SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Vườn ươm và... rừng!
Hà Văn Thịnh
Lễ trao giải cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam 2005" (do Báo Lao Động, Đài THVN, Cty FPT tổ chức) trong ngày đầu tiên của năm mới 2006 đã đem đến không ít niềm vui. Đã có thể nhìn thấy viễn cảnh của một nền kinh tế tri thức không còn là lý thuyết mà chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.
Trước hết, phải ghi nhận rằng tầm của cuộc thi năm nay đã đến độ chín của ấn tượng liên kết và mở rộng. Các nhóm chơi của "trò chơi" khoa học nghiêm túc, công phu, dày trí tuệ, đậm tính nhân văn, năng động với thực tiễn, khao khát với ứng dụng, đã kết hợp mọi cá nhân, thành phần, nhiều địa phương với nhau. Tuổi trẻ Việt Nam đã chứng minh rằng, từ Pháp, Anh đến Việt Nam, từ Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh, từ Sơn La đến Sóc Trăng, các nhà khoa học trẻ hoàn toàn có thể đồng sức, chung lòng cho tương lai đầy triển vọng của khoa học nước nhà.
Hàng triệu người trên cả nước nhìn thấy chữ Tâm rực sáng trong những mái tóc xanh như ước mơ, lấp lánh niềm tin cậy. Những công trình như: "Phahe.com - Gìn giữ cho muôn đời sau"; "Giải pháp xác định và hướng dẫn đường đi..."..., vừa là những giải pháp khoa học, vừa nhằm đáp ứng những vấn đề bức thiết mà xã hội đặt ra.
Thế nhưng, từ Trí tuệ Việt Nam đến đời thường của mỗi ngày, sao vẫn còn xa lắm với nhiều băn khoăn. Có không ít bệnh viện, người dân khi làm các thủ tục thanh toán viện phí, tiền thuốc men, vẫn tiếp tục buồn và xót xa. Mới đây, một SV Đại học Khoa học Huế đi xe đạp bị tai nạn giao thông, không biết ai chở vào viện khai tuổi 24 (trong khi thực ra là 22), bị bệnh viện bắt "leo bờ, lội ruộng". Nạn nhân bị bất tỉnh làm sao khai? Tại sao phải bắt đi tìm công an và người làm chứng mới cho làm thủ tục nhập viện? Từ năm ngoái, giải thưởng "Vườn ươm" CRC của Đại học Bách khoa Hà Nội đã được trao cho nhóm TDHK với sản phẩm Môi trường số hoá bệnh viện Việt Nam. Tại sao các bệnh viện không áp dụng ngay và thật sớm cho người dân đỡ khổ, đỡ phiền hà?
Năm nay có một công trình thật sự tâm đắc: ƯÁng dụng... bài toán giám sát giao thông của Lê Quốc Anh. Công trình cũng đoạt một trong hai giải "Vườn ươm". Khả năng kiểm soát chính xác đến 95% số lượng, loại xe quả là một thành công đáng kể. Chắc chắn nó sẽ giúp một phần ngăn ngừa tai nạn giao thông, giảm đến mức tối đa số lượng các CSGT phải đi tuần tra, giảm những phiền hà, tệ nạn mãi lộ. Đặc biệt, ai cũng biết trên các tuyến đường giao thông hiện nay, có hàng chục trạm thu phí. Thất thu do vé cũ - không vé mỗi năm không dưới hàng chục tỉ đồng. Giá như áp dụng công trình của Lê Quốc Anh vào đời sống? Nhưng tại sao các ngành hữu quan lại không nhỉ?
Cuộc thi sản phẩm phần mềm "Trí tuệ Việt Nam" cho thấy một sân chơi vừa trẻ trung, vừa giàu ý nghĩa. Sân chơi đó chỉ còn thiếu "một chút" nữa thôi: Một chính sách, một đường hướng, một sự hỗ trợ tối đa từ phía Nhà nước, từ các ngành hữu quan, các doanh nghiệp... để cho trí tuệ của tuổi trẻ thật sự là cuộc đời xanh tươi. Vườn ươm nhất thiết phải thành rừng, có như thế người ta mới sinh ra vườn ươm. Đừng để cho một chút trăn trở dài và lâu hơn mọi nỗi khát mong, chờ đợi của con người. Có nỗi buồn nào đáng nghĩ suy hơn khi cái cây non sinh ra từ vườn ươm sẽ trở nên còi cọc, bởi không có cơ chế để nó lớn thành cây to trong rừng. |