Sản xuất sợi tại Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi - TPHCM). Ảnh: T.THẠNH |
Trong hai ngày 3 và 4-9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng qua, dự báo kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2008 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ giải pháp kinh tế - xã hội năm 2009. Đây là những nội dung quan trọng, sẽ được Chính phủ báo cáo tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa X) và kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XII) sắp tới.
Tăng trưởng ổn định
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2008, theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Mặc dù phải đối phó với nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, sản xuất - kinh doanh và đầu tư vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. Xuất khẩu tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao (8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 43,3 tỉ USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2007). Nhập siêu 8 tháng 15,9 tỉ USD, bằng 36,8% kim ngạch xuất khẩu, đang trong xu hướng giảm dần, riêng trong tháng 8 nhập siêu còn 900 triệu USD. Trong 8 tháng, tổng vốn FDI đăng ký và tăng thêm đạt 47,158 tỉ USD, trong đó thực hiện đạt 7 tỉ USD. Lĩnh vực tài chính, tiền tệ, giá cả đã có chuyển biến tích cực. Tổng thu ngân sách từ đầu năm đến ngày 15-8 ước đạt 254.800 tỉ đồng, bằng 78,9% dự toán năm. Trong tháng 8, tình hình tiền tệ dần đi vào ổn định, nhiều ngân hàng thương mại đã hạ mức lãi suất huy động và cho vay. Đáng chú ý, mặc dù trong tháng 7 giá xăng dầu tăng 31% nhưng chỉ số giá tháng 8 chỉ tăng 1,56%. Trong 8 tháng, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, trong đó có 58.000 người đi lao động ở ngoài nước. Công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương tiếp tục được tăng cường. Công tác cứu trợ thiên tai được thực hiện kịp thời...
Năm 2009, đưa lạm phát về một con số
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Trong 4 tháng cuối năm 2008, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt và triệt để các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ phải có tính linh hoạt, thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, song cũng phải dành ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2008. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm kiểm soát chặt chẽ nhập siêu, kiểm soát nghiêm ngặt về quản lý thị trường, chống tình trạng đầu cơ, tăng giá thu lời bất chính. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động và tích cực trong việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, nhất là những vùng khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, trong đó nhấn mạnh: Phấn đấu đưa chỉ số lạm phát trở về một con số vào cuối năm 2009, đầu năm 2010.
Chú trọng điều chỉnh lương cho các đối tượng khó khăn Tại cuộc họp báo của Chính phủ tổ chức ngày 4-9, trả lời câu hỏi của báo giới về đề xuất đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương của Tổng LĐLĐ VN so với thông thường, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Ngày 5-9, Chính phủ họp với các cơ quan liên quan về nội dung này để thống nhất báo cáo Bộ Chính trị. Theo ông Phúc, trước tình hình lạm phát, phương án điều chỉnh lương sẽ tập trung vào những thành phần xã hội có đời sống khó khăn như người đã nghỉ hưu, lương tối thiểu của cán bộ, công nhân trong doanh nghiệp và công chức. Về thông tin điều tra của cơ quan chức năng Nhật Bản đối với các nhà thầu của Nhật tham gia vào dự án đại lộ Đông Tây TPHCM, ông Phúc cho rằng đây là một hiện tượng xã hội đã được báo chí Nhật đưa tin. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin từ phía Nhật Bản mà chưa có xác minh chính thức từ cơ quan chức năng VN. “VN sẽ chủ động phối hợp với phía nước bạn để cùng làm rõ” – ông Phúc nói. T.Dũng |
GDP năm 2009 phấn đấu đạt 7% Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2009 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình, có 3 phương án về tăng trưởng kinh tế. Các thành viên Chính phủ đều thống nhất với phương án 1. Cụ thể: Năm 2009, cả nước phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 75,5 đến 76,7 tỉ USD; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 96,6 đến 97,8 tỉ USD; nhập siêu 21,1 tỉ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 729.000 tỉ đồng, bằng 40% GDP; tổng thu ngân sách khoảng 418.000 tỉ đồng; tổng chi ngân sách Nhà nước 518.000 tỉ đồng; CPI dưới 15%; tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động, trong đó đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 12%... |
▪ Người dân được tham gia điều trần các vấn đề “nóng” (05/09/2008)
▪ Đào móng nhà, phát hiện 5 bộ hài cốt liệt sĩ (05/09/2008)
▪ 25km bờ biển, cửa sông có nguy cơ sạt lở (05/09/2008)
▪ Nổ súng cướp 25 lượng vàng (05/09/2008)
▪ 253 hộ dân sống trong chung cư... sắp sập (05/09/2008)
▪ Đẳng cấp "học sinh VIP" (04/09/2008)
▪ TP.HCM sẽ có 5 khu công nghiệp mới (04/09/2008)
▪ ĐBSCL: Càng mưa lũ, nguy cơ sạt lở càng cao (04/09/2008)
▪ Taxi và xe chở container đấu đầu (04/09/2008)
▪ Sắp cắt liên lạc thuê bao trả trước không đăng ký (04/09/2008)