Tránh tình trạng "tự xé"
Các Website khác - 01/10/2005

Tránh tình trạng "tự xé"
Lê Thanh Phong

Tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hôm 28.9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An phát biểu một câu rất hình ảnh và đầy ấn tượng: "Luật cần quy định như thế nào cho khả thi, nếu không, chúng ta đã "tự xé" nó ngay khi ban hành".

Luật không khả thi, như câu nói trên có nghĩa là nó không đi vào cuộc sống. Có thể hiểu sâu sắc hơn rằng, ngoài những quy phạm bằng văn bản, luật có mặt thứ hai của nó là cuộc sống. Đó là khuôn mặt sinh động, đầy sức sống, chỉ khi nó được đời sống tiếp nhận, khi được các chủ thể xã hội vận hành và ứng xử một cách tôn trọng.

Ngược lại, luật sẽ bị khước từ, bị bất chấp, bị vượt rào, hoặc bị vi phạm bởi các chủ thể không chấp nhận được các khuôn chế bất hợp lý của nó. Chúng ta đã có nhiều đạo luật, nhiều quy định đã "có vấn đề" sau khi ban hành một thời gian ngắn, bởi vì nó xa lạ với cuộc sống.

Ví dụ như Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 181, sau khi ban hành, thị trường nhà đất đóng băng, các doanh nghiệp bế tắc bởi chính quan điểm không cho nhà đất là tài sản đặc biệt. Và rõ ràng khi chính sách pháp luật không phù hợp, thì Nhà nước bị thất thu rất lớn từ hoạt động của thị trường tiềm năng này.

Rồi cũng với quan hệ đó, các văn bản pháp luật và quy định biến đủ thứ màu giấy, xanh có, hồng có, đỏ có, tách ra rồi gộp lại. Một vấn đề quan trọng khác, chúng ta có quá nhiều luật bổ sung, sửa đổi. Nhiều tên gọi của luật đã biến thành sửa đổi bổ sung, có luật chỉ vận hành vài năm đã phải sửa lại. Một trong những đặc tính căn bản nhất của luật là phải có tính điều chỉnh lâu dài và ổn định. Không đạt được như thế, chứng tỏ chất lượng làm luật còn thấp.

Các đạo luật phải "tự xé" đó có căn nguyên từ đâu vậy? Các nhà nghiên cứu đã từng đặt vấn đề chúng ta chưa chuẩn trong quy trình làm luật. Việc giao cho các bộ, ngành soạn thảo có thể đã tạo ra các quy định bảo vệ lợi ích cục bộ, đôi khi mâu thuẫn với Hiến pháp.

Một nguyên nhân khác là làm luật không thể tư duy theo kiểu "mặt trận", mà phải là những nhà khoa học, những chuyên gia nghiên cứu pháp luật. Đã có ý kiến cho rằng, nên đặt các cá nhân, tổ chức khoa học nghiên cứu, soạn thảo, đưa ra các sáng kiến luật pháp. Sản phẩm đó được thẩm định bởi một hội đồng cấp quốc gia, trước khi trình Quốc hội. Cách làm này tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền của, đồng thời chất lượng đảm bảo hơn, tính khả thi cao hơn.

Thử làm một phép tính: Một vị đại biểu Quốc hội một năm tham gia các cuộc họp Quốc hội, tiền đi lại, ăn ở, một nhiệm kỳ chi phí bao nhiêu? Số tiền đó không phải nhỏ. Dân trông cậy vào các vị đại biểu Quốc hội (người đại diện của dân) để sản xuất các sản phẩm luật pháp, chắc chắn dân không muốn nó bị "xé "ngay khi mới ban hành. Lãng phí lắm.