Hàng trăm ngàn mét vuông đất chạy dọc các đoạn sông, trong đó chủ yếu là sông Tiền và sông Hậu thuộc 10 tỉnh, thành trong khu vực như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ... có thể sạt lở bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong mùa lũ.
Hơn 10.000 ngàn hộ dân sống trong khu vực nguy hiểm cần được di dời. Số liệu tổng hợp từ Viện Khoa học thủy lợi miền Nam và báo cáo của các tỉnh ĐBSCL.
Riêng tại An Giang, đến nay có hàng trăm héc ta đất đã bị sạt lở, từ bờ sông vào trong khoảng 5–30 mét. Chỉ một xã Vĩnh Hòa (huyện Tân Châu) đã có 40ha đất bị sạt lở, trong đó, ấp Vĩnh An bị lở hoàn toàn. Ở huyện Chợ Mới, dòng chảy của sông Vàm Nao và sông Hậu tạo nên những hố sâu 42 mét, đe dọa nghiêm trọng chợ xã Mỹ Hội Đông.
Diện tích cảnh báo sạt lở tại đây dài 1.000 mét, sâu vào bờ 20 mét. Tại Cần Thơ có hàng trăm điểm sạt lở, trong đó có 8 điểm sạt lở mạnh, tập trung tại đoạn sông phía trái từ cửa sông Cần Thơ đến khu vực Tân Quới, Đông Phú, cù lao Lục Sĩ Thành (Vĩnh Long). Phía bờ phải sông Hậu, bị sạt lở sâu vào bờ 7,2 mét. Tại bến thượng lưu (bờ trái) phà Cần Thơ, từ năm 1968 đến nay bị sạt lở sâu vào bờ trên 17 mét.
Không biết khi nào thì xuống sông với "Hà Bá". (Ảnh: H.Nguyễn) |
Tại Vĩnh Long, sạt lở xuất hiện ở khu vực ven sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Hậu, nhiều nhất là khu đình Tân Hoa (xã Tân Hòa, thị xã Vĩnh Long), đầu cù lao Minh (xã An Bình, Long Hồ). Ven sông Cổ Chiên có khu vực kè sông Cổ Chiên (phường 1, thị xã Vĩnh Long), ấp Phước Định 1 và 2 (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ), khu vực từ vàm Cá Lóc đến vàm Mỹ An (xã Mỹ An, huyện Mang Thít), đầu cù lao Dài (xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm)…
Cần khảo sát tổng thể, đồng bộ dòng sông
Trao đổi với PV về nguyên nhân sạt lở đất, PGS. TS Nguyễn Hữu Chiếm, Phó Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên thuộc Trường Đại học Cần Thơ – người nhiều năm nghiên cứu địa chất, sạt lở trong khu vực cho biết:
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở. Từ xưa tới giờ vẫn xảy ra sạt lở chứ không phải chỉ diễn ra thời gian gần đây. Người ta thường nói dòng sông bên lở bên bồi là thế. Bên lở là bên vịnh, bên bồi là doi. Bên doi dòng chảy yếu hơn, còn bên vịnh dòng chảy mạnh, nên nước khoét vào đất liền ngày càng sâu. Đó là về mặt tự nhiên của một dòng sông uốn lượn. Còn vì sao gần đây tình trạng sạt lở diễn ra liên tục? Đó là do yếu tố thay đổi dòng chảy. Tức là lưu lượng nước nhiều, tăng lên đột ngột, dòng chảy mạnh và nhanh… là những điều bất bình thường. Vấn đề thay đổ khí hậu toàn cầu đã ảnh hưởng đến điều kiện tự nhiên của khu vực ĐBSCL.
- Thưa ông, địa chất vùng ĐBSCL “được tiếng” là đất yếu, mềm, điều này có phải là một trong những nguyên nhân làm gia tăng việc sạt lở đất như vừa qua?
PGS, TS Nguyễn Hữu Chiếm. (Ảnh: Huỳnh Anh) |
Trong nước sông bao giờ cũng có các thành phần đất sét, đất thịt và cát. Trong quá trình hình thành trầm tích vùng ĐBSCL từ xưa tới giờ thì nó hình thành từ dưới lên, tạo thành những lớp tựa như bánh da lợn. Có những lớp sét nặng, rất dẻo; có những lớp đất thịt tơi xốp và có những lớp chỉ toàn cát. Các lớp này đan xen nhau. Tùy theo môi trường nước động hay tĩnh mà hình thành lớp nào trước.
Nếu động nhiều thì cát hình thành, nếu tĩnh thì sét hình thành. Cho nên hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu là những lớp đất như thế. Cùng một lực chảy, nếu gặp lớp cát thì tình trạng sạt lở sẽ diễn ra nhanh và liên tục hơn. Vì sao truớc đây ít sạt lở còn thời gian gần đây tình trạng sạt lở xảy ra nhiều? Như tôi nói, vì ngày trước dòng chảy ổn định, lưu lượng nước không lớn; còn hiện tại, có thể do khu vực thượng nguồn bị phá rừng, bị đắp đập hoặc do những yếu tố khác… nên nước không phân phối đều trên mặt đất, tạo những dòng chảy mạnh hơn, đất ven bờ bị khoét nhiều hơn, tạo nên các hàm ếch gây sạt lở.
Kế đến là hiện tượng đất bị trượt. Có những lớp đất sét mà bên trên nó là bề mặt đất nhão hơn. Do nhà cửa, công trình bên trên có khối lượng lớn nên nó sẽ bị trượt trôi ra sông.
- Thưa ông, vì sao những khu vực sạt lở thường thường “tìm” đến những khu vực đông dân cư và những công trình dân dụng, công nghiệp?
