Mô hình nào cho quản lý thuốc và thực phẩm?
Các Website khác - 28/11/2005
Giá thuốc ở Việt Nam cao bất thường là chuyện bức xúc trong nhiều năm qua. Chất lượng thực phẩm tiềm ẩn các nguy cơ ngộ độc cấp tính. Vậy làm thế nào để quản lý hai mặt hàng trên.
Thế giới có hai loại hình quản lý nhà nước về chất lượng thuốc và vài loại hình quản lý thực phẩm. Ðối với thuốc có mô hình quản lý riêng (DA - Drug Administration) và mô hình quản lý chung cả thuốc và thực phẩm FDA - Food and Drug Administration). Mô hình nào sẽ thích hợp cho Việt Nam?

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân từ cơ chế và chính sách vĩ mô có vai trò quyết định. Nhưng các bộ, ngành vẫn chưa thoát hẳn phương pháp quản lý theo tư tưởng kế hoạch tập trung bao cấp. Thuốc thì chỉ riêng Bộ Y tế quản lý cả phân phối lưu thông (sản xuất và nhập khẩu), giá cả và chất lượng sản phẩm. Nhưng, chất lượng thực phẩm thì mỗi bộ, ngành quản lý một phần chất lượng sản phẩm hoặc một vài đoạn của chu trình thực phẩm từ "trang trại đến bàn ăn". Về nguyên lý, giá cả thị trường lên, xuống theo quy luật cung - cầu. Cơ chế quản lý càng chặt, thì "cung" càng nhỏ, giá càng cao và nếu lực lượng kiểm soát, quản lý mỏng thì chất lượng sản phẩm bị thả nổi, không kiểm soát được. Nói về "cầu" thuốc, thì chỉ một phần dân số cần đến khi đau, yếu hoặc mắc bệnh, còn thực phẩm cần hằng ngày mấy bữa cho toàn dân.

Chúng ta đã có bài học từ việc hợp tác xã hóa nông nghiệp quá sớm, khi lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất không tương xứng, đồng thời năng lực quản lý còn yếu kém. Bài toán về an ninh lương thực chỉ được giải khi đất được giao về cho nông dân. Chỉ sau hai năm, giá cả thực phẩm hạ xuống và Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo, được coi như một hiện tượng đáng chú ý về kinh tế. Tuy chưa hết nghèo, nhưng hết đói đã làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào sự đổi mới tư duy của Ðảng và Nhà nước. Cũng tương tự như vậy, tình trạng số đông dược sĩ và công ty dược chỉ lo đi buôn thuốc, bán thuốc sẽ giảm và sản xuất thuốc sẽ tăng lên nếu cơ chế quản lý thuốc thông thoáng hơn, xóa bỏ được tình trạng độc quyền kinh doanh những loại thuốc có chung bản chất, công dụng. Chỉ có thể chấp nhận độc quyền thương hiệu khi mà chính nhà sản xuất tự tạo ra thế độc quyền đó. Quản lý nhà nước không nên và không được phép tạo ra cảnh "ngăn sông, cấm chợ" đối với thuốc như đã từng xảy ra trước đây, thời bao cấp, đối với lương thực. Nhà nước chỉ nên tập trung vào quản lý chất lượng sản phẩm và điều kiện tạo ra, duy trì chất lượng, tức là quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Việc cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh phải căn cứ vào năng lực, điều kiện của đối tượng tham gia kinh doanh. Nếu việc căn cứ này đúng thì tự vấn đề chất lượng thuốc sẽ đúng và hiện tượng các nhà sản xuất không đủ năng lực, điều kiện cứ sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng sẽ bị hạn chế đáng kể. Còn việc mua bán nguyên liệu, vật tư và thuốc thành phẩm không nên hạn chế về số lượng. Tự cơ chế thị trường sẽ tự điều chỉnh theo "cung - cầu" và giá sẽ lên xuống tự nhiên theo quy luật thị trường. Lúc đó, Nhà nước chỉ cần tập trung vào giám sát chất lượng sản phẩm cuối cùng để lưu hành và đang lưu hành, chứ không phải là tập trung vào việc "phân phối" giấy phép lưu hành thuốc. Trong khi đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành về dược bị bất cập vì lực lượng quá mỏng và khâu kiểm tra thuốc nhập khẩu chỉ thực hiện khi thuốc đã lưu hành. Ta vẫn thấy nhiều lô thuốc không đạt chất lượng bị buộc phải thu hồi. Vấn đề nảy sinh là bao nhiêu người bị rủi ro hoặc nhờn thuốc vì đã dùng thuốc không bảo đảm chất lượng, đáng bị thu hồi ấy? Tại sao việc kiểm tra, kiểm nghiệm và xác nhận chất lượng từng lô hàng không được triển khai trước khi lưu thông trên thị trường? Các công ty sản xuất thuốc phải tập trung vào nghiên cứu, sản xuất và bám sát nhu cầu thị trường. Nhiệm vụ chủ yếu của các dược sĩ là nghiên cứu, sản xuất thuốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm chứ không phải là bán thuốc. Các bệnh viện cũng phải có quyền nhập khẩu thuốc theo nhu cầu mà không phải quá lệ thuộc vào các công ty cung ứng thuốc, thậm chí... "chém đẹp". Các bác sĩ mở phòng mạch cũng phải có quyền tham gia khâu trực tiếp bán thuốc cho người bệnh mà không cần phải qua một hiệu thuốc của dược sĩ hay dược tá nào đó. Cơ chế này sẽ tạo ra khả năng giảm thiểu tình trạng thiếu dược sĩ, dược tá bán thuốc ở vùng sâu, vùng xa. Tại các vùng này, có nơi ngành y tế đi tìm người có trình độ tới lớp 3, đủ đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông để đào tạo thành dược tá mà không ra. Trong khi đó, các bác sĩ, y sĩ ở đâu cũng có và họ đều được đào tạo qua môn dược học với tổng thời gian hơn nhiều so với dược tá, lại không có quyền phân phối thuốc. Những chính sách, cơ chế như trên được mở ra nhất định sẽ tạo được một thị trường thuốc ổn định, chất lượng và giá cả phù hợp!?

