Khe Chàm phủ tang
Các Website khác - 10/12/2008

8 người chết, 1 người mất tích, 24 người bị thương, trong đó có 6 trường hợp bị thương rất nặng. Mỏ than Khe Chàm (phường Mông Dương, thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh) chìm trong kinh hoàng những ngày qua.

3h sáng ngày 9/12/2008, những chuyến tàu chuyển người xuống hầm sâu thuộc khu vực mỏ than của Công ty Than Khe Chàm vẫn liên tục vận hành. Ở dưới khu vực hầm lò độ sâu -160m, hàng chục công nhân của các công trường thuộc công ty và các đội cứu hộ của Trung tâm cứu hộ mỏ - TKV vẫn miệt mài tìm kiếm theo những ngóc ngách hầm lò, đào bới giữa đống đất đá, than vỡ vụn, dò theo những mảng băng chuyền… hòng tìm kiếm nạn nhân cuối cùng của vụ nổ khí metal lúc 1h20’ ngày 8/12 đang còn kẹt lại.

3h sáng ngày 9/12/2008, những chuyến tàu chuyển người xuống hầm sâu thuộc khu vực mỏ than của Công ty Than Khe Chàm vẫn liên tục vận hành.

Trời về sáng lạnh căm căm. Nhưng báo cáo mới nhất từ một lãnh đạo tập đoàn TKV, ông Dương Văn Hoà, với Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêu lúc 21h30’ ngày 8/12: "Trong hầm lò bị tai nạn, có nhiều nơi nhiệt độ đo được còn hơn 50 độ C, không thể tiếp cận nổi. Anh em đang tích cực bơm thông gió để làm mát, giảm nhiệt, đưa người vào sâu hơn".

Ca mới nhất vào hầm tìm kiếm cứu nạn nhân còn kẹt lại sau vụ nổ kinh hoàng ở mỏ than Khe Chàm gồm 30 người, tiếp cận độ sâu -160m, lúc 0h15’ ngày 8/12. Dưới đó, và sâu hơn nữa, hàng chục cán bộ, công nhân của công ty Khe Chàm lẫn TKV đã miệt mài thay ca (1h/ ca) suốt 24h đồng hồ qua, để tìm kiếm người mất tích cuối cùng: Công nhân đo khí thoát nước Phạm Xuân Hiệu (1976).

Anh Bền năm nay đã 51 tuổi, đứng túc trực trên miệng hầm đưa người vào cứu nạn tại lò nối giữa giếng phụ trực tải với thượng trung tâm vỉa 13.1 (mức -160m đến -168m) kể rằng, từ năm 1986, thời điểm thành lập mỏ than Khe Chàm, cũng là lúc anh bắt đầu làm việc tại đây với nhiệm vụ của một nhân viên phòng cung cấp, thì đây là vụ tai nạn kinh hoàng nhất, thiệt hại nặng nề nhất của mỏ Khe Chàm về số lượng người.

Những gương mặt đăm chiêu, tư lự nhìn sâu vào miệng hầm mỗi khi thấy tời kéo tàu chuyển động lên.

Bản danh sách của Sở Y tế Quảng Ninh lập vội chỉ mới "kịp" liệt kê 21 người bị thương, 7 người thiệt mạng. Trong số 8 nạn nhân thiệt mạng tại mỏ Khe Chàm đêm 8/12 có Phó Giám đốc phụ trách an toàn lao động Đặng Ngọc Ký. Toàn bộ số công nhân sửa chữa cơ điện, khai thác mỏ, cơ điện hầm lò, thợ lò của Công ty Than Khe Chàm thiệt mạng trong vụ nổ khí metal lần này tuổi đời chỉ từ 1983-1986.

Thậm chí, bản danh sách chưa kịp cập nhật thêm tên nạn nhân Trần Văn Thản. Anh Thản là nhân viên trung tâm cứu hộ của TKV, đóng tại trạm Cẩm Phả, thiệt mạng do bị nhiễm độc khí CO khi tham gia cứu hộ các công nhân gặp nạn trong vụ nổ này.

Những công nhân tại hiện trường kể rằng, kể từ khi thành lập mỏ đến nay, chưa bao giờ Khe Chàm lại yên ắng đến vậy. Tất cả các đường lò tạm ngừng khai thác, toàn bộ quân số tập trung thay ca tham gia tìm kiếm cứu nạn nạn nhân cuối cùng đang bị kẹt lại sau vụ nổ. Thi thoảng, hàng chục bình ô xy lại được cho lên "tàu ngầm", kéo sâu vào lòng mỏ cung cấp cho hàng chục công nhân, cán bộ của TKV đang toả đi mọi ngóc ngách trong hầm lò. Cứ mỗi tiếng thay ca một lần.

