Quan chức xin lỗi
Các Website khác - 25/03/2006

Quan chức xin lỗi

Lê Thanh Phong

Thị trưởng Seoul - ông Lee Myung-bak - đã phải chính thức xin lỗi dân Hàn Quốc. Lý do là ông thường xuyên đi đánh quần vợt ở sân Mt.Nam mà không thanh toán lệ phí. Ông thị trưởng đánh tổng cộng 51 lần, nhưng không phải trả tiền vì người ta mời ông chơi. Về sau bị báo chí chỉ trích, ông đã trả tiền. Nhưng việc trả tiền vẫn chưa đủ, ông thị trưởng phải xin lỗi nhân dân về việc làm không thẳng thớm đó. Ông cũng tự nhận ông có lỗi vì đã quên rằng mình là một người làm việc cho chính phủ, phải biết từ chối những lời mời để giữ gìn tư cách của người làm việc công.

Xin được tỏ thái độ ngưỡng mộ ông Thị trưởng Seoul, bởi ông thể hiện nhân cách trước hết là của một con người, biết nhận lỗi và sẵn sàng xin lỗi. Sau nữa, ông tự ý thức mình là người làm việc công, sao lại không cẩn trọng trong ứng xử, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ.

Đó là chuyện ở nước Hàn. Ơ VN thì sao? Quan chức đánh quần vợt không trả tiền sân như ông Thị trưởng Seoul, ở VN là chuyện đương nhiên. Mà không chỉ tiền sân quần vợt, họ được và đòi được miễn phí nhiều thứ lắm! Những người quen xài tiền "chùa" tất nhiên không bao giờ xài tiền túi. Kể cả khi bị khởi tố, tiền để chạy án cũng là tiền của Nhà nước nốt.

Cầu sập, tàu lật, không thấy vị quan chức nào của ngành GTVT đứng ra xin lỗi. Tai nạn giao thông nghiêm trọng mỗi năm trên chục ngàn người, không thấy ai xin lỗi dân,
không thấy ai từ chức. Tham nhũng trong việc cấp quota của ngành thương mại, đánh bạc hàng triệu đôla trong ngành giao thông cũng không thấy vị nào xin lỗi. Còn rất nhiều địa phương khác cũng không thấy có ông "thị trưởng" nào dũng cảm đứng ra xin lỗi dân, mặc dù làm hỏng việc công. Như vụ xây dựng công trình cầu đường ở một thành phố lớn nhất nước, hết sụt hầm đến thủng mặt đường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và thiệt hại ngân sách quốc gia, cũng không thấy ông nào đứng ra xin lỗi. Hoá ra ở nước mình, cần quan chức làm sai có một lời xin lỗi khó lắm thay.

Từ chuyện ông thị trưởng xin lỗi, xin được tiếp thu bài học từ người dân Hàn Quốc. Trước hành vi thiếu minh bạch của một quan chức chính quyền, người dân thông qua báo chí và nhiều hình thức khác đã chỉ trích, phê phán, đấu tranh để buộc đối tượng phải nhận lỗi. Ở một đất nước mà công dân biết khai thác và được thể hiện tối đa cái quyền làm dân của mình như vậy, thì những vị "quan hư" sẽ ít đi rất nhiều.