Cần gì phải xin phép ai(?!)
Tại huyện Phúc Thọ bây giờ, có tới 2 bến phà qua sông Hồng đi Hồng Châu, Yên Lạc, Vĩnh Yên, Tề Lỗ (Vĩnh Phúc). Cách bến cũ chừng vài trăm mét, ông Nguyễn Văn Chính (Phúc Thọ) vừa mở thêm bến khác, mới được một tháng nay. Khi hỏi tới giấy phép, ông Chính nói: “Cần gì phải xin phép ai, có tiền đóng phà thì tự mở mà chạy thôi. Trước tôi làm nghề chèo đò gần 30 năm, xảy ra sự cố gì đâu. Chẳng lẽ tôi không đủ kinh nghiệm sông nước mà hành nghề à?”. Chiếc phà thuộc dạng trung bình mang biển VP.0124 của ông mới đóng, ngày gần 20 chuyến qua lại trên đoạn sông này trong khi “vẫn chưa xin phép chính quyền địa phương”. Trên chiếc phà VP.0124 có gần 10 cái phao bơi, nhưng đã xuống cấp và “cất” cẩn thận trong khoang lái, ngoài ra không có bóng dáng một cái áo phao nào.

|
Phà VP.0463 chở khoảng 20 xe máy và hơn 40 người không có áo phao. (Ảnh: TG) |
Chúng tôi xuống bến phà Thọ An thuộc huyện Đan Phượng đi Châu Phan, Mê Linh. Chiếc phà VP.0463 chở hơn 40 người, khoảng 20 xe máy và hàng hoá, tròng trành vượt sông Hồng, hơn chục cái phao bơi cũ xếp gọn trong khoang. Tại bến này, có hai phà chạy chéo nhau, mỗi ngày 16 đến 18 chuyến. Có chuyến ít khách, có chuyến nhiều nhưng không chuyến nào hành khách được trang bị áo phao. Bác Nguyễn Thị Hồng, người Mê Linh cho biết, cả chủ phà và hành khách ở đây từ trước tới nay không có khái niệm mặc áo phao.
Đê Ngũ Hiệp đoạn thuộc xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì có 2 bến đi Mễ Sở, Hưng Yên, rồi bến Chèm ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm đi Vĩnh Phúc, hành khách qua sông cũng không được trang bị áo phao. Ở những bến này, nhiều lái phà không có giấy phép vẫn hành nghề... bình thường. Anh Nghiêm Minh Quy, một lái phà ở bến Ngang, Vạn Phúc nói rằng cũng có biết UBND TP Hà Nội quy định người điều khiển phương tiện phải đủ tiêu chuẩn chuyên môn mới được hành nghề nhưng vẫn chạy “chui”. Anh Quy nói: “Bây giờ học lái thì học ở đâu? Nghề này tôi theo cha mình. Với lại hầu như các bến nhỏ như thế này có ai có giấy phép đâu mà vẫn chạy bình thường”.
Đối phó
Bến phà Yên Thịnh, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây là một trong những bến có lưu lượng khách và hàng hóa lớn qua Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Tại đây, ngoài các bến cỡ trung bình ra còn có hàng chục các phà mini, đò. Mỗi ngày có không biết bao nhiêu chuyến qua lại trên sông nhưng không có một phà, đò nào thực hiện nghiêm túc quy định mặc áo phao cho hành khách như UBND TP Hà Nội đã quy định.
Chiếc phà mang biển số VT.0005H từ Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cập bến Yên Thịnh chở hàng hoá cồng kềnh, 2 chiếc xe tải và hàng chục khách quá quy định một cách ngang nhiên. Chiếc phà này được trang bị khoảng chục chiếc phao bơi cùng 50 chiếc áo phao, nhưng được xếp vào một chỗ. Khi hỏi thì chủ phà gãi đầu: “Chúng tôi đã trang bị đầy đủ áo phao và phao bơi như quy định, khi có sự cố... mới cho khách mặc. Tâm lý khách ai người ta muốn khoác nó vào làm gì! Phòng là phòng thế thôi chứ phà to thế này làm gì mà có sự cố được. Chính quyền địa phương dạo này làm chặt hơn, nhất là sau vụ ở sông Gianh, nên chúng tôi phải trang bị phao cho đúng quy định thôi”.
|
Phà VT.005H chở 2 xe tải, có áo phao nhưng xếp thành đống. (Ảnh: Q.T) |
Ngược thị xã Sơn Tây khoảng 20km, bến phà Trung Hà, Ba Vì đi Lâm Thao (Phú Thọ) là một trong những bến lớn. Tại đây, trên các phà lớn tuy đều trang bị đầy đủ các dụng cụ an toàn nhưng lại cũng không thực hiện đúng quy định. Các phà nhỏ không có áo phao, thậm chí không có cả phao bơi. Đó là chưa kể đến những con đò nhỏ vẫn trồi thụt giữa sông mà không hề mang theo một dụng cụ an toàn nào. Khi biết có cơ quan chức năng đi kiểm tra thì phà lớn cho khách mặc áo phao, còn đò nhỏ chạy mất tăm...
UBND thành phố đã có chỉ đạo đình chỉ những bến đò ngang, phương tiện chở khách trái phép không an toàn nhưng trên thực tế tại các bến phà, đò ngang tình trạng vi phạm quy định vẫn phổ biến. Nếu chính quyền địa phương không rà soát làm nghiêm thì hậu quả rất khó lường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của thành phố cũng cần quan tâm, chấn chỉnh việc kiểm tra, xử lý tại các địa phương. Nếu không, quy định trên chỉ nằm trên giấy và nó chỉ có ý nghĩa như một bức bình phong tránh tội khi xảy ra sự cố đau lòng mà thôi.
Nhằm tăng cường bảo đảm an toàn tại các bến khách, đò ngang và phương tiện giao thông đường thủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố và UBND các quận, huyện phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các bến khách, đò ngang, các phương tiện đường thủy lưu thông tại các sông, hồ trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chỉ những phương tiện giao thông đường thủy vận chuyển hành khách, hàng hóa đáp ứng đủ điều kiện an toàn kỹ thuật mới được hoạt động và người điều khiển phương tiện phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn chuyên môn mới được hành nghề. Phương tiện giao thông đường thủy chở khách không được chở quá số người quy định và phải trang bị đủ áo phao, phao bơi, hành khách phải mặc áo phao để bảo đảm an toàn. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực thuộc phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra trường hợp tai nạn đường thủy nghiêm trọng tại các bến đò, bến khách và phương tiện đường thủy thuộc địa bàn mình quản lý. |
Theo Giadinh.net