Xã hội hoá hoạt động hiến máu tình nguyện
Các Website khác - 19/12/2005
Mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 1.600 nghìn đơn vị và chỉ đáp ứng được khoảng 25%. Hoạt động hiến máu nhân đạo cần được xã hội hóa bằng việc nâng cao sự hiểu biết và tinh thần tự nguyện của người dân.
Những năm qua, do các tai nạn, thảm họa xảy ra thường xuyên, do cấp cứu sản, ngoại khoa, các bệnh nội khoa và việc mở rộng áp dụng các biện pháp điều trị hiện đại: ghép tạng, phẫu thuật tim mạch, điều trị ung thư... nhu cầu máu cho điều trị ngày càng tăng.

Hiện tại, mỗi năm nhu cầu máu ở Việt Nam khoảng 1.600 nghìn đơn vị, trong khi đó, chúng ta mới đáp ứng được khoảng 25%, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào người cho máu chuyên nghiệp (hơn 70%). Ngành y tế chưa chủ động được nguồn máu, trong khi công tác bảo đảm an toàn truyền máu hết sức khó khăn, do tỷ lệ các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu rất cao và có xu hướng tăng mạnh như viêm gan B, viêm gan C, HIV và các virus khác mà chúng ta chưa kiểm soát được.

Những người bị bệnh về máu như: ung thư máu, suy tủy xương, xuất huyết giảm tiểu cầu... nhất là những người bệnh bị mắc bệnh hemophilia (bệnh ưa chảy máu do di truyền). Ðối với những người bệnh này thì máu là một thứ không thể thiếu, không được truyền máu đồng nghĩa với việc chấm dứt cuộc đời họ. Hầu hết trong số họ đều là những người có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm, chỉ thu gom được khoảng 81 triệu đơn vị máu (1 đơn vị máu = 450 ml), nhưng chỉ có 27 triệu đơn vị máu thu được từ những nước đang phát triển, trong khi dân số ở khu vực này chiếm tới 82% số dân toàn cầu. Hiến máu tức là hiến một phần cơ thể của mình để cứu chữa người bệnh.

Hiến máu cứu người là thể hiện lòng nhân ái, sự văn minh của mỗi con người, mỗi gia đình, cộng đồng và dân tộc. Mỗi người đều có quyền lợi là được truyền máu khi bản thân cần tới máu để được cứu chữa, do vậy phải có trách nhiệm hiến máu khi cơ thể mình khỏe mạnh. Bởi vậy, hiến máu để cứu người và cũng là để cứu chính bản thân mình.

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế (IFRC) đã khẳng định: An toàn truyền máu là một chính sách ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Chính phủ các nước phải cam kết từ nay đến năm 2010 và chậm nhất là đến năm 2015 đạt chỉ tiêu 100% số người cho máu tình nguyện, xóa bỏ tình trạng mua bán máu.

Chủ tịch nước có thư kêu gọi toàn dân hiến máu, Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết định quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác vận động hiến máu tình nguyện và bảo đảm an toàn truyền máu.

Mặt khác, nhiều chương trình, dự án khác hỗ trợ công tác vận động hiến máu tình nguyện cũng như bảo đảm an toàn truyền máu đã và đang được Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện. Ban Khoa giáo Trung ương hằng năm đều có công văn chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác vận động hiến máu tình nguyện tại địa phương. Những vấn đề nêu trên đã thể hiện sự quan tâm, đầu tư rất lớn của Ðảng, Nhà nước ta đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và đối với việc xây dựng nguồn cung cấp máu an toàn tại cộng đồng nói riêng.

Phong trào hiến máu tình nguyện trong những năm qua đã đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi. Sự kết hợp giữa Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tuyên truyền vận động và tổ chức các đợt hiến máu tình nguyện luôn bảo đảm chặt chẽ thông qua sự phân công trách nhiệm trong các nghị quyết liên tịch. Nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện đã có những bước thay đổi tích cực, số người tình nguyện hiến máu tăng dần. Nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng... phong trào hiến máu được duy trì tốt. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, công tác tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo còn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều nơi còn chưa tổ chức các hoạt động tuyên truyền. Kết quả thu được phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác vận động hiến máu.

Ðến nay đã có 56/64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập được Ban chỉ đạo về vận động hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên, về phương thức hoạt động và mô hình tổ chức của Ban chỉ đạo các địa phương chưa có sự thống nhất. Ở một số địa phương, phong trào còn mang tính tự phát, do các ngành, đoàn thể chủ động đứng ra tổ chức hoặc tổ chức không thường xuyên, gây sự lãng phí về nguồn lực. Chính vì vậy, kết quả của phong trào hiến máu tình nguyện trong những năm qua có những hạn chế nhất định: lượng máu thu gom được từ hiến máu tình nguyện trên cả nước còn quá ít chưa đáp ứng được nhu cầu máu cho công tác điều trị, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật cao như tách sản xuất các chế phẩm máu, truyền máu từng phần gặp nhiều khó khăn; an toàn và chất lượng máu chưa được bảo đảm, truyền máu lâm sàng chủ yếu vẫn là truyền máu toàn phần. Những chủ trương, chính sách về vận động hiến máu tình nguyện chưa thống nhất và chưa được áp dụng đồng bộ trên toàn quốc.

Ðể khắc phục những tồn tại đó, công tác vận động hiến máu tình nguyện cần được xã hội hóa cao hơn nữa trên cơ sở nâng cao sự hiểu biết và sự tự nguyện của người dân; đồng thời cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, sự áp dụng đồng bộ trong cả nước với cùng một cơ chế chính sách về hiến máu tình nguyện. Chính vì vậy, việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về vận động hiến máu tình nguyện là một yêu cầu cần thiết và cấp bách để tạo cơ sở pháp lý, tạo động lực thúc đẩy cho phong trào hiến máu tình nguyện trên cả nước đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời tạo niềm tin cho người dân đối với công tác hiến máu tình nguyện, trên cơ sở đó họ sẽ hăng hái hơn trong việc tham gia và động viên những người thân của mình cùng tham gia hiến máu tình nguyện. Hơn nữa, việc Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về Hiến máu tình nguyện cũng phù hợp xu thế chung của các quốc gia và quốc tế.

ÐỖ HOÀI THU