Loạn xét nghiệm y tế
Các Website khác - 14/05/2008

“Có bệnh thì vái tứ phương”. Khi mà thời buổi có đủ của ăn, của để thì cái chuyện “vái tứ phương” của mọi người là chuyện tất nhiên. Mà điều rất lạ thời nay mỗi khi đến phòng khám, là đến nơi chỉ nghe bệnh nhân trình bày vài câu là bác sỹ ra ngay câu… phán: Đi xét nghiệm!

Thôi thì mỗi bệnh một kiểu với một loạt các xét nghiệm, không mấy bác sỹ nào dành thời gian để hỏi cặn kẽ bệnh nhân có những biểu hiện gì hoặc khám xét ra sao, câu đầu tiên là thấy thế nào rồi: Cô (hay chú, bác, dì…) đi làm các xét nghiệm A, B, C… Hễ khám là phải xét nghiệm, xét nghiệm ở bệnh viện thì đôi khi cả ngày may ra mới có kết quả, đó là chưa tính đến chuyện phải chen, phải lấn. Có lẽ nắm bắt được tâm lý đó của người bệnh, nên không bác sỹ khám bệnh nào trong bệnh viện không có trong tay một đến 2 địa chỉ xét nghiệm. “Làm ở bệnh viện cũng được nhưng lâu đấy. Hay tôi cho giấy giới thiệu đến địa chỉ A, địa chỉ B làm xét nghiệm nhé. Xong quay về đây tôi cho thuốc”.


Móc ngoặc!

Có bệnh thì khám, từ xưa đến nay ai cũng biết vậy. Mà đến khám thì tin tưởng: Thôi thì trăm sự nhờ bác sỹ. Chính thế bác sỹ bảo gì làm đấy.

Trong vai một người đi khám bệnh, tôi đến một phòng khám chất lượng cao ở phố Điện Biên Phủ, Hà Nội. Mới nghe trình bày đôi ba câu, bà bác sỹ tuổi trung niên đã yêu cầu: “Cháu đi xét nghiệm máu, rồi qua phòng làm điện tâm đồ, điện não đồ luôn cho bác”. Vậy cháu bị bệnh gì? “Mang kết quả xét nghiệm về mới biết được nguyên nhân chứ!”. Xong bà nhanh chóng gọi người bệnh kế tiếp. Cái việc khám là phải xét nghiệm như một chuyện đương nhiên. Thế mới có chuyện có người làm đủ các xét nghiệm nào thì thử máu, điện não đồ, điện tâm đồ… số tiền tiêu tốn đến hàng triệu bạc cuối cùng kết luận: Mệt mỏi do suy nhược cơ thể. Cần tĩnh dưỡng. Một loạt các xét nghiệm đôi khi chẳng đâu vào đâu cầm về để chứng minh rằng cơ thể vẫn khoẻ mạnh, bình thường. Người bệnh an ủi nhau: Thôi thì cứ làm cho an tâm. Nhưng bất kỳ ai cũng lăn tăn, tiêng tiếc số tiền vừa bỏ ra!

Nhưng đó chưa phải là điều đáng nói. Bệnh viện đông là chuyện thường ngày ở huyện, xong cũng không phải đó là cái lý do để bác sỹ mắt trước mắt sau đưa giấy để bệnh nhân đến phòng khám này, phòng khám kia làm xét nghiệm cho nó nhanh! Chẳng vậy mà khi nghi ngờ bị dạ dày, chị Thuỷ, ở Đông Ngạc, Từ Liêm-HN, cầm bảo hiểm y tế đến phòng khám ở Bệnh viện Xanh pôn. Bác sỹ khám hôm đó chỉ tuyên bố một câu xanh rờn: “Qua số… Đội Cấn nội soi dạ dày rồi quay về tôi cho thuốc”. Vậy sao không phải là làm ở bệnh viện? “À, thế thì chị cố chờ để làm ở bệnh viện nhé. Nếu chờ đến mai mới có xét nghiệm thì đừng kêu tôi không nói trước”. Anh Bá, ở Giảng Võ, Hà Nội bực bội: “Hai vợ chồng hiếm muộn, nghĩ mãi cũng đành đến phòng khám hiếm muộn của bệnh viện Phụ sản TW để khám. Siêu âm một hồi, bác sỹ khám hôm ấy tên H. bảo: Anh phải làm tinh dịch đồ. Anh có thể làm ở bệnh viện, nhưng hơi lâu đấy. Tốt nhất là anh nên ra ngoài số… Triệu Quốc Đạt làm cho nhanh. Xong mang kết quả lại đây tôi sẽ kê đơn thuốc cho”. Nhưng khi ra đến địa chỉ mà bác sỹ H. cho thì: “Ra đến nơi đã thấy ông ấy lù lù đứng đó. Hoá ra đó là phòng khám riêng của ông ấy!”- anh Bá nói.

