Không kéo dài đề án hậu cai nghiện
Các Website khác - 22/04/2008
 

Chiều 21/4, đa số ủy viên Thường vụ Quốc hội nhất trí khép lại đề án thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Lý do đưa ra là khoản tiền bỏ ra quá lớn, trong khi hiệu quả chưa cao, ngân sách lại có hạn.
> TP HCM tạo việc làm cho 30.000 người sau cai nghiện

Theo báo cáo của Chính phủ, thực hiện nghị quyết 16 của Quốc hội về việc cho phép thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, từ năm 2003 đến nay đã có 7 tỉnh thành triển khai, gồm: TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Tây Ninh, Long An, Hà Nội và Bình Dương.

TP HCM là địa phương thực hiện quy mô nhất với hơn 30.000 người được quản lý sau cai, thời gian tối đa 3 năm. "Theo tính toán, TP HCM đã tiết kiệm 2.000 tỷ đồng chi phí mua ma túy của người nghiện, tội phạm xã hội giảm, tỷ lệ tái nghiện sau khi hồi gia chỉ 6%", Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo.

Bộ trưởng Ngân đề nghị Quốc hội cho phép các địa phương được kéo dài thời gian thực hiện đề án hậu cai nghiện đến năm 2010, thay vì đến ngày 1/8 khi nghị quyết 16 hết hiệu lực. Hiện 7 tỉnh thành còn trên 6.000 người chưa thi hành xong quyết định quản lý tập trung.

Không phủ nhận ý nghĩa nhân văn và quyết tâm của TP HCM trong việc thực hiện đề án hậu cai nghiện, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn: "Sau 5 năm triển khai biện pháp cai và quản lý tập trung, mặc dù TP HCM đã chi một khoản tiền khổng lồ (1.222 tỷ đồng), song đã không thu được hiệu quả. Số người được giải quyết việc làm quá ít, chưa tới 1.000".

Chủ nhiệm Thuận cho rằng báo cáo của Chính phủ quá suôn sẻ, chưa thấy hết được những mặt trái, như tỷ lệ học viên sau cai chết, trốn trại và vấn đề thẩm lậu ma túy tại các trung tâm. Ông cũng không đồng tình với việc kéo dài hiệu lực nghị quyết 16 "bởi việc cai nghiện phụ thuộc vào bản lĩnh của mỗi cá nhân, chứ không phải thời gian tập trung quản lý".

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng chỉ có TP HCM mới đủ khả năng mới bỏ ra khoản tiền 1.222 tỷ đồng cho công tác hậu cai nghiện, các tỉnh khác không thể. "Nếu kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết, hoặc luật hóa theo hướng kéo dài thời gian quản lý tập trung cai nghiện thì ngân sách nhà nước cũng không thể kham nổi", ông Vượng lập luận và đề nghị nên kết thúc đề án.

Về tỷ lệ tái nghiện 6% của TP HCM, nhiều đại biểu bày tỏ nghi ngờ. "Đó là tỷ lệ các xã phường mới phát hiện được, chứ nếu điều tra kỹ có thể phải cao hơn", Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nói. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi bổ sung: "6% là con số quá ấn tượng, nhưng có thể là học viên mới ra khỏi trung tâm, chưa đến lúc tái nghiện".

Có mặt tại buổi thảo luận, ông Vũ Hùng Vương, Cục trưởng Phòng chống ma túy, Bộ Công an, thừa nhận, tỷ lệ tái nghiện 6% ở TP HCM chỉ là kết quả bước đầu, chưa vững chắc, do thời gian học viên sau cai về với cộng đồng còn quá ngắn (3-6 tháng). Về đề nghị kéo dài thời gian quản lý sau cai, ông Hùng cho rằng các địa phương không thể làm nổi do không có kinh phí.

"Như Cao Bằng chỉ có tiền để tổ chức cai bắt buộc trong 3 tháng, Sơn La có 12.000 người nghiện, nhưng cơ sở cai nghiện chỉ đủ cho 2.000. Nếu áp dụng cai bắt buộc từ 1-2 năm như luật định thì Sơn La phải mất 12 năm mới cai hết", ông Vương dẫn chứng.

Từ thực tế này, Cục trưởng Vương đề nghị nên kết thúc nghị quyết 16. Những thành công của nghị quyết này nên được đưa vào luật sửa đổi một số điều của Luật phòng chống ma túy theo hướng: Duy trì thời gian cai bắt buộc như hiện nay là 1-2 năm, nhưng sau đó có thời gian quản lý bắt buộc tại địa phương từ 1 đến 3 năm.

Báo cáo về đề án hậu cai nghiện sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 3, dự kiến khai mạc vào ngày 6/5 tới.

Hồng Khánh