Trong suốt chiều dài lịch sử, gắn với vận mệnh của đất nước và dân tộc, trải qua biết mấy thăng trầm, Hà Nội luôn luôn là nơi kết tinh và tỏa sáng những giá trị và bản sắc Việt Nam, nơi cả nước hướng về với biết bao niềm tin yêu, hy vọng. Cùng với những giá trị truyền thống lịch sử và văn hóa, thành tựu của sự nghiệp đổi mới ở Hà Nội là niềm tự hào, thôi thúc để khơi dậy những tiềm năng và ý chí tạo nên bước phát triển của Thủ đô Anh hùng trong giai đoạn mới.
Diện mạo mới của "Thủ đô Anh hùng"
Chỉ tính riêng năm năm gần đây, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những diễn biến không thuận, các chỉ tiêu tăng trưởng của Hà Nội luôn đạt ở mức cao.
Tốc độ tăng GDP bình quân 11,1%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19%; dịch vụ tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%; mỗi năm tạo thêm việc làm cho khoảng 70 nghìn lao động...
Năm 2005, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 1,847 tỷ USD, tăng 5,3 lần so với năm 2004. Thu hút vốn đầu tư xã hội đạt 32.120 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2000.
Mới đây, thành phố phát hành hơn 1.092 tỷ đồng trái phiếu xây dưng thủ đô, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu trước thời hạn...
Thành phố vừa đón vị khách du lịch quốc tế thứ một triệu, cũng là vị khách thứ năm triệu đến Hà Nội trong năm 2005. Các hoạt động dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin, tư vấn có sự tham gia của các thành phần kinh tế ngày càng có vị trí quan trọng.
Nếu so với những năm đầu của thời kỳ đổi mới, đến nay GDP của Hà Nội tăng 6,4 lần, thu ngân sách tăng hơn 10 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 47,4 lần, GDP bình quân đầu người tăng 3,7 lần (đạt 1.500 USD/người).
Ngoài chín khu công nghiệp cũ, Hà Nội đang hình thành và phát triển năm khu công nghiệp mới tập trung, 16 cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Vốn đầu tư của năm ngành công nghiệp chủ lực (là thiết bị điện - điện tử - tin học, cơ - kim khí, dệt may - da giày, chế biến thực phẩm, vật liệu mới) chiếm 84% tổng vốn đầu tư cho công nghiệp.
Tỷ trọng các ngành kinh tế trong GDP là: dịch vụ 57,5%, công nghiệp 40,5%, nông nghiệp chỉ còn 2%. Ðiều đó khẳng định kinh tế Hà Nội đang phát triển đúng hướng.
Sự phát triển mang dấu ấn của thời kỳ đổi mới ở Hà Nội thể hiện rất rõ qua diện mạo và nhịp sống đô thị. So với năm 1954, diện tích Hà Nội hiện nay tăng gấp sáu lần, dân số tăng tám lần. Bộ mặt thành phố ngày một đổi mới, khang trang, hiện đại.
Trên cơ sở quy hoạch chung và quy hoạch tổng thể phát triển giai đoạn 2001 - 2010, thành phố đã chỉ đạo lồng ghép các quy hoạch, hoàn thành, phê duyệt và công bố để khai thác sử dụng hơn 100 quy hoạch chi tiết. Nhiều tuyến đường, nút giao thông mới mở, hệ thống cấp, thoát nước được khẩn trương cải tạo và xây dựng nhằm từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đô thị. Nội thành không còn bó hẹp trong bốn quận như xưa.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, thành phố đã hình thành thêm năm quận mới và theo đó có hơn 40 khu đô thị mới ra đời. Trong năm năm qua, Hà Nội xây mới hơn sáu triệu m2 nhà ở, gấp bốn lần so với giai đoạn 1995 - 2000, nâng diện tích nhà ở đô thị lên 7,5 m2/người.
Vận tải hành khách công cộng tăng nhanh, năm 2005 đạt khoảng 300 triệu lượt người, đáp ứng 20% nhu cầu đi lại của nhân dân và đã có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện. 75% số thanh niên trong độ tuổi được phổ cập trung học phổ thông, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,3%, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị giảm xuống 6,2%. Chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất cả nước.