Những gương mặt đen nhẻm vì bị than, khói những ngày này bên miệng hầm không còn xuất hiện nụ cười khoe răng quen thuộc của người thợ mỏ sau tan ca. Chỉ thấy những gương mặt đăm chiêu, tư lự nhìn sâu vào miệng hầm mỗi khi thấy tời kéo tàu chuyển động lên. Dụng cụ ứng cứu đặt sẵn ngay trên cửa hầm. Công nhân thay ca liên tục 24/24h tìm kiếm.

Công nhân thay ca liên tục 24/24h tìm kiếm.

"Hiện trường nóng hơn 50 độ C. Khí không vào được. Gió khó khăn. Hầm sập ngổn ngang. Vẫn còn một người mất tích. Khả năng sống sót là rất khó nhưng anh em cán bộ công nhân của TKV vẫn đang tìm cách tiếp cận để tìm bằng được người của mình", Phó Tổng GĐ TKV Dương Văn Hoà nói với lãnh đạo Bộ Y tế lúc 22h đêm qua (8/12).

Trong số 24 người bị thương, có 21 cán bộ, công nhân Công ty Khe Chàm bị nạn trong hầm lò. Trong số 21 công nhân, cán bộ này, có 6 trường hợp bị thương rất nặng phải chuyển lên tuyến trên trong ngày hôm qua. Cụ thể, 2 nạn nhân chuyển lên Viện bỏng Quốc gia với tình trạng được dự báo về "rất xấu". Một nạn nhân bị gãy tay, chân phải chuyển ngay lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Hai nạn nhân bị chấn thương sọ não nặng phải chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Còn một nạn nhân nữa bị gãy xương chậu, đứt niệu đạo, tràn khí màng phổi đã được phẫu thuật gấp đang nằm ngay tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả.

Trong số 4 nhân viên cứu hộ gặp nạn vì bị nhiễm độc khí CO, ngoại trừ anh Thản đã chết, thì tại bệnh viện này đang cấp cứu 3 nhân viên cứu hộ khác gồm Giám đốc trung tâm cấp cứu mỏ - TKV Phạm Văn Huyên và các nhân viên Nguyễn Văn Quân, Đặng Văn Thăng.

Toàn bộ 8 nạn nhân thiệt mạng đã được làm thủ tục đưa về quê an táng trong ngày 8/12, gồm 2 người quê Hải Dương, 2 người quê Thái Bình, 4 người ở Quảng Ninh.

Lời kể của người sống sót

Trên tấm drap trắng tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả, công nhân Đinh Văn Hưng nằm gồng mình chịu những cơn đau nhức cắt da cắt thịt. Mặt, tay bị bỏng nặng, Hưng phải "xin" y tá đừng tiêm nữa vì đau quá, nhưng chỉ nhận được nụ cười và cái lắc đầu nhẹ của bác sỹ trực.

Chẩn đoán ban đầu cho thấy Hưng bị "ngộ độc khí metal, bỏng da 2 bàn tay", tình trạng thuộc dạng "nhẹ" trong số các nạn nhân nên cũng có thể đứt quãng trả lời câu chuyện.

Trên đầu Hưng, bụi than vẫn thi thoảng rơi ra phủ đen tấm drap. Chàng trai quê Đông Triều sinh năm 1982 là con cả trong gia đình có 3 anh em, cả nhà không ai theo nghề mỏ. Đêm 7/12, Hưng vào ca 3, xuống lò lúc hơn 12h đêm.

Những công nhân đang nằm gồng mình chịu cơn đau nhức cắt da cắt thịt.

"Lúc đó chừng hơn 1h sáng hôm nay (8/12), em đang ngồi tại ngách hầm chờ tàu ở độ sâu chừng -160m. Đột nhiên nghe một tiếng nổ lớn, gió rất nóng hất tới. Em bị cuốn bay tung lên, đập từ hông hầm bên này sang bên kia. Mồm miệng toàn than, nhưng không ngất, chỉ mơ mơ màng màng cho tới khi được đưa vào bệnh viện", khó khăn lắm Đinh Văn Hưng mới hồi tưởng lại khoảnh khắc kinh hoàng của cuộc đời mình.

