SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Lớp trẻ đang ở đâu?
Hà Văn Thịnh
Mới đây, trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh với hơn 700 bạn trẻ đại diện cho các tầng lớp, ngành nghề, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Minh Triết đặt câu hỏi: Chúng ta (những người trẻ tuổi) đang ở đâu, và làm gì để tham gia hội nhập, phát triển?
Quan tâm đến lớp trẻ luôn là chuyện lớn của mọi thời đại, mọi thể chế chính trị. Câu hỏi của Bí thư Thành uỷ TP.Hồ Chí Minh cũng chính là lời khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng của tuổi trẻ trong thời đại ngày nay.
Trước khi hy vọng lớp trẻ làm hết sức mình cho quê hương đất nước phải thực sự đặt vào họ một niềm tin, một sự tôn trọng - một đòi hỏi nghiêm túc về năng lực đáng tin cậy. Có thể ví người lãnh đạo như là một đầu tàu mà thanh niên vừa là những toa tàu lại vừa là con đường ở phía dưới, nâng đỡ cả đoàn tàu. Thói quen thiên lệch quá mức đến cực đoan là trọng lão lên làng, coi thường lớp trẻ được dung dưỡng từ lâu đời không dễ thay đổi. Về hình thức, ai cũng nói lớp trẻ ngày nay khá hơn nhưng trên thực tế thật hiếm có những trọng trách, những vị trí cần thiết có sự hiện diện của tuổi trẻ. Ngay ở trường đại học, chuyện sinh viên "cãi" thầy là chuyện ít như sao buổi sớm. Thầy có nghe không lại là chuyện hoàn toàn khác nữa.
Thay đổi nhận thức về lớp trẻ hôm nay là việc đáng và nhất thiết phải làm. Sự kế thừa, sự truyền nối và sự phối hợp già - trẻ là nhất thiết phải có. Nhưng rõ ràng lớp trẻ có ưu thế vượt trội về chỉ số phát triển thông minh di truyền; họ có lòng dũng cảm và khả năng đương đầu với những thách thức, họ có nhiều kiến thức hơn, sự năng động và nhiệt tình cũng lớn hơn. Đặc biệt, lớp trẻ hầu như có ít điều để mất, còn lớp "cao niên" một chút có quá nhiều những hệ lụy, toan tính về chỗ ngồi, bổng lộc, quan hệ... Kinh nghiệm là điều tốt nhưng "kinh nghiệm chủ nghĩa" là không nên, không thể nào là điểm tựa tốt nhất cho làn sóng mới. Đất nước đang cần đổi mới, tại sao không giao những công việc ấy, ngày càng nhiều hơn cho những con người thật sự mới mẻ? Có khi nào chúng ta tin rằng, nỗi lo về thiếu kinh nghiệm của lớp trẻ sẽ dễ dàng được bù đắp bởi một những bậc đi trước có trọng trách trong vai trò giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ?
80% các chức vụ chủ chốt hiện nay thuộc về thế hệ U60 trong mọi ngành kinh tế là một con số đáng giật mình. Trong khi đó rõ ràng trí tuệ Việt trong những "vườn ươm" không hề thiếu. Một xã hội trẻ trung cần phải có trách nhiệm và đóng góp thực sự hữu ích của lớp người trẻ trung.
Hãy hạ độ tuổi lãnh đạo xuống một mức nữa, đó là một đề nghị. Cần phải trao và tin vào năng lực của lớp trẻ, đó là một yêu cầu của thời đại. Hãy cho thanh niên một "chỗ đứng", có như thế ta mới xác định được rõ họ đang ở đâu. Khi người chủ của đất nước thực sự làm chủ ngay trong hiện tại thì mới có thể đóng góp được nhiều cho tương lai. Chờ lớp trẻ ở tương lai có nghĩa là họ sẽ không còn trẻ nữa. Tương lai là gì nếu không phải được bắt đầu từ hôm nay? |