- Đó cũng do tập quán sinh sống của người dân đồng bằng. Thường thì ở những khúc sông có vịnh thì lòng sông sâu hơn, dễ neo đậu thuyền, lập chợ, sinh hoạt theo kiểu trên bến, dưới thuyền. Cũng dễ dàng thấy được nhiều chợ búa, khu dân cư, bến bãi được xây dựng nơi những khúc cua, dễ neo đậu tàu bè. Chính những khu vực này lại có dòng chảy lớn, đất bị bào mòn nhanh, cộng với tác động của thuyền bè, neo đậu, công trình bên trên nặng khiến các khu vực này càng dễ dàng bị sạt lở.
- Có ý kiến cho rằng việc khai thác cát bất hợp lý, khai thác cát lậu hiện nay cũng góp phần làm gia tăng tình trạng sạt lở, thưa ông?
Đổ thừa khai thác cát gây sạt lở thì chưa có nghiên cứu nào cả. Cũng chưa hẳn là như thế. Bởi vì thường người ta khai thác cát ở những nơi dòng chảy yếu, bên bồi, những khu vực này mới có cát để khai thác. Ví dụ như tại những doi cát được hình thành, tùy theo trường hợp mà chúng ta khai thác, chứ không phảI là cấm khai thác hoàn toàn. Khai thác vừa phải, hợp lý thì không thể sạt lở được, thậm chí việc khai thác cát có thể nắn được dòng chảy giúp cho những vị trí có nguy cơ chậm sạt lở hơn. Khai thác cát không có nghĩa là xấu hết mà khai thác phải có qui hoạch, kế hoạch khai thác cụ thể, phải nghiên cứu kỹ.
- Nghĩa là để tránh sạt lở thì chính quyền địa phương phải có kế hoạch, qui hoạch khai thác cát cũng như khảo sát lòng sông?
Để tránh chuyện sạt lở này, chính quyền địa phương từng nơi phải thành lập những đội chuyên môn đi khảo sát hai bên bờ sông, thăm dò độ sâu, thậm chí có thợ lặn hoặc trang thiết bị chuyên môn để đo dòng chảy, coi bờ sông có hiện tượng bào mòn, sạt lở hay không… Khi làm được việc này rồi, thể hiện được trên bản vẽ thì việc quản lý, phòng tránh sạt lở cũng nhẹ nhàng hơn.
- Nhưng thời gian qua rõ ràng việc làm này đã bị bỏ ngỏ?
Nhà dân mong manh bên sóng nước sông Tiền. (Ảnh: H.Nguyễn) |
Bước khảo sát tổng thể và đồng bộ dòng sông này gần như không có. Có ai làm đâu. Khi gặp vết nứt, sụp lở thì mới đến khảo sát, khắc phục. Chính vì thế chưa ra được những dự đoán, dự báo mang tính căn cơ, lâu dài. Tôi kiến nghị cần phải có những đoàn khảo sát chung cho các tỉnh, thành trong khu vực có hai sông Tiền, sông Hậu và những nhánh sông lớn đi qua. Kết quả khảo sát như là phiếu chẩn đoán bệnh của các dòng sông để từ đó mà có cách phòng, tránh sạt lở hữu hiệu, hạn chế được thiệt hại về vật chất và con người đến mức thấp nhất.
- Vấn đề đê bao ngăn lũ cũng là một nguyên nhân được cho là góp phần tích cực cho việc sạt lở, theo ông ý kiến này thế nào?
Chúng tôi chưa có nghiên cứu, nhưng chắc chắn là nó sẽ có ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên. Bên thủy lực sẽ tính toán được việc này. Không cho nước vào nội đồng thì khối lượng nước tập trung vào dòng chảy nhiều, tăng lên đột ngột và bất thường, chính vì thế dòng chảy sẽ mạnh lên và dẫn đến việc bào mòn hai bên bờ sông nhiều hơn và nhanh hơn. Đê bao là một trong những nguyên nhân tác động.
- Sắp tới phải làm gì để có thể hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra thưa ông?
Phải đo lại dòng chảy, so sánh với những số liệu trước đây để từ đó có những có cái nhìn cụ thể hơn về tình hình sạt lở hiện tại và dự báo trong tương lai. Phải có liên kết vùng trong việc khảo sát dòng sông, làm đề án chung của khu vực ĐBSCL, có khảo sát mới dự báo được vùng nào sạt lở và nguy cơ sắp tới. Bộ, ngành liên quan cần có những khoản kinh phí, chuyên gia hỗ trợ thực hiện những dự án khảo sát này. Trường Đại học Cần Thơ dự tính làm một dự án về nghiên cứu việc sạt lở nhưng chưa có kinh phí. Nếu có nguồn vốn này thì nhà trường sẽ đảm nhiệm được việc dự báo sạt lở cho toàn vùng ĐBSCL.
Theo Huỳnh Anh
▪ Đẳng cấp "học sinh VIP" (04/09/2008)
▪ TP.HCM sẽ có 5 khu công nghiệp mới (04/09/2008)
▪ Taxi và xe chở container đấu đầu (04/09/2008)
▪ Sắp cắt liên lạc thuê bao trả trước không đăng ký (04/09/2008)
▪ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi (04/09/2008)
▪ Thủ tướng chiêu đãi đoàn ngoại giao nhân Quốc khánh (03/09/2008)
▪ Vô sinh: Nhanh chân xin trứng bạn bè (03/09/2008)
▪ Bỗng dưng… “dê” chạm vào người! (03/09/2008)
▪ Cầu vượt dùng ngắm cảnh, hầm chui để hẹn hò (03/09/2008)
▪ Bãi cọc ngầm - nỗi ám ảnh của ghe thuyền (03/09/2008)