Lương tối thiểu không thể là mức lương chính
Các Website khác - 06/01/2006
Theo Vụ trưởng Vụ tiền lương - tiền công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Minh Huân, nhiều doanh nghiệp FDI đã sử dụng mức lương tối thiểu như mức lương chính thanh toán cho người lao động và kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ... nên đã gây ra bức xúc cho người lao động.
Hàng nghìn lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đình công với mục đích chính là đòi tăng lương. Song Vụ trưởng Vụ tiền lương - tiền công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Minh Huân trong cuộc trao đổi khẳng định: nếu các doanh nghiệp áp dụng đúng các chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi người lao động thì chắc chắn không xảy ra phản ứng đình công dây chuyền như những ngày vừa qua.

Lương tối thiểu sẽ là bao nhiêu?

Theo ông Phạm Minh Huân, ngày 4-11-2005, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã có tờ trình cho Chính phủ và dự thảo Nghị định về mức lương tối thiểu áp dụng trong khu vực doanh nghiệp FDI với hai phương án.

Phương án 1, với mức 870.000 đồng/tháng áp dụng đối với các DN FDI đóng trên địa bàn các quận của Hà Nội và các quận của TP Hồ Chí Minh; mức 790.000 đồng/tháng, áp dụng trên địa bàn các huyện của Hà Nội và các huyện của TP Hồ Chí Minh, các quận của Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, Biên Hòa và Vũng Tàu, Cần Thơ và tỉnh Bình Dương; mức 710.000 đồng/tháng, áp dụng trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn lại.

Phương án 2: Điều chỉnh mức lương tối thiểu ứng với mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt (27 - 28%). Như vậy sẽ có ba mức, ứng với ba vùng: 790.000 đồng/tháng; 710.000 đồng/tháng; 630.000 đồng/tháng.

Ông Phạm Minh Huân cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các bộ, ngành của Việt Nam đều thống nhất là phải điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu cho khu vực này nhưng sự lựa chọn phương án khác nhau: các bộ, ngành nghiêng về phương án 1 trong khi các nhà đầu tư kiến nghị chọn phương án 2.

Ngày 31-12, Bộ LĐ - TB - XH đã hoàn chỉnh tờ trình và dự thảo Nghị định trình Chính phủ. Bây giờ, mức lương cụ thể, thời điểm thực hiện sẽ do Chính phủ quyết định.

Chậm điều chỉnh lương tối thiểu, tại sao?

"Chỉ số giá tiêu dùng năm 2004 tăng 17,2% so với năm 1999 nhưng sở dĩ chúng ta chưa thể điều chỉnh tăng lương khu vực FDI ngay từ năm 2004 là vì lúc đó lương tối thiểu khu vực trong nước chỉ ở mức 290.000 đồng/tháng. Nếu tăng quá cao ở khu vực FDI thì chúng ta có nguy cơ không thể thực hiện được lộ trình đã cam kết năm 2008 áp dụng một mức lương tối thiểu chung cho cả khu vực trong và ngoài nước", ông Phạm Minh Huân lý giải.

Trả lời câu hỏi về việc ngay cả khi Chính phủ chấp nhận điều chỉnh lương tối thiểu khu vực này ở phương án 1 (phương án cao) thì lương tối thiểu của Việt Nam vẫn vào loại thấp nhất khu vực (Campuchia 45 USD/tháng, Thái- Lan và Philippines từ 70 - 100 USD, Trung Quốc 63 - 70 USD). Ông Huân cho biết, mức lương này được xây dựng căn cứ trên nguyên tắc đảm bảo đời sống của người lao động và giữ ổn định, đảm bảo tính cạnh tranh của môi trường đầu tư.

"Để xảy ra việc đình công như vừa qua là rất đáng tiếc. Nó có nguyên nhân của việc chậm điều chỉnh lương tối thiểu nhưng cái chính là việc các chủ sử dụng lao động trong những trường hợp này đã không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật trong việc bảo đảm quyền lợi người lao động", ông Phạm Minh Huân quả quyết.

Theo ông Huân, ngay từ năm 1999, Quyết định 53 cũng nói rõ, lương tối thiểu chỉ là mức sàn mà chủ sử dụng và người lao động (có thể do tổ chức công đoàn đại điện) thỏa thuận mức lương nhưng không được phép thấp hơn. Căn cứ trên mức sàn này, chủ sử dụng lao động phải xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, lương làm thêm giờ... để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ông Huân nhận xét: "Bên cạnh những doanh nghiệp chú ý đến quyền lợi người lao động, rất nhiều doanh nghiệp FDI đã sử dụng mức lương tối thiểu như mức lương chính thanh toán cho người lao động và kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động giản đơn như dệt may, da giày, chế biến gỗ... nên đã gây ra bức xúc cho người lao động".

Theo Thanh niên