Không xả rác, chuyện phải học từ bé
Các Website khác - 14/02/2009

 Năm 2007, trong một lần thăm Huế, đêm nọ đang đi trên đường vắng lờ mờ ánh đèn dọc bờ sông Hương, tôi và anh bạn đồng hành chứng kiến một cảnh tượng cực hiếm: một cô gái đang chạy xe gắn máy chợt dừng lại, dựng chống xe, đi về phía trước cúi lượm một bịch rác do một người vô tâm nào đó vứt bỏ trên đường rồi mang bỏ vào thùng rác cách đó không xa. Một hành động rất bình thường với người dân nhiều nước khác nhưng quá đủ để khiến chúng tôi xúc động, bởi vì nó quá hiếm hoi trong xã hội của chúng ta.

Một nhóm thanh niên lại xả rác để người khác dọn (ảnh chụp tại công viên 30-4, Q.1, TP.HCM lúc 11g45 ngày 13-2) - Ảnh: N.C.T.

Hình ảnh cô gái Huế đầy ý thức cộng đồng trên với hình ảnh những chiếc ly nhựa, những tờ báo vứt bừa bãi sau cuộc họp mặt vui chơi của một số bạn trẻ đăng kèm bài báo nói trên là một sự tương phản thật đau lòng. Tôi cũng từng chứng kiến nhiều lần những bạn trẻ ăn mặc rất thời thượng ngồi sau những chiếc môtô “hoành tráng” thản nhiên vứt bịch nilông đựng nước mía xuống giữa lòng đường.

Có người nói rất đúng là dù có một bộ máy kiểm soát siêu đẳng ta cũng không thể làm thay đổi được bộ mặt đầy rác rưởi của đời sống đô thị, nếu những thành viên của nó không được trang bị một ý thức cộng đồng đúng đắn và một lòng tự trọng dân tộc tối thiểu. Không khó tìm ra những nguyên nhân của tệ trạng này, và theo tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là hiện nay chúng ta đang thiếu một phương hướng giáo dục công dân hiệu quả tại nhà trường trong những năm đầu. Các em ở lớp tuổi tiểu học được dạy những bài học cao xa, trừu tượng, không gắn liền với những hành vi đơn giản nhất, nhỏ bé nhất, trong đời sống thường nhật đang diễn ra xung quanh chúng.

Còn nhớ nhà phân tâm học Sigmund Freud từng nhấn mạnh những gì đứa trẻ được dạy dỗ trong những năm tháng đầu đời sẽ trở thành những ấn tượng mạnh mẽ chi phối quãng đời trưởng thành của chúng sau này. Điều này những người thuộc lớp tuổi 60-70 trở lên hiện nay nhận thấy rất rõ.

Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng hầu như ai trong độ tuổi này cũng không bao giờ quên những hình ảnh trong sách Quốc văn giáo khoa thư vẽ cảnh hai cậu học trò đứng nép bên lề, nhường đường cho một người tàn tật đi qua; cảnh hai cậu bé đang chơi đùa đã chạy lại giúp ông lão đẩy xe lên dốc; hay cảnh một ông lão, giữa trời nhá nhem tối, đã ráng sức bưng cục đá to giữa đường bỏ vào lề để người đi đường không bị vấp ngã... Thời ấy, trên xe buýt chúng tôi đứng bật dậy như chiếc lò xo khi thấy một người lớn tuổi bước lên, nhưng những hình ảnh như thế hình như bây giờ khá hiếm hoi.

Tôi từng nghe một người bạn kể rằng vào giữa thập niên 1960, khi đi thăm Đài Bắc (Đài Loan) anh tận mắt chứng kiến trên đường phố cảnh một cậu bé độ 10 tuổi, tay phải cầm khúc mía đưa lên miệng ăn, tay trái cầm một nắm xác mía đợi đến khi gặp thùng rác mới bỏ vào. Những hành động như thế chỉ có thể là kết quả của một quá trình giáo dục học đường (và gia đình) có hiệu quả, nhắm vào việc “xuất xưởng” những công dân tương lai có ý thức cộng đồng cao, có lòng tự trọng dân tộc, biết xấu hổ khi làm một việc có hại cho cộng đồng.

Mong sao các nhà giáo dục nước ta nhập cuộc một cách tích cực hơn nữa để tìm ra những giải pháp thỏa đáng cho vấn đề đào tạo những công dân xứng đáng cho đất nước. Cũng mong các bậc cha mẹ, bên cạnh chuyện cơm áo gạo tiền, dành thời gian theo dõi, giáo dục con cái mình trong độ tuổi tiểu học, bởi nếu để thời kỳ “nhạy cảm” này trôi qua một cách phí phạm, chúng ta sẽ lâm vào tình trạng bất khả thi khi con cái chúng ta đến tuổi trưởng thành, coi việc để lại một đống rác to đùng trong công viên sau buổi họp mặt chỉ là chuyện nhỏ!

Nơi tôi ở, người ta không dám xả rác!

Tôi là người Việt nhưng sinh sống tại Hoa Kỳ. Tại nơi tôi ở không ai bảo ai, cũng không có biển báo phải giữ vệ sinh chung gì cả nhưng không ai dám xả rác bừa bãi. Thứ nhất là do người dân ở đây có ý thức vì cộng đồng rất cao, từ nhỏ mọi người đã được dạy phải yêu quý môi trường. Thứ hai là do luật phạt xả rác ở đây rất nghiêm, mỗi lần xả rác nếu bị bắt sẽ bị phạt 500 đôla, còn nếu xả trên 5kg rác có thể bị ở tù! Thứ ba là đường sá ở đây rất sạch sẽ, người ta có muốn xả một tí rác ra đường chắc cũng thấy ngại lắm, giống như đang phá hoại cái gì đó. Thứ tư là ở đâu cũng có thùng rác, chứ không phải như ở VN mình nhiều khi tìm thùng rác “đỏ con mắt” mà không thấy...

Angel Cao (angelinatrancao@...)

Theo Tuoi Tre Onine