Loạn xét nghiệm

Những tưởng xét nghiệm ở đâu thì cũng là xét nghiệm, kết quả xét nghiệm có thể dùng chung? Chị Huyền, Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội vừa bước ra khỏi phòng chụp X quang của phòng khám chẩn đoán hình ảnh ở 26A Lương Ngọc Quyến cho biết: “Đây là lần thứ 2 mình đi chụp X quang tử cung, vòi trứng. Thì có bệnh nên ai mách chỗ nào chữa hay cũng mò đến. Nhưng khổ nỗi, không nơi nào chấp nhận bệnh án của nơi nào. Mỗi lần đến là một lần bắt đầu lại từ đầu. Từ những cái nhỏ nhất”. Còn như chị Bích, Hưng Yên thì bức xúc: “Em đi khám ở một phòng khám dưới Hào Nam, không đạt kết quả. Nghe lời mọi người mách em lên đây. Lên đến nơi, mới lơ ngơ đưa các kết quả xét nghiệm mà dưới kia bắt đi làm họ đã mắng cho té tát. Chẳng biết họ có chấp nhận không, nhưng thấy họ chê lấy chê để là dưới ấy làm không đúng quy cách. Không biết ở đây có tốt hơn không”. “Ôi trời, như các chị còn đỡ”- chị Thanh, Gia Lâm góp chuyện – “2 lần em đổi phòng khám là 2 lần em phải đi chụp tử cung, vòi trứng. Một lần ở phòng khám dưới Tôn Đức Thắng, một lần ở Lương Ngọc Quyến. Mà mỗi chỗ cho một kết quả. Ở dưới Tôn Đức Thắng thì nói hai vòi trứng thông, còn ở Lương Ngọc Quyến thì kết quả là tắc. Đó là chưa kể chuyện siêu âm như cơm bữa. Chỗ nào cũng siêu âm, cũng xét nghiệm. Chẳng biết đâu mà lần…”.

TS Hoàng Thu Hà - Trưởng khoa Hoá sinh - BV Xanh Pôn: “Xét nghiệm luôn có ích trong chẩn đoán bệnh nhưng không thể thay thế được các kinh nghiệm lâm sàng. Nhiều người cho rằng không cần kinh nghiệm mà chỉ cần dựa trên các kết quả XN để chẩn đoán bệnh. Đó là sai lầm nghiêm trọng, trái với đạo đức nghề nghiệp. Một người bị bệnh đến khám, BS cần phải khám, hỏi han tình trạng sức khoẻ của người bệnh để chẩn đoán ra bệnh, nếu chưa biết là bệnh gì cứ cho bệnh nhân làm tràn lan các loại XN rồi chẩn đoán bệnh sau thì đó là một BS kém”.

TS Hoàng Văn Sơn - Trưởng khoa XN y học - BVĐK Tràng An, Hà Nội: “Việc dựa quá nhiều vào XN cũng có những nguy hại, bởi XN có thể sai. Sai có thể do bệnh nhân không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trước khi XN như: Nhịn ăn, uống nhiều nước... Máy móc XN phải có chế độ kiểm tra hàng ngày, hoá chất phải kiểm tra hạn sử dụng, thử test xem độ chính xác đến đâu. Nếu không thực hiện đúng dẫn tới kết quả sai lệch thì việc chẩn đoán cũng sẽ sai”.

NGỌC DUNG