Lãng phí tiền tỷ vì những công trình siêu ì
Các Website khác - 06/09/2008

Cầu Hoàng Hoa Thám xây 10 năm mới chỉ được 3 trụ, gây thất thoát 136 tỷ. Dự án siêu ì ạch Nhiêu Lộc Thị Nghè buộc phải bỏ ra thêm 100 triệu USD, đường "rùa" Rừng Sác cũng trong tình trạng tương tự. Hàng trăm tỷ đồng của TP HCM "trôi sông" cùng những công trình này.

Hơn 130 tỷ đồng là khoản tiền để ngân sách nhà nước thực hiện việc di dân khẩn cấp cho 27 tỉnh thành trong cả nước ra khỏi vùng lũ quét sạt lở trong cơn bão hồi tháng 10/2007.

Nếu không phải đắp thêm 100 triệu USD do sự "chậm trễ" của dự án Nhiêu Lộc Thị Nghè, TP HCM có thể dùng số tiền này xây cầu Sài Gòn 2 hoặc làm hẳn bờ bao chống ngập cho toàn thành phố.

Cầu Hoàng Hoa Thám bắc ngang kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè nối đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) với đường Trần Quang Khải (quận 1) được khởi công tháng 9/1998 với tổng vốn đầu tư ban đầu chỉ là 19 tỷ đồng. Theo đúng kế hoạch cách đây 10 năm, công trình chỉ cần 16 tháng để hoàn thành, tuy nhiên cho đến nay cây cầu dài 103 m này mới thi công được đúng 3 trụ giữa kênh.

Kỳ vọng của lãnh đạo thành phố, khi hoàn thành cầu Hoàng Hoa Thám sẽ tạo thành trục giao thông mới kết nối quận Bình Thạnh và quận 1, giảm áp lực cho đường Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng vốn dĩ đã quá tải. Tuy nhiên, trong một thập kỷ qua, cầu "treo" này đang ngày làm tăng áp lực ngân sách của thành phố.

Năm 2006, sau thời gian dài kiên nhẫn UBND TP HCM đã bàn giao công trình về cho Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư (trước đây là Công ty cổ phần phát triển đô thị Bình Minh), lúc này vốn đầu tư đã tăng thêm gần 100 tỷ đồng. Và đến nay, con số đã lên 155 tỷ đồng (gấp hơn 8 lần so với ban đầu) nhưng vẫn chưa biết thời điểm hoàn thành công trình.

Cầu trên đường Rừng Sác huyện Cần Giờ bị treo vì giá nguyên vật liệu. Ảnh: Kiên Cường

Không kém phần nổi tiếng, dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè vừa thông báo, tổng mức đầu tư sau khi tính toán lại phần trượt giá nguyên vật liệu, nhân công vào khoảng 300 triệu USD (năm 2000 con số chỉ là 199,96 triệu USD).

Nguyên nhân của việc tăng vốn chủ yếu do thi công chậm trễ. Thay vì phải kết thúc cuối năm 2007, nhưng theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án siêu công trình ì ạch này chỉ có thể hoàn thành vào cuối năm 2009.

Chưa hết, không chỉ có cầu, dự án môi trường mà ngay cả làm đường cũng gây lãng phí rất lớn. Đã bao năm nay, đường "rùa" Rừng Sác - huyện Cần Giờ làm mọi người ngán ngẩm, tuyến huyết mạch nối thẳng TP HCM ra biển Đông được đầu tư năm 2002 với số tiền cho giai đoạn 1 là 291 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 102 tỷ đồng.

Nhưng sau 4 năm thi công, đến cuối năm 2006 giai đoạn 1 là đắp nền hạ vẫn chưa hoàn chỉnh, mặt đường gần như nguyên hiện trạng ban đầu. Cuối năm 2004, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án đường được nâng lên gần 307 tỷ đồng do giá vật tư và tiền đền bù tăng.

Cuối năm 2003, TP HCM cũng đã phê duyệt hơn 230 tỷ đồng để xây mới 7 cây cầu trên tuyến đường này. Tuy nhiên, mãi đến năm 2007, mới hoàn thành 3 cầu, còn 4 cây tiếp tục bị "treo". Có nhiều ý kiến cho rằng, việc TP HCM đầu tư xây dựng đường Rừng Sác cùng 7 cây cầu đều chậm tiến độ có thể coi là sự lãng phí lớn, đầu tư không hiệu quả.

Không hiệu quả, thi công lai rai, lãng phí tiền tỷ, gây nên sự bất bình trong người dân và ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển chung của thành phố nhưng hầu hết các bên liên quan đều đưa ra những nguyên nhân giải thích rất xác đáng cho việc chậm trễ này.

Cầu Hoàng Hoa Thám thì ngay từ lúc mới thi công, công việc buộc phải nhiều lần dừng vì tĩnh không của cầu quá thấp, thiếu quỹ nhà tái định cư cho các hộ bị giải tỏa, hoặc chất lượng bê tông không đồng nhất. Mới đây, đại diện Khu quản lý giao thông đô thị số 1 thì khẳng định còn vướng một số hộ thuộc địa bàn quận 1 vẫn chưa bàn giao mặt bằng nên không thể tiếp tục thi công.

Ban quản lý Dự án Nhiêu Lộc Thị Nghè đưa ra hàng loạt khó khăn: điều kiện địa chất một số khu vực tại kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè diễn biến phức tạp gây khó khăn cho đơn vị thi công, biến động giá nguyên vật liệu, nhà thầu nước ngoài chưa quen với các thủ tục của Việt Nam, vướng công trình ngầm...

Và phải mất đến 8 năm sau khi khởi công, đường Rừng Sác mới có cơ hội hoàn thành. Trao đổi với VnExpress.net chiều 4/9, ông Dương Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án khu vực huyện Cần Giờ (đơn vị chủ đầu tư) cho biết, cuối tháng 8, dự án đã chính thức khởi động giai đoạn 2 là hoàn chỉnh mặt đường. Trước mắt nhà thầu sẽ thi công 3 làn đường và thông xe trong năm 2009, còn lại 3 làn sẽ hoàn tất trong năm 2010.

Kiên Cường