Có chuyển biến, nhưng chưa vững chắc
Theo số liệu thống kê, tình hình TNGT năm 2005 so với năm 2004 đã giảm 17,1% về số vụ, giảm 6% số người bị chết và giảm 22,1% số người bị thương. Nếu tính trên 10 nghìn phương tiện cơ giới đường bộ (PTCGÐB) theo thông lệ quốc tế thì kết quả còn khả quan hơn. So với năm 2004, Việt Nam đã giảm 3,2 số vụ, giảm 1,4 số người bị chết và giảm 3,4 số người bị thương/10 nghìn PTCGÐB. Ðây là một tốc độ giảm khá nhanh so với các nước trên thế giới. Ðiều đặc biệt ghi nhận là công tác ATGT năm 2005 đã duy trì được thành tích của năm 2003 và 2004, là năm thứ ba liên tiếp đạt được mục tiêu giảm thiểu TNGT.
Nét nổi bật là nhận thức và quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương đối với công tác ATGT đã thể hiện rõ rệt hơn. Trên cơ sở những văn bản rất quan trọng như Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, Nghị quyết 14 của Quốc hội, Nghị quyết 13 của Chính phủ, hàng loạt các giải pháp đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nhằm kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần TNGT và ùn tắc giao thông. Vấn đề ATGT đã trở thành mục tiêu chung và huy động được sự đồng thuận của toàn bộ hệ thống chính trị. Nhiều chính sách, chương trình hành động đã được các cấp, các ngành, các địa phương đồng loạt hưởng ứng và thực hiện khá quyết liệt và kiên trì, chẳng hạn như yêu cầu đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy; thực hiện hạn chế tốc độ của phương tiện khi tham gia giao thông.
Các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan báo chí, truyền thông và chính quyền các địa phương... đã xác định rõ trách nhiệm hơn, phối hợp với nhau chặt chẽ hơn. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cũng đa dạng, phong phú và triển khai rộng rãi hơn. Sự ủng hộ của các cơ quan báo chí, truyền thông đã góp phần rất lớn trong việc tạo sự đồng tình của nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ của Chính phủ. Các cuộc thi, chương trình truyền thông về ATGT, chẳng hạn như: Thi lái xe mô-tô an toàn toàn quốc hay "Tôi yêu Việt Nam"... đã thu hút và tập hợp được nhiều tổ chức chính trị - xã hội và cả doanh nghiệp, cá nhân tham gia. Ðiều này đã tạo ra sự hỗ trợ khá hiệu quả vào các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT nói chung.
Ðối với công tác xây dựng pháp luật, việc bổ sung, sửa đổi và ban hành các văn bản pháp luật liên quan trong lĩnh vực ATGT, trong năm 2005 đã được triển khai khá tốt. Thí dụ, các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật Ðường thủy nội địa được ban hành kịp thời trước khi Luật có hiệu lực, chấm dứt tình trạng nợ văn bản dưới luật. Luật Ðường sắt, Luật Hàng hải đã được Quốc hội thông qua tạo khung pháp lý quan trọng cho hoạt động ATGT trong các lĩnh vực này. Ðặc biệt, Nghị định 152 đã được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 15 đã điều chỉnh kịp thời nhiều bất cập trong công tác ATGT, bảo đảm các biện pháp xử lý vi phạm ATGT thống nhất trong toàn quốc.
Việc tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm của các lực lượng, nhất là cảnh sát giao thông đã được triển khai quyết liệt, đều khắp trên phạm vi toàn quốc. Mặc dù còn một số trường hợp xử lý chưa nghiêm, song những nỗ lực của các chiến sĩ cảnh sát giao thông là đáng ghi nhận. Sự nghiêm khắc, xử lý không khoan nhượng, không nể nang bất kỳ trường hợp vi phạm luật giao thông đang từng bước tạo dựng được nền nếp, kỷ cương, đồng thời tăng cường lòng tin của nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật. Thực tế cho thấy, khi người dân đã tin vào các cơ quan công quyền, thì tính tự giác chấp hành luật cũng sẽ tăng lên.
Trong hoạt động vận tải, việc kiểm tra tình hình bảo vệ hành lang ANGT trên các tuyến quốc lộ theo Công điện 973 của Thủ tướng Chính phủ được tăng cường. Nhờ vậy, hành lang ATGT và các công trình