Nếu xét quản lý nhà nước theo mô hình FDA, việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ còn bế tắc hơn. Thuốc hoàn toàn do ngành y tế quản lý, cả khâu cung ứng thuốc, quá trình sản xuất thuốc ở trong nước và chất lượng thuốc nhập khẩu, tức là từ A đến Z, mà còn chưa đi đến đâu. Còn đối với thực phẩm, quản lý còn khó hơn nhiều. Hiện nay, Bộ Thương mại và Bộ Khoa học Công nghệ cùng quản lý chất lượng hàng hóa; Bộ Y tế quản lý điều kiện vệ sinh thực phẩm tại cơ sở sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chất lượng và vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm thô trong suốt công đoạn trồng trọt, chăn nuôi và kiểm dịch; Bộ Thủy sản quản lý từ A đến Z về chất lượng và vệ sinh của mọi loại hình kinh doanh và sản phẩm thủy sản. Chỗ không đáng chồng chéo vẫn tiếp tục chồng chéo, chỗ đáng thì vẫn cứ bị thả nổi. Nhiều loại thực phẩm đã qua chế biến công nghiệp như đồ hộp, về nguyên tắc không thể kiểm dịch được, vẫn bị kiểm dịch nhân danh quản lý vệ sinh thú y. Lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm (bao gồm cả chất lượng, vệ sinh và ghi nhãn hàng hóa) có ở tất cả các ngành nhưng vẫn không kiểm soát được. Trong khi lực lượng quản lý nhà nước và tham gia quản lý nhà nước đối với chất lượng thuốc chỉ có tới tuyến tỉnh thì quản lý an toàn thực phẩm đòi hỏi lực lượng này phải phủ tới xã, phường, thậm chí tới tổ, thôn, bản, ngõ phố. Mặt khác, việc ghép quản lý thuốc và thực phẩm vào một cơ quan chỉ có ý nghĩa giảm đầu mối lãnh đạo cấp trưởng của cơ quan quản lý. Mọi chính sách, luật lệ và chuyên gia vẫn phải riêng theo chuyên ngành thuốc hoặc thực phẩm. Trong mấy năm gần đây, việc tách bạch các khâu sản xuất ban đầu và khâu chế biến thực phẩm bao gói sẵn, cũng như tách khâu kiểm nghiệm với quản lý nhà nước (kiểm soát chất lượng sản phẩm) đối với sản phẩm, đang là xu hướng được các nước làm rõ và có nơi còn thành lập cơ quan độc lập quản lý an toàn thực phẩm, trực thuộc tổng thống hoặc chính phủ để giải quyết các chồng chéo trong quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ phiền hà, ách tắc cho các doanh nghiệp, như ở Việt Nam hiện nay. In-đô-nê-xi-a, trước đây cũng đã từng theo mô hình quản lý FDA, nhưng từ năm 2003, một ủy ban quản lý thực phẩm trực thuộc tổng thống đã được thiết lập để giải quyết các ách tắc, chồng chéo trong quản lý vĩ mô giữa các bộ ngành và giảm thiểu các khó khăn, phiền hà cho các doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, mô hình quản lý nào cũng phải tính đến các yếu tố thực tiễn của mỗi nước, năng lực thực tại của các cơ quan quản lý và tính hiệu quả, khả thi của mô hình ấy. Thực trạng hiện nay cho thấy, mô hình quản lý thuốc cần được tư duy theo hướng cải cách thông thoáng và mô hình quản lý thực phẩm cần có sự phân công rõ ràng, nhất quán của chính phủ để vừa bảo đảm tính hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, vừa tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển và an toàn sức khỏe của người tiêu dùng được bảo đảm!?

VƯƠNG HẢI NAM