Vụ sữa có hàm lượng đạm dưới mức công bố: Trách nhiệm do... “ông” quy chế?!
Các Website khác - 14/02/2009

* Chất độc thì công bố ngay, “dưới chuẩn” thì phải bàn

 Ai chịu trách nhiệm công bố các loại sản phẩm không đạt chuẩn? Câu trả lời vẫn chưa rõ mặc dù có khá nhiều câu hỏi chất vấn giám đốc Sở Y tế tại cuộc họp báo do Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM tổ chức sáng 13-2.

Mở đầu buổi họp báo, bác sĩ Nguyễn Văn Châu - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đã trình bày lại toàn bộ quá trình từ khi tiếp nhận thông tin do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cảnh báo đến quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp có sản phẩm vi phạm chất lượng của thanh tra sở.

Theo bác sĩ Châu, ngay khi có văn bản của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, Sở Y tế đã cho thanh tra, kiểm tra ngay 20 nhãn sữa do hội cảnh báo. Sau đó có văn bản chỉ đạo cho Trung tâm Y tế dự phòng TP và các quận huyện mở rộng kiểm tra chất lượng sữa tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.

“Qua đó, chúng tôi xác nhận được năm công ty và 15 sản phẩm có vi phạm. Chúng tôi đã lập biên bản kiểm kê, niêm phong, xử phạt hơn 50 triệu đồng và buộc phải tiêu hủy, tái chế những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Chúng tôi cũng giám sát việc thực hiện quyết định xử lý của các doanh nghiệp này. Hiện Sở Y tế vẫn đang tiếp tục hậu kiểm chất lượng sữa và một số thực phẩm khác như nước uống đóng chai, nước tương"... Ông Châu khẳng định Sở Y tế không ém thông tin mà thực tế đã giải quyết vấn đề này một cách chủ động theo đúng quy định.

Ai chịu trách nhiệm công bố?

Ông Phạm Phú Tâm - tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM - chất vấn Sở Y tế: “Khi các doanh nghiệp làm và công bố chất lượng như thế và khi các cơ quan chức năng đã phát hiện thì việc công bố cho người dân như thế nào? Trước trách nhiệm thông tin với bạn đọc, tôi nghĩ rằng cái gì liên quan đến quyền lợi, sức khỏe của đông đảo người dân thì không có lý do gì vì bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mà không công bố. Chúng tôi cũng đang theo đuổi, đặt vấn đề ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc công bố những thông tin này”.

Một lãnh đạo báo Doanh Nhân Sài Gòn ngoài việc đặt vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý còn hỏi: “Biện pháp cụ thể để ngăn ngừa những việc tương tự như vậy xảy ra thế nào?”. Đại diện Cục Báo chí (Bộ Thông tin - truyền thông) hỏi Sở Y tế những sản phẩm sữa có hàm lượng đạm thấp còn trên thị trường không...

Trả lời các chất vấn này, ông Châu nói: “Sản phẩm sữa không đạt chất lượng mà chưa được phát hiện còn tồn tại trên thị trường hay không thì tôi nghĩ là còn. Nhưng những sản phẩm sữa do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cảnh báo đã được sở thanh tra, kiểm kê, niêm phong, xử lý tiêu hủy hoặc tái chế không còn trên thị trường”. Ông Châu cũng thừa nhận: khi nào người tiêu dùng còn phải sử dụng những sản phẩm chưa an toàn là trách nhiệm chung của các ngành, trong đó trách nhiệm của ngành y tế là đứng đầu.

Năm 2008, ngành y tế đã thực hiện 5.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ riêng sữa mà còn nhiều loại thực phẩm khác. “Chỉ riêng về sữa, năm qua Sở Y tế đã phối hợp với Sở Công thương gần như liên tục đi kiểm tra và phát hiện những sản phẩm không có nguồn gốc, nhãn mác, không đăng ký công bố chất lượng và đã niêm phong hàng chục tấn sản phẩm kém chất lượng. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều nhưng một ngày, một bữa, một lúc thì chưa làm xuể” - ông Châu phân trần.