Hà Nội luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng tổ chức thành công nhiều hoạt động chính trị, văn hóa, thể thao lớn như Hội nghị cấp cao ASEM 5, SEA Games 22, Para Games 2.
Hà Nội được một số tổ chức có uy tín trên thế giới bình chọn là một trong năm thành phố tốt nhất châu Á và là thành phố đứng thứ hai châu Á về du lịch.
Hà Nội hưng thịnh cùng cả nước
Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị (ngày 15-12-2000) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2001 - 2010 và Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 30-12-2000) về thủ đô Hà Nội một lần nữa nhấn mạnh: "Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế".
Ðây là sự khẳng định truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của thủ đô, hội tụ những tình cảm và trí tuệ cả nước hướng về Hà Nội, đồng thời xác định trách nhiệm và vinh dự lớn lao của Hà Nội.
Những thành tựu mà Hà Nội đạt được làm đổi thay diện mạo, tầm vóc và vị thế thủ đô, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy kinh tế vùng và cả nước. Tuy chỉ chiếm 3,7% số dân cả nước và 0,3% diện tích lãnh thổ quốc gia, hằng năm Hà Nội đóng góp khoảng 45% GDP của vùng đồng bằng sông Hồng, 8% GDP của cả nước. Năm 2005, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 30.295 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm 2000.
Tuy nhiên, sự đóng góp của Hà Nội không chỉ thể hiện ở những con số cụ thể về vật chất, mà còn là, và quan trọng hơn là, ở những kinh nghiệm, những bài học và ở tinh thần cộng đồng trách nhiệm, tình nghĩa chân thành, trong sáng.
Trong năm năm qua, Hà Nội đã chủ động đề xuất bàn bạc và ký kết thực hiện hợp tác toàn diện với 10 tỉnh, thành phố lân cận và ký kết hợp tác một số lĩnh vực với nhiều địa phương khác.
Ðến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị và hợp tác với 60 thủ đô, thành phố của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới. Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí xây dựng đường "Hà Nội" tại Phnom Penh (Cam-pu-chia), nhà văn hóa tại Burkina Faso, trường dạy nghề tại Viêng-chăn (Lào). Các công trình kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Trường tiểu học Ðiện Biên Phủ và Thư viện tỉnh Ðiện Biên; Chương trình 135 ở tỉnh Lai Châu; đền thờ Chu Văn An ở tỉnh Hải Dương, Trường tiểu học Lâm Hà (tỉnh Lâm Ðồng); Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên; xây tặng nhà tình nghĩa và phụng dưỡng, chăm sóc hàng trăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế,... là sự thể hiện tinh thần cảm thông, chia sẻ, "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" cụ thể của Ðảng bộ và nhân dân Hà Nội.
Hà Nội cũng đã chủ động đến với các bộ, ngành, các doanh nghiệp lớn của trung ương, tạo nên mối quan hệ mật thiết và sức mạnh phối hợp góp sức cùng xây dựng thủ đô phát triển.
Trong các cuộc làm việc, nhiều điều trăn trở được đặt ra, phân tích, mổ xẻ để tìm lời giải đáp: Vì sao kinh tế Hà Nội phát triển chưa tương xứng vị thế và tiềm năng? Vì sao tốc độ xây dựng còn chậm, quản lý đô thị còn yếu kém? Làm gì để môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn? Làm gì và làm thế nào để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội?... Từ đó đề ra một số cơ chế chính sách đặc thù, phối hợp nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể về không gian, về kinh tế - xã hội cho Hà Nội. Rồi quy hoạch về giao thông, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khai thác bãi sông Hồng, gắn với bảo đảm thoát lũ, cải tạo đê...
Rất nhiều việc đã và đang được triển khai thực hiện, thể hiện sự gắn kết giữa Hà Nội với các bộ, ban, ngành trung ương. Trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, thành phố đang nghiên cứu chính sách mở rộng hình thức tuyển chọn đề tài, trước hết đối với các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học đóng trên địa bàn, xây dựng cơ chế thu hút nhân tài, khuyến khích lao động sáng tạo phục vụ thủ đô. Tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội" ngày càng được quán triệt và phát huy có hiệu quả hơn.