Hưng kể rằng trước khi vào hầm, gió mát lạnh, thậm chí phải mặc thêm áo khoác. Vậy nhưng chỉ một khoảnh khắc ngắn, tất cả đã đảo lộn. Gió nóng, bụi than mù mịt, gãy đổ ngổn ngang. Người bị quăng quật, chôn vùi trong không gian nghẹt thở. "Chỉ một lúc, rồi sau đó lại thấy mát", anh chàng thợ mỏ thắc mắc.

"Các anh làm ở đường gió chính cũng dính, bị vùi hết", Hưng chỉ biết có vậy. Và biết thêm rằng từ khi vụ tai nạn xảy ra, "đã có 8 hay 9 người thiệt mạng"

Khoảng thời gian vụ nổ chỉ diễn ra chừng 5 giây đồng hồ. Nhưng chỉ cần vậy, cũng đủ cướp đi 7 sinh mạng công nhân, gây bị thương nặng cho 21 người khác. Khí CO sinh ra sau vụ nổ tiếp tục gây nhiễm độc, cướp đi thêm một người cứu hộ nữa và khiến 3 người khác nhập viện vì nhiễm độc.

"Nếu nhiễm độc khí CO nặng, thì bị ảnh hưởng não về lâu dài là điều khó tránh khỏi", anh Nguyễn Văn Hiệu, một cán bộ của Trung tâm cứu hộ mỏ đang có mặt trực tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả cho hay.

Trước khi vào nghề thợ mỏ, Hưng nói rằng cũng từng được xem ti vi, đọc tin, nghe dạy… về những nguy cơ hiểm nghèo của nghề nghiệp này, nhưng cũng chưa từng dám một lần chuẩn bị tinh thần cho lần đối mặt này. Lương hiện lãnh 2,5 triệu/ tháng, Hưng cười khi cho hay rằng "hết bệnh thì lại về đi làm mỏ thôi".

Ông bố, sau khi được báo tin, đã vào ngay bệnh viện thăm con. Công ty than Khe Chàm cùng với Trung tâm cấp cứu mỏ cũng cho người thay phiên túc trực bên giường bệnh. Toàn bộ lãnh đạo TKV đã ngay lập tức có mặt tại mỏ Khe Chàm để chỉ huy ứng cứu.

Xót xa bên người thân.

Ngoại trừ số tiền 1 - 3 triệu đồng/ người gặp nạn do tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ, 500 ngàn - 1 triệu đồng của UBND thị xã Cẩm Phả giúp đỡ, trong đêm 8/12, Thứ trưởng Trần Chí Liêu cũng thay mặt Bộ Y tế gửi tới lãnh đạo TKV số tiền 2 triệu đồng/ người thiệt mạng, 1 triệu đồng/ người bị thương để giúp đỡ gia đình các công nhân gặp nạn. Đại diện TKV cho hay, tập đoàn này đã ứng trước 30 triệu đồng/ người cho gia đình các công nhân thiệt mạng trong vụ nổ để lo ma chay trước mắt. Số cán bộ, công nhân viên bị thương khi tai nạn xảy ra và khi ứng cứu đang được TKV lo phần kinh phí điều trị.

Ngày 8/12/2008, những tiếng khóc thê lương của gia đình có người gặp nạn đã ám ảnh những người có mặt Cẩm Phả. Cũng trong ngày này, những hình ảnh công nhân gặp nạn trong vụ nổ khí metal ở khu mỏ than Khe Chàm khi đưa từ hầm sâu lên sẽ khó có thể phai trong tâm trí những người tham gia cứu hộ, cứu nạn và chứng kiến. Trong nhiều ngày tiếp theo, TKV lẫn công ty than Khe Chàm sẽ còn phải chong đèn sáng đêm, tiếp tục chuyển người xuống hầm lò để tìm kiếm người mất tích còn lại, rồi tìm cách khắc phục hậu quả, đưa mỏ than trở lại hoạt động.

Cuối cùng, các lãnh đạo TKV sẽ trả lời như thế nào với thân nhân các cán bộ, công nhân gặp nạn, lẫn những người đang nhìn về đất mỏ với nhiều ưu ái, về nguyên nhân chính xác của tai nạn thảm khốc này. Bởi, công nghệ làm mỏ ngày nay với những thiết bị đã cho phép đo chính xác nồng độ khí CH4, phương pháp khắc phục tụ khí, lẫn việc chống tia lửa điện phát ra trong hầm lò…

  • Trường Minh - Vũ Hoàng