Quy chế không rõ, làm thế nào đây?

Ông Châu cũng thông tin đến nay Sở Y tế hoàn toàn chưa tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm sữa nào. Sữa nhập khẩu thì quy định công bố ở Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế. Những sản phẩm sản xuất trong nước tuy phân cấp cho Sở Y tế tiếp nhận thông tin công bố, nhưng lại có quy định khác kèm theo là nếu sản phẩm đó sản xuất ở nhiều tỉnh thành thì nhà sản xuất phải công bố ở Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau khi nghe ông Châu giải thích, ông Nguyễn Quang Thọ - tổng biên tập báo Yêu Trẻ - đặt vấn đề: “Vấn đề chúng tôi quan tâm ở đây là trách nhiệm. Nãy giờ nghe giải trình thì có lẽ trách nhiệm cuối cùng thuộc về... “ông” quy chế. Nếu như không giải quyết được quy chế thì cuối cùng mọi rắc rối, thiệt thòi của người dân sẽ không có ai chịu trách nhiệm”.


Thanh tra Sở Y tế TP.HCM lấy mẫu nguyên liệu sản xuất sữa tại một công ty về kiểm nghiệm - Ảnh: L.TH.H.

Theo ông Thọ, nếu những thông tin về sữa không đảm bảo chất lượng được công bố kịp thời thì chắc chắn người dân sẽ kiểm tra lại ngay sản phẩm sữa con mình đang sử dụng. “Nếu không giải quyết rốt ráo quy chế đưa thông tin cho người tiêu dùng thì sẽ còn luẩn quẩn như vậy mãi. Năm nào Bộ Y tế, Sở Y tế cũng có tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng khi xảy ra vụ việc gì thì chỉ có một ông chịu trách nhiệm là... ông quy chế!” - ông Thọ nói.

Trước cách đặt vấn đề này, ông Châu trả lời: “Quy chế mà không rõ làm cho cơ quan quản lý hết sức khó khăn trong thực thi nhiệm vụ của mình. Quy chế quan trọng lắm nhưng quy chế không rõ thì phải làm như thế nào đây? Chúng tôi không phải biện minh cho mình mà rất hiểu những gì nguy hại cho sức khỏe người dân, nên dù quy chế thế nào đi nữa thì chúng tôi vẫn đặt mục tiêu cuối cùng là bảo đảm sức khỏe cho người dân được tốt. Như vụ rượu có độc chất methanol uống vô là chết ngay, chúng tôi phải làm ngày làm đêm để thu hồi sản phẩm và công bố ngay...”.

Chất độc thì công bố ngay, “dưới chuẩn” thì phải bàn

Ông Nguyễn Văn Châu khẳng định ngành y tế luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, nhưng cũng phải thông tin đúng pháp luật. Như vụ sữa có melamine, rượu có độc chất methanol, khi có kết quả kiểm nghiệm là Sở Y tế công bố rộng rãi ngay tên công ty, địa chỉ, tên sản phẩm vi phạm cho người tiêu dùng biết. Còn sữa có hàm lượng đạm thấp thì không gây độc cho cơ thể.

Theo ông Châu, vấn đề công bố những sản phẩm vi phạm chất lượng “phải bàn thêm ở cấp trung ương và cấp bộ. Tuy nhiên, với những sản phẩm rất độc thì mình phải có cách thông tin ngay lập tức. Còn quy chế, lộ trình, phương thức công bố như thế nào thì trong pháp lệnh chất lượng hàng hóa có nói, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về quy trình, phương thức ra sao. Nhiều lần chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cần có quy định rõ về công bố thông tin, gần nhất là vụ sữa có melamine chúng tôi đã có yêu cầu”.

Theo Tuoi Tre Online