Năng động, quyết liệt, đoàn kết và đồng thuận
Thôi thúc bởi niềm tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng; day dứt, trăn trở bởi những yếu kém chưa làm được trước yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân cả nước trong thời kỳ mới, Ðảng bộ và chính quyền Hà Nội nhận thấy phải đổi mới mạnh mẽ sự lãnh đạo, điều hành với quyết tâm cao và biện pháp cụ thể, năng động, sáng tạo và quyết đoán, quyết liệt hơn. Ngay sau Ðại hội lần thứ 13 Ðảng bộ Thành phố, Thành ủy đã xây dựng và triển khai 10 chương trình công tác lớn và chín cụm công trình trọng điểm. Trên cơ sở đó mỗi năm chọn một chủ đề trọng tâm, tập trung giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách; dồn sức chỉ đạo thực hiện bằng được. Ví dụ: Năm 2002 là năm "giải phóng mặt bằng"; năm 2003 là năm "tiếp tục giải phóng mặt bằng, năm giao thông, kỷ cương, văn minh đô thị"; năm 2004 - 2005 là năm "cải cách hành chính, hiệu quả kinh tế và môi trường xã hội". Những đồng chí cấp ủy viên được phân công phụ trách phải xây dựng được kế hoạch, đề án công tác cho từng chuyên đề cụ thể, có phân công, phân nhiệm rõ ràng, có lộ trình hoạt động, thường xuyên giao ban, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, tạo sự chuyển động cụ thể theo tinh thần và phong cách "nói đi đôi với làm", "đã nói là phải làm và làm có hiệu quả". Phương châm chỉ đạo "tập trung, kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả" đã trở thành khẩu hiệu hành động cụ thể, thấm sâu vào tất cả các ngành, các cấp trong toàn thành phố.
Có thể điểm qua một số chương trình thu hút sự chú ý của các tầng lớp nhân dân, có tác động lớn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô, như: chương trình quản lý xây dựng và phát triển đô thị; giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc; nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển một số ngành dịch vụ, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế; cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực của chính quyền; xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch,... Việc triển khai 10 chương trình công tác lớn và chín cụm công trình trọng điểm được chỉ đạo tập trung, tiến hành một cách có bài bản, là cách làm có hiệu quả, thể hiện bước đi mạch lạc của Hà Nội.
Hệ thống chính quyền từ thành phố tới cơ sở tiếp tục được củng cố. Hoạt động của HÐND từng bước được đổi mới theo hướng thiết thực, chất lượng, tăng cường giám sát, thật sự là người đại diện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Tại các kỳ họp HÐND thành phố, nhiều vấn đề bức xúc được đưa ra chất vấn công khai với không khí cởi mở, dân chủ. Lãnh đạo thành phố lắng nghe ý kiến dư luận và cân nhắc thận trọng hơn về hiệu quả của các quyết sách. Những vấn đề nổi cộm vốn được coi là nhức nhối lâu nay như giải phóng mặt bằng, giải quyết tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng, cơi nới trái phép, "thiếu nước sạch, thừa nước thải", cải tạo các khu chung cư cao tầng cũ nát... đã có sự nhìn nhận nghiêm túc và có những chuyển biến đáng mừng. Công tác lãnh đạo, điều hành tổ chức thực hiện của UBND các cấp sâu sát, quyết liệt hơn. Thành phố mở rộng phân cấp về quản lý đô thị, thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng. Xử lý dứt điểm một loạt việc tồn đọng lâu ngày, giải tỏa một số khu vực phức tạp như "xóm liều" Thanh Nhàn, ao Thước Thợ, nút giao thông Voi Phục - Cầu Giấy, Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở, đường Giang Văn Minh - Ðội Cấn, đường Liễu Giai, cung thể thao Quần Ngựa, đường Láng Hạ - Thanh Xuân, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa... Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều hình thức phong phú tập hợp quần chúng đa dạng, hiệu quả hơn, tập trung ở cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và các phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào giúp đỡ người nghèo,... Bước đầu có những hình thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xã phường và đang mở rộng sang các khu vực khác. Mối quan hệ giữa Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày càng được củng cố. Ðoàn kết các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân được tăng cường.
