Một xóm có hàng chục người bị bướu cổ
Chuyện mấy năm gần đây, ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, có hàng chục người dân "bỗng dưng" phát hiện ra... bướu trong cổ mình là có thật. Không khó khăn lắm, chúng tôi được nhân dân trong xóm Bến giới thiệu một loạt người bệnh với tâm trạng đầy lo lắng.
Bà Đặng Thị Rào, 60 tuổi, từng bị một khối u bướu trong cổ gây đau nhức, mắt mờ, chóng mặt. Đến năm 2003, bà đi mổ ở Quân y Viện 103 đã lấy ra một bọc thịt đỏ to hơn nắm tay. Bà kể với chúng tôi: Hai mẹ con tôi đều bị cả. Tôi phát hiện bị bệnh đã 15 năm nhưng đến năm 2001 mới mổ được. Ở đây nhiều người cổ đã khá to nhưng chưa "xử lý" được vì chưa có tiền. Nhờ các anh về nói với "cấp trên" là cố gắng về khám và điều trị cho bà con. Quê chúng tôi nghèo lắm. Nhiều người bị bệnh rồi nhưng không biết, vì có bao giờ được khám đâu...
Bà Nguyễn Thị Duyên, 70 tuổi, phát bệnh từ năm 2004, trong cổ có bướu nhỏ kèm theo ho, ngứa.
Chị Dương Thị Tươi, 30 tuổi, hiện vẫn mang bướu cổ to bằng quả cà chua kèm theo thân mình nổi mụn, ngứa ngáy. Nhưng chị vẫn chưa đi khám ở cơ sở y tế nào vì "bận" nuôi con nhỏ.
Hai chị em út Lê Thị Anh (20 tuổi), Lê Thị Thập (18 tuổi) biết mình bị bướu cổ từ năm học lớp 2, đến nay nhìn đã khá to. Thập rụt rè, có vẻ mặc cảm, kể: Hồi đó ở lớp nhiều người bị lắm, nhưng gia đình nào có tiền thì "giải quyết" sớm được, nhà em khó khăn nên phải để đến tận bây giờ. Em cũng đã uống thuốc nhưng không thấy chuyển biến...
Anh Nguyễn Văn Tưởng, sinh năm 1972, phát hiện mình bị bướu cổ cuối năm 2004 và sau đó mổ luôn, đến nay chưa thấy biểu hiện gì khác. Vì vậy, từ lâu ngôi nhà của anh đã trở thành "điểm đến" của nhiều bà con trong làng, trong xã đến hỏi và trao đổi kinh nghiệm "xử lý" căn bệnh này. Anh khẳng định với chúng tôi: Số lượng người bị bệnh bướu cổ xóm Bến và ở xã khá nhiều. Riêng những người cổ đã khá to, nhìn thấy được là bướu cổ cũng đã gần 20. Chưa kể những người bệnh mới phát chưa nhìn rõ hoặc những thanh niên xấu hổ nên giấu không cho người khác biết.
Theo số liệu mà Trạm trưởng y tế Nguyễn Đức Trung cung cấp thì cả xã hiện nay vẫn còn 63 người bị bệnh bướu cổ (năm 2001 là 63 người, năm 2002 là 61 người). "Còn ở xóm Bến (nơi dư luận gọi là "làng bướu cổ") thì sao?"-chúng tôi hỏi. Anh Trung cho biết, xóm Bến có 560 nhân khẩu, theo thống kê thì có 11 người đang bị bướu cổ. Nhưng qua khảo sát sơ bộ của chúng tôi cũng như số liệu người dân cung cấp thì số người bị bướu cổ ở đây nhiều hơn. Sự xuất hiện của căn bệnh bướu cổ thời gian qua đã và đang gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân trong vùng.
Ngành y tế phải thật sự vào cuộc
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tài - Đội trưởng đội vệ sinh phòng dịch huyện Thường Tín cho rằng: "Không hiểu từ đâu mà vừa qua rộ lên thông tin về tình hình bướu cổ ở đây. Tôi không đồng ý khi gọi là "làng bướu cổ" vì chưa đủ cơ sở khoa học để khẳng định điều đó". Trong những năm qua, huyện Thường Tín đã tích cực triển khai và thực hiện nghiêm túc Chương trình quốc gia phòng, chống bướu cổ và Nghị quyết số 418 của Chính phủ về "Tổ chức và vận động toàn dân dùng muối i-ốt thay cho muối thường". Kiểm tra ngẫu nhiên tại 28 bếp ăn của dân thì 25 hộ có muối i-ốt. Tại xã Nguyễn Trãi, từ năm 1997 đến hết năm 2004 đã tiếp nhận và tiêu thụ 12 tấn muối i-ốt và 4.000 gói bột canh i-ốt; 9 thôn của xã thì có 13 cửa hàng bán lẻ muối... Theo ông Tài thì những địa bàn tỷ lệ người bị bướu cổ trên 10% tổng số dân mới là "có vấn đề". Với trường hợp ở Nguyễn Trãi, 63 người bị mắc bướu cổ vẫn dưới 10% số dân thì tình hình vẫn là "bình thường".
Các cán bộ y tế của xã và huyện khi trao đổi với chúng tôi vẫn chưa có những biện pháp tích cực để giúp người dân chữa bệnh và ổn định tư tưởng như: chưa có những khảo sát, điều tra một cách hệ thống về căn bệnh, chưa tuyên truyền vận động bà con đi khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế. Trong xã hiện vẫn còn khá... nhiều người hiện vẫn đang mang bướu cổ nhưng chưa hề đi khám, chữa bệnh. Về nguyên nhân của việc xuất hiện nhiều người bị bướu cổ, theo anh Chiến, cán bộ y tế xã và một số người dân "phỏng đoán" là do: từ hồi địa phương có nhiều giếng khoan thì số người bị bướu cổ cũng đột ngột tăng lên, 90% dân ở đây dùng giếng khoan. Theo quan sát của chúng tôi thì đúng là nước khoan ở đây có màu vàng, mùi tanh. Hầu hết các hộ dân sử dụng giếng khoan sâu 40-50m. Dụng cụ lọc nước rất thô sơ, nhiều nhà không có bể lọc. Nhân dân trong xã cũng đã vài lần có ý kiến kiến nghị với xã về vấn đề nguồn nước nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan chuyên môn nào về lấy mẫu để xét nghiệm.
Với những gì chúng tôi ghi nhận được ở trên thì có thể thấy hiện tượng nhiều người dân bị mắc bệnh bướu cổ tại xã Nguyễn Trãi, lại tập trung nhiều ở một xóm (xóm Bến) là một hiện tượng không bình thường. Đây cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm vì căn bệnh này thời gian qua rất ít xuất hiện ở các địa phương không thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngay những xã trong huyện Thường Tín, lân cận xã Nguyễn Trãi cũng không thấy số người bị bướu cổ nhiều "đột biến" như nơi đây. Như ở xã Tự Nhiên, người bị bướu cổ năm 1994 là 28% thì đến năm 2004 chỉ còn 5,7%. Tuy nhiên, tình hình cũng chưa đến mức quá trầm trọng như thông tin trong dư luận. Điều đáng quan tâm hiện nay là các cơ quan chức năng, các nhà khoa học phải có bước điều tra để xác định chính xác tỷ lệ người đang bị bệnh, tìm nguyên nhân và cách khắc phục. Ngành y tế địa phương cần phải thực sự "vào cuộc" vì mục đích sức khỏe cộng đồng...
|