Hoạt động giải trí - thứ xa xỉ với nhiều công nhân
Các Website khác - 20/12/2005

"Thu nhập cả tháng của tôi chừng 900.000 đồng, bạn bè dẫn nhau đi chơi cũng chỉ dám ăn mỗi đứa ly chè. Ở thành phố gần 4 năm rồi nhưng tôi chưa biết Đầm Sen, Công viên nước thế nào", chị Nguyễn Thị Hoà, 23 tuổi, công nhân một công ty may, huyện Hóc Môn, TP HCM, tâm sự.

Một khu nhà trọ của công nhân ngoại tỉnh.
Một khu nhà trọ của công nhân KCX - KCN TP HCM.

Chị Hòa quê ở Thanh Hoá, vào TP HCM thuê phòng trọ cùng 3 người đồng hương. Một tháng, mỗi người phải trả 60.000 đồng tiền nhà, khoảng 600.000 đồng tiền ăn và sinh hoạt khác. Gia tài có giá trị trong phòng của họ là 2 xe đạp, 4 hòm sắt đựng tư trang và mấy bếp dầu, xong nồi đầy nhọ.

"Tôi và các bạn ở chung mê xem vô tuyến lắm, thi thoảng mới lên xem "ké" chủ nhà. Chúng tôi cũng thích đọc báo, nhất là báo về phụ nữ, thời trang nhưng chỉ đọc báo cũ, không dám bỏ tiền mua. Phải tiết kiệm để Tết gửi về quê chút ít và phòng khi ốm đau", chị Hoà nói.

Tại buổi tham luận về thực trạng đời sống văn hoá tinh thần của người lao động, mới tổ chức ở TP HCM, nhiều ý kiến phản ánh, sinh hoạt tinh thần nghèo nàn hiện là tình cảnh chung của đa số công nhân trong các Khu công nghiệp - Khu chế xuất (KCN - KCX) TP HCM. Hầu hết doanh nghiệp trong KCX - KCN thành phố chỉ lo sao kinh doanh có nhiều lợi nhuận, ít quan tâm đến đời sống văn hoá tinh thần của công nhân.

"Nếu không cân bằng giữa đời sống tinh thần và vật chất thì tất yếu dẫn tới hậu quả, người lao động bị vắt kiệt sức, thần kinh căng thẳng, năng suất lao động hạn chế", ông Hồ Xuân Lâm, Thành Đoàn TP HCM, xét đoán. "Ở các KCX - KCN, lý tưởng sống của công nhân hoàn toàn trắng. Họ sống hôm nay, không biết đến ngày mai".

Trực tiếp quản lý doanh nghiệp, ông Nguyễn Tất Thành, Công ty TNHH Bao bì Thành Đạt, nhìn nhận, việc chăm lo đời sống tinh thần là vấn đề sống còn với doanh nghiệp. Mục tiêu chính của doanh nghiệp, suy cho cùng là kiếm tiền. Nhưng để kiếm ra tiền và tồn tại lâu dài thì yếu tố quyết định là nhân lực. "Nếu công nhân bỏ đi hết thì máy móc nằm đấy, hàng hoá tồn đọng, doanh nghiệp làm sao có thể hoạt động được. Mục đích của người công nhân đi làm cũng vì tiền. Tuy nhiên, doanh nghiệp khó giữ chân công nhân lâu dài nếu đơn thuần dựa vào chế độ lương", ông Thành nói.

Ông Thành phân tích, nếu doanh nghiệp và công nhân chỉ gắn kết bằng đồng lương, khi được nơi khác trả lương cao hơn, người công nhân dễ dàng bỏ doanh nghiệp ra đi. Tuy nhiên, thực tế, có những đơn vị có thể lương không cao, nhưng chăm lo tốt đời sống tinh thần cho người lao động thì người công nhân vẫn sẵn sàng gắn bó. Đơn cử, có một công ty đồng ngành với Thành Đạt, rất chú trọng công tác giải trí cho công nhân. Kết quả là khi các doanh nghiệp khác chao đảo vì người lao động bỏ việc, công ty này không mất một công nhân nào.

Còn theo ông Trần Kỳ Đồng, Khoa Triết, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, để nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của công nhân, cần phát huy vai trò của cán bộ công đoàn ở doanh nghiệp các KCX - KCN. "Hiện cán bộ công đoàn các doanh nghiệp phần lớn là kiêm nhiệm, ăn lương của doanh nghiệp nên khó trái ý Ban giám đốc. Cán bộ công đoàn phải ăn lương do công đoàn trả thì mới thúc đẩy hoạt động hiệu quả được", ông Đồng khẳng định.

Thanh Lương