Một người Mỹ mê thuyền Việt
Các Website khác - 01/10/2005
Người Mỹ xem ghe nôốc VN
tại hội thuyền
John Doney là người lập ra Quỹ Thuyền gỗ Việt Nam với mong muốn tái hiện các loại thuyền gỗ, thuyền buồm Việt Nam đang dần dần biến mất trong thời đại cơ khí hóa.
Ông là sĩ quan hải quân Mỹ từng hoạt động dọc bờ biển Đông từ năm 1966-1968. Hiện nay ông là chủ tịch Qũy Thuyền gỗ Việt Nam tại Seattle (Mỹ), vừa đem thuyền Việt Nam ra tham dự Hội thuyền gỗ Port Townsend, một trong những hội thuyền gỗ lớn nhất nước Mỹ.

Nhìn vào bờ biển Việt Nam từ trên tàu chiến Mỹ, người sĩ quan hải quân đó nhìn thấy những chiếc thuyền buồm, thuyền gỗ tuyệt đẹp. "Chúng cứ như từ trong tranh bước ra vậy" - Doney nhớ lại.

Năm 1999, John Doney quay lại Việt Nam để phục vụ chương trình trợ giúp trẻ em khuyết tật Kid First Vietnam ở Đông Hà, Quảng Trị. Ông ngạc nhiên nhận thấy những chiếc thuyền buồm đẹp như tranh hầu như đã biến mất, thay vào đó là các thuyền chạy máy. Từ đó đến nay năm nào ông cũng quay lại Việt Nam với chương trình trên, quyết làm một điều gì đó để "giữ lại lịch sử thuyền buồm Việt Nam trước khi nó mất đi với thời gian".

Với một số tiền đóng góp từ bạn bè, John Doney lặn lội vào các làng chài tìm nghệ nhân đóng lại cho ông các loại thuyền Việt Nam để đem về Mỹ trưng bày. "Việt Nam có nhiều kiểu thuyền gỗ và buồm đáng chú ý, với nhiều khía cạnh độc đáo trên thế giới. Nay khi thuyền chài được gắn máy, lịch sử ấy có thể bị mất đi vĩnh viễn" - Doney viết. "Tôi muốn có thêm thông tin, ghi lại các mẫu này cho người Việt Nam và thế giới đọc và biết đến".

Ông thành lập Quỹ Thuyền gỗ Việt Nam và lần đầu tiên đem các thuyền Việt Nam ra dự Hội thuyền gỗ Port Townsend lần 29 tổ chức tại Seattle cách nay hai tuần, diễn ra trong ba ngày với gần 30.000 khách tham quan từ các vùng nước Mỹ và cả nước ngoài.


John Doney cùng vợ, Donna,
tại Hội thuyền Port Townsend

"Tôi nhờ người ở Đông Hà đóng một chiếc ghe nôốc và gửi về Mỹ. Đây là một trong những loại thuyền ghép ván hiếm nhất trên thế giới, và tôi tin kiểu thuyền ở Huế là tốt nhất trên thế giới" - John Doney tâm sự. "Chúng ta phải có thêm nhiều thuyền loại này trước khi những người đóng thuyền ra đi cùng với bí quyết nghề của họ". John Doney cho biết ở Hội thuyền Port Townsend hễ ai nhìn thấy chiếc ghe nôốc và thuyền thúng đều trầm trồ thán phục sự khéo léo và tính sáng tạo của người đóng thuyền.

Thế nhưng John Doney còn có những dự định lớn hơn. "Tôi muốn có một chiếc ghe nan ở khu vực Đà Nẵng, được coi là loại thuyền buồm nhanh nhất ở Việt Nam. Tôi muốn tìm được cuốn sách tiếng Pháp Voiliers d'Indochine viết về các loại thuyền Việt Nam của tác giả J B Pietri, dịch sang tiếng Anh và tiếng Việt để chia sẻ thông tin" - Doney viết qua email. "Tôi chắc rằng ở Việt Nam còn có nhiều tài liệu có thể bổ sung các thông tin quan trọng, và chúng tôi cũng cần thêm vốn để tài trợ những ý định trên". Với Doney, những chiếc thuyền mang trên mình cả một giai đoạn lịch sử. Ông nói rằng nếu chưa có ai ghi lại giai đoạn lịch sử ấy, một chương trình phải được khởi động ngay để giữ lại những "huyền thoại đánh cá, biển cả, giữ lại các mẫu thuyền và cách đóng thuyền" ở các làng chài dọc bờ biển Việt Nam.

Để làm được việc mà ông coi là "gìn giữ lịch sử thuyền chài Việt", John Doney, 62 tuổi, được sự ủng hộ nhiệt thành của vợ mình, của bạn bè tại Mỹ, của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam như Kid First Vietnam, Peace Treo Vietnam và Clear Path International. Ông bảo những dân chài Việt Nam phải được một chỗ trong ý thức công chúng như những chàng cao bồi Viễn Tây Mỹ, vì họ là một phần của lịch sử đánh cá, chống hải tặc và ngoại xâm, và "lại còn đóng ra bao nhiêu kiểu thuyền đẹp". "Tất nhiên tôi cũng thích thuyền của nhiều nước khác - Doney nói - Nhưng trong cuộc đời mình, tôi chỉ có đủ thời gian để tập trung vào một nước, và tôi tin thuyền gỗ của Việt Nam là những chiếc thuyền quan trọng nhất phải được gìn giữ trước khi quá muộn".

Theo Tuổi trẻ