 585 đã lựa chọn các cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất, năng lực, có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, hiểu biết phong tục tập quán của đồng bào, xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm với địa phương và dân bản. Ðồn tham mưu cho chính quyền địa phương cùng các già làng, trưởng bản tổ chức khảo sát, chọn địa điểm xây mới bản làng có địa hình bằng phẳng rộng rãi, có đất canh tác, có khu chăn nuôi, nguồn nước sinh hoạt, thuận tiện giao thông đi lại, hợp với nhu cầu của đồng bào, quy hoạch theo cụm tương đối ngăn nắp, trật tự. Tổ chức tuyên truyền vận động, làm cho đồng bào hiểu rõ chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, cùng với BÐBP trở về định canh, định cư. Khi đồng bào thông suốt, đồng tình ủng hộ, đơn vị đã huy động lực lượng di chuyển toàn bộ nhà cửa đưa về dựng lợp ở bản mới cho bà con ở, tổ chức cấp phát trâu, bò, cày, bừa, hướng dẫn và cùng dân bản lập vườn cho từng hộ gia đình, quy hoạch làm rào chắn tách riêng khu vực chăn nuôi và trồng trọt, bảo vệ hoa màu khỏi bị trâu, bò phá hoại.

DO quen sống du canh, du cư và chưa có ý thức tự lực trong trồng trọt, chăn nuôi, một số người còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự đầu tư, trợ giúp của Nhà nước, cho nên đồng bào Rục chưa chịu khó sản xuất. Khắc phục tình trạng đó, Ðồn Biên phòng 585 áp dụng phương châm làm điểm, làm mô hình trình diễn cho bà con mắt thấy, tay sờ, từ đó tin và làm theo, vừa làm vừa hướng dẫn và giám sát chặt chẽ trong công việc. Ví như cấp gạo cứu đói, cấp giống cây trồng đơn vị phải cử người theo sát cùng dân bản đưa đến tận từng nhà, nếu không dân bản lấy gạo, giống, đổi rượu uống hết dọc đường, đói thì lại rủ nhau ra rừng săn bắt, hái lượm. Trâu, bò đồn cấp đánh số từng con, nhưng hễ đói, thiếu rượu, là bà con lại mang đi bán chui cho con buôn từ nơi khác đến lấy tiền mua rượu, thậm chí khi làm dự án đường nhựa vào bản, một số gia đình được đền bù khi giải phóng mặt bằng có hộ 7-15 triệu đồng, bà con cũng mua rượu uống hết. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải tuyên truyền vận động, thuyết phục bà con, đồng thời tham mưu chính quyền có biện pháp ngăn chặn, không cho bọn người xấu mang rượu vào đổi trâu, bò, gạo, hạt giống tại các địa bàn người Rục...

Ðồn Biên phòng 585 tích cực tham mưu để địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, điện, trường, trạm y tế, trường học, trang bị phương tiện nghe nhìn... tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tạo tiền đề để đồng bào tiếp thu khoa học kỹ thuật. Ðồn phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục huyện, Hội Phụ nữ mở nhiều lớp xóa mù chữ và chống tái mù chữ cho đồng bào Rục. Ðàn ông lúc đầu ngăn cấm không cho vợ, con đến lớp nhưng được sự động viên, giải thích của BÐBP dần dần họ không những không ngăn cản mà có người cũng xin theo học luôn. Ðến nay, nhiều chị em đã biết đọc, biết viết chữ rất đẹp không thua kém chị em người Kinh và đã làm được các phép tính đơn giản, thông thường.

Ðể bảo tồn và phát triển đồng bào Rục, Ðồn Biên phòng 585 đã vận động 25 hộ/112 khẩu sống du canh, du cư về định canh, định cư ổn định cuộc sống ở nơi mới và phát triển. Bản làng được quy hoạch gọn gàng, sạch đẹp, kết thúc giai đoạn 1 dự án của Chính phủ, 60 hộ có nhà xây lợp ngói cấp 4, trị giá mỗi căn hộ hơn 23 triệu đồng, mỗi hộ còn được cấp 1 giường đôi, một bộ chăn màn. Ðơn vị phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 210 lượt người, làm mô hình trình diễn 1 ha ngô lai năng suất cao, thu hoạch cấp phát giống cho đồng bào; trồng 5 ha luồng lấy măng trình diễn. Tổ chức giúp dân khai hoang 70 ha đất làm rẫy trồng lúa, hoa màu, xây dựng lập được 63 vườn hộ gia đình, trong mỗi vườn đều có cây ăn quả, rau màu xanh tốt, cấp 260 con trâu, bò cho bà con chăn nuôi. Hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ gia đình từ đói nghèo vươn lên làm ăn giàu có, điển hình như hộ ông Cao Khang ở Yên Hợp; ông Trần Tiếp ở Bản Ón có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/năm, sắm được ti-vi, xe máy, máy thủy điện nhỏ. Tu bổ ba trạm y tế có 20 giường bệnh, có tủ thuốc, ba y tá thường xuyên khám chữa bệnh, xây dựng ba phòng học kiên cố, cấp phát quần áo, sách, vở, giấy bút trị giá 7 triệu đồng cho con em đồng bào Rục. Ðến nay, có 12 km đường nhựa từ đường Hồ Chí Minh vào bản cuối cùng giáp biên giới là Bản Mò O ồ ồ; 51 hội ở Bản Ón đã sử dụng điện lưới quốc gia.

DUY PHỤC