Vận hội lớn và hướng đi rộng mở
Năm năm tới là quãng thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Ðảng bộ và nhân dân Hà Nội. Ðây là nhiệm kỳ Ðại hội lần thứ 14 của Ðảng bộ thành phố. Phải làm sao để khơi dậy và phát huy tối đa các tiềm năng sáng tạo, ý chí và sức mạnh cộng đồng nhằm xây dựng thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, đón sự kiện thiêng liêng của cả dân tộc: kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Những giá trị truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng và thành tựu 20 năm đổi mới được xác định là nguồn lực để xây dựng, phát triển thủ đô.
Ðây là sự tiếp nối dòng chảy, phát huy những tinh hoa và sức mạnh cội nguồn, là cái nhìn của tinh thần đổi mới. Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn sẽ được phát huy. Ðó là, quán triệt sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ, vai trò, vị thế thủ đô. Chú trọng việc cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương thành những chương trình, kế hoạch, đề án hành động gắn với xây dựng kịp thời các cơ chế, chính sách để thực hiện. Coi trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chủ động khai thác các nguồn lực tổng hợp trên địa bàn, đặc biệt là tiềm lực trong dân. Làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và củng cố hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác cán bộ.
Ý thức về trách nhiệm và niềm vinh dự, tự hào, Ðại hội lần thứ 14 của Ðảng bộ thành phố sẽ tập trung thảo luận, tìm biện pháp phấn đấu để đến năm 2010 Hà Nội kỷ niệm thủ đô một nghìn năm tuổi một cách xứng đáng nhất và có thể về đích trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015.
Theo đó, trong giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm đạt 11% - 12% (cố gắng để tăng hơn 12%). Tốc độ gia tăng giá trị công nghiệp 12% - 12,5%, dịch vụ 10,5% - 11,5%, kim ngạch xuất khẩu 15% - 17%. Vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30% - 35% nhu cầu đi lại của nhân dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% - 65%; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 5%.
Quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 Hà Nội trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, một thành phố du lịch hấp dẫn ở khu vực, phát huy tốt vai trò là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo, kinh tế và giao dịch quốc tế. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 6.000 USD, mức thu nhập của người dân tăng lên ba lần so với hiện nay.
Muốn thực hiện được những nhiệm vụ nặng nề đó trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn thử thách, rõ ràng phải có nhiều giải pháp lớn và đồng bộ. Ðó là: tăng cường xây dựng và phát huy tiềm năng to lớn của con người Hà Nội, đặc biệt là tiềm năng trí tuệ. Ưu tiên đầu tư cho văn hóa, trực tiếp là giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Coi trọng sử dụng các cơ chế kinh tế gắn với lợi ích vật chất và tinh thần, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình kinh tế, phát huy dân chủ từ cơ sở. Ưu tiên đầu tư cho các khâu tạo động lực phát triển, các ngành, các lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, có tính liên kết, liên ngành, có hàm lượng chất xám và công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Xây dựng, phát triển đồng bộ và lành mạnh các loại thị trường (thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ phần mềm và công nghệ sinh học, thị trường bất động sản...). Chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Gắn phát triển kinh tế với giữ gìn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ, cải thiện môi trường. Tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, tạo môi trường xã hội lành mạnh, văn minh; xây dựng và bồi đắp cho người Hà Nội những phẩm chất cơ bản: yêu nước, tâm huyết với thủ đô, thanh lịch, văn minh, có tri thức, năng động, sáng tạo, thích ứng với yêu cầu của cơ chế thị trường, tiêu biểu cho phong cách lao động mới... Ðặc biệt quan tâm công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý các cấp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, gắn kết sức mạnh trung ương và sức mạnh thành phố.
|