Một trang chói lọi trong biên niên sử
Các Website khác - 20/12/2005
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam ra đời cách đây 45 năm chính là sự thể hiện quyết tâm sắt đá đồng tâm hiệp lực tất thắng để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hiệp định Geneva năm 1954 ký chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Ðình Diệm đã tỏ rõ âm mưu không thi hành Hiệp định. Bất chấp nguyện vọng hòa bình thống nhất của nhân dân ta và đường lối "tranh thủ và củng cố hòa bình" do Ðảng ta chủ trương, chúng tuyên bố "không bị Hiệp định ràng buộc", không chấp nhận hiệp thương để tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước nhằm chia cắt lâu dài nước ta, biến miền nam thành mảnh đất của chủ nghĩa thực dân kiểu mới và bàn đạp tiến công miền bắc.

Trước những băn khoăn thắc mắc của chiến sĩ, đồng bào ta, Bác Hồ nói: "Có người hỏi rằng: nếu bọn Mỹ Diệm cứ ỳ ra thì thế nào? Câu trả lời là: Bản chất của hòn đá là ỳ ra không nhúc nhích. Nhưng khi nhiều người đồng tâm hiệp lực mà xô đẩy thì dù tảng đá to mấy, nặng mấy cũng phải lăn" (1).

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) ra đời cách đây 45 năm chính là sự thể hiện quyết tâm sắt đá đồng tâm hiệp lực tất thắng mà Bác Hồ đã nói, để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chính vì vậy, "Mặt trận là một giai đoạn hợp thành lịch sử dân tộc Việt Nam", như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam đã khẳng định (2). Và cũng chính vì vậy mà Mặt trận sống mãi trong kho tàng "Không có gì quý hơn Ðộc lập, Tự do" (3) và là một trang chói lọi trong biên niên sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, do Ðảng Cộng sản Việt Nam, kế thừa truyền thống Ðại đoàn kết dân tộc, khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo.

MTDTGPMNVN ra đời giữa lúc nhân dân miền nam, những người đã cùng chiến sĩ và đồng bào cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 và chiến thắng Ðiện Biên Phủ 1954, bị ném vào cảnh "nước sôi lửa bỏng" chưa từng có trong lịch sử.

Ðế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm, đương đầu với bộ phận 20 triệu người của một dân tộc giàu lòng yêu nước và ý chí chiến đấu, tưởng có thể trong một thời gian ngắn đảo ngược được tình hình, xóa bỏ những thành tựu của cách mạng và kháng chiến, biến miền nam nước ta thành "tiền đồn chống cộng" ở Ðông-Nam Á. Trên thực tế những chiến dịch "chống cộng", "tố cộng" vô cùng dã man, những cuộc hành quân càn quét đẫm máu, những "khu dinh điền", "khu trù mật", những "ấp chiến lược", những trò mị dân kiểu Mỹ, những luật phát-xít kiểu 10/56, v.v. không chỉ nhắm vào những người cộng sản mà nhằm đánh vào toàn thể đồng bào miền nam yêu nước, thiết tha mong muốn hòa bình, độc lập, thống nhất. Chúng phải ra sức làm công việc "xóa bỏ quá khứ chín năm" này một cách cấp tốc và khốc liệt vì chúng biết rằng giông tố sẽ nổ trên đầu chúng nếu chúng thất bại. Ngô Ðình Diệm đã tuyên bố rằng: "Phải tận diệt cộng sản không run tay, giết oan 100 người còn hơn bỏ sót một tên cộng sản" (4). Hòn đá không chỉ ỳ ra, không nhúc nhích mà còn muốn đè bẹp cả một dân tộc có truyền thống ngoan cường. Chúng cấp tốc nặn ra, với sự cố vấn và chỉ đạo của quan thầy Mỹ CIA, nào chủ thuyết "duy linh", nào đảng "Cần lao nhân vị", chúng lê máy chém đi khắp nơi, chặt đầu những người yêu nước, một thủ đoạn khủng bố mà những kẻ thù của nhân dân ta trăm năm trước chưa dám thi hành. Những hành động này chỉ bộc lộ chỗ yếu trí mạng và sự bất lực của chúng trước đồng bào miền nam.

Trước tình hình đó, đồng bào ta, "tức nước vỡ bờ", không cam tâm để cho Mỹ - Diệm tàn sát, cướp đi những thành quả cách mạng và kháng chiến, nơi này, nơi khác đã tự động dùng vũ lực để tự vệ. Ðảng ta từ rất sớm đã có những chủ trương sáng suốt.

Ðồng chí Lê Duẩn, trong tác phẩm "Ðề cương cách mạng miền nam (tháng 8-1956) đã chỉ ra phương pháp "đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang". Trước âm mưu, thủ đoạn của Mỹ - Diệm, đồng chí vạch rõ: Nhân dân ta ở miền nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Ðó là con đường cách mạng, ngoài con đường đó không có con đường nào khác" (5).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 15 (1-1959) về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà đã vạch rõ "sự xuất hiện cần thiết những lực lượng vũ trang tự vệ và vũ trang tuyên truyền để trợ lực cho đấu tranh chính trị, và việc "tiến tới thành lập một Mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm thật rộng rãi" (6).

Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam ra đời, ngày 20-12-1960, giữa phong trào đồng khởi sôi sục của đồng bào miền nam trong hai năm 1959-1960, phản ánh thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch và sự cần thiết đã đến lúc phải có một hình thức tổ chức công khai tập hợp lực lượng yêu nước toàn miền nam, dưới một ngọn cờ duy nhất, chung quanh một chương trình hành động cụ thể.

Sự kiện lịch sử này đánh dấu một bước ngoặt trên con đường đấu tranh gian khổ của đồng bào miền nam nhằm thực hiện những nguyện vọng thiêng liêng nhất của mình, đồng thời cũng đánh dấu bước chuyển biến lớn lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta. Vào lúc này nhân dân và các lực lượng cách mạng đã giải phóng một nửa số xã toàn miền nam, một cao trào cách mạng thật sự đã xuất hiện (7).

Trong biên niên sử 75 năm Mặt trận dân tộc thống nhất của nhân dân ta có thể nói MTDTGPMNVN là Mặt trận ra đời gây tiếng vang to lớn trong nước và ngoài nước từ ngày đầu. Tuyên ngôn và Chương trình hành động của Mặt trận với nội dung: "Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình thống nhất Tổ quốc!" đã làm nức lòng đồng bào cả nước và bè bạn ta trên thế giới.

Ủy ban Trung ương Mặt trận do Ðại hội bầu ra là hình ảnh tiêu biểu của các tầng lớp, các tôn giáo, các dân tộc từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến rừng núi. Cũng ít có một Mặt trận mà vị Chủ tịch được Ðại hội bầu ra lại đang ở trong tù ngục quân thù. Việc giải thoát nhà trí thức yêu nước nổi tiếng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đã là một chiến công thể hiện lòng yêu nước, trí thông tuệ và lòng gan dạ vô song của chiến sĩ và đồng bào được giao nhiệm vụ này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư chúc mừng gửi MTDTGPMNVN đã viết: "Một Mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ rộng rãi là một lực lượng tất thắng. Hiện nay trong cuộc đấu tranh anh dũng chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm, đồng bào ta ở miền nam cũng có "Mặt trận dân tộc giải phóng" với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó có thể đoán rằng đồng bào miền nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, nam bắc nhất định sẽ sum họp một nhà" (8).

Ngay từ khi ra đời MTDTGPMNVN đã là ngọn cờ tập hợp, người tổ chức và lãnh đạo phong trào nhân dân yêu nước, người quản lý các vùng giải phóng, người đại diện chân chính và duy nhất nhân dân miền nam trên trường quốc tế. Lá cờ của MTDTGPMNVN không chỉ tung bay trên mảnh đất miền nam thân yêu của chúng ta mà còn tung bay trên khắp năm châu, ngay cả trên nước Mỹ trong những cuộc đấu tranh phản đối chiến tranh Việt Nam.

Từ khi chưa là một Chính phủ, Mặt trận đã có cơ quan đại diện tại hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước dân tộc chủ nghĩa Á, Phi, có cơ quan thông tin trên một số nước phương Tây như Thụy Ðiển, Pháp, Phần Lan. Từ năm 1969, MTDTGPMNVN bước ra diễn đàn thế giới với tư cách là một bên trong Hội nghị bốn bên họp ở Pa-ri để cùng tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến tranh. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam được thành lập tháng 6-1969 đã kế thừa vị trí của Mặt trận tại Hội nghị này và là một bên ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Suốt 15 năm, từ ngày ra đời đến ngày nhân dân ta giành toàn thắng trong cuộc chiến đấu trường kỳ chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc, MTDTGPMNVN đã hoàn thành sứ mạng của mình với đóng góp to lớn không sao kể xiết của đồng bào miền nam, sự chi viện hết lòng, toàn diện của đồng bào miền bắc ruột thịt, sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của bè bạn khắp năm châu. Lớp lớp đồng bào chiến sĩ bắc-nam đã chiến đấu anh dũng trên các chiến trường dưới ngọn cờ vẻ vang của MTDTGPMNVN, viết nên những trang hào hùng trong lịch sử của dân tộc, đời đời không quên, đời đời sáng chói.

-----------

(1) Hồ Chí Minh - Vì Ðộc lập Tự do, vì Chủ nghĩa xã hội, NXB Sự thật 1970, trang 169.

(2) Nguyễn Hữu Thọ - Chung một bóng cờ - NXBCTQG 1993, trang 22.

(3) Nguyễn Văn Linh - Chung một bóng cờ - NXBCTQG 1993, trang 11.

(4) Chung một bóng cờ - trang 18.

(5) Lê Duẩn - Ðề cương Cách mạng miền nam - Về đấu tranh thống nhất nước nhà - NXBCTQG - 1955, trang 61.

(6) Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 - Văn kiện Ðảng toàn tập, trang 20, 57.

(7) Nguyễn Hữu Thọ - Chung một bóng cờ - NXBCTQG 1993, trang 21.

(8) Hồ Chí Minh về Mặt trận dân tộc thống nhất, NXB Sự thật 1972, trang 92.

LÝ VĂN SÁU