Ông Trần Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM đã thừa nhận như vậy tại hội nghị về quy hoạch thành phố diễn ra ngày 24/3. Ông này lý giải, người ít, việc nhiều nên ngành đã không theo kịp tốc độ phát triển xây dựng khiến thành phố đang là công trình ngổn ngang.
Ông Dũng cho rằng, với các quy định về quy trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đối với các công trình mà Bộ Xây dựng và UBND TP HCM ban hành như hiện nay, nếu không phân cấp cho các quận huyện lập quy hoạch chi tiết 1/500 và 1/2000 thì Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) không thể kham nổi những công việc được giao. Bên cạnh đó, việc chưa có quy hoạch chung về giao thông cũng khiến việc lập quy hoạch chi tiết thành phố gặp nhiều khó khăn.
![]() |
Công tác quy hoạch chưa theo kịp tốc độ phát triển xây dựng nên TP HCM ngày càng mọc lên nhiều nhà cao tầng đứng độc lập như thế này. Ảnh: Việt Hùng |
Cũng theo ông Dũng, lực lượng cán bộ, kiến trúc sư của sở hiện có vẫn không đủ để phê duyệt, đề nghị xem xét quy hoạch xây dựng của các dự án và... đi họp. "Nếu không phân cấp cho các quận huyện và với đội ngũ chuyên viên hiện nay của Sở QHKT, chúng tôi phải cần đến… 250 năm để lập quy hoạch chi tiết 1/500 và quy hoạch chi tiết 1/2000; Cần tới 22 năm để thẩm định và phải mất 22 năm nữa để phê duyệt các quy hoạch này" - ông Dũng nói
Ngay trong báo cáo của Sở QHKT về việc thực hiện phân cấp cho các quận huyện có nêu rõ: đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được quận, huyện phê duyệt đến thời điểm này mới đạt diện tích trên 2.580 ha, chỉ chiếm khoảng 27% so với tổng diện tích 9.468 ha đã được Sở QHKT thẩm định.
Liên quan đến việc này, hầu hết các quận, huyện đều cho rằng thực tế việc lập quy hoạch 1/2000 đang gặp nhiều khó khăn do không đủ năng lực nhất là về con người.
Chủ tịch UBND quận 9, ông Lê Trọng Sang than thở, trong năm 2005, UBND quận đã đưa ra 8 đồ án quy hoạch chi tiết nhưng đến thời điểm này vẫn chỉ dừng lại ở việc lập và khảo sát mà không phê duyệt được một đồ án quy hoạch nào. Tuy nhiên, Sở QHKT vẫn cho rằng, dù công tác phê duyệt quy hoạch ở 24 quận, huyện còn chậm nhưng vẫn phải làm. "Việc ủy quyền, phân cấp tạo điều kiện cho các quận huyện chủ động trong việc triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch theo thực tế được tốt hơn" - ông Trần Chí Dũng khẳng định.
Một trong những vấn đề mà các nhà làm quy hoạch ở TP HCM đặt ra là việc xóa dần quy hoạch tạm, lập quy hoạch chi tiết và ổn định kiến trúc. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua khẳng định: Không thể để tồn tại tình trạng “quy hoạch tạm” mà phải tổ chức việc thực hiện quy hoạch thật cụ thể. Quy hoạch “treo” là do quy hoạch thiếu tính khả thi, thực hiện xóa “treo” tức là xóa quy hoạch thiếu khả thi chứ quy hoạch là vấn đề lâu dài, là phải… “treo”.
Theo ông Đua, Sở QHKT phải tiến tới việc buộc các chủ dự án xây dựng nhà ở và người dân thành phố thực hiện đúng các chỉ tiêu về quy hoạch kiến trúc đã đề ra. "Sắp tới, người dân khi xây dựng một ngôi nhà hoàn chỉnh sẽ phải tuân thủ đúng theo quy hoạch đã được duyệt. Không có chuyện các gia đình mạnh ai nấy làm như hiện nay nữa" - ông Đua nói.
Việt Hùng
▪ Quan chức xin lỗi (25/03/2006)
▪ Cần tiêu chí chuẩn cho các trường quốc tế (25/03/2006)
▪ Bắt đầu sửa tường chắn cầu Văn Thánh 2 (25/03/2006)
▪ Thông qua danh sách nhân sự ứng cử trung ương khóa X (25/03/2006)
▪ Phạt xe quá tải, doanh nghiệp vận tải cầm chắc 'chết' (25/03/2006)
▪ Vỡ hàm nhưng bị mổ cánh tay (25/03/2006)
▪ Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Nội đón nhận huân chương Lao động hạng Nhất (24/03/2006)
▪ Chàng sinh viên và tủ sách gia đình năm thế hệ (24/03/2006)
▪ Đã có bộ kit thử hóa chất độc hại trong thực phẩm (24/03/2006)
▪ Nhập lậu gia cầm trên tuyến biên giới Lào Cai có chiều hướng phức tạp (24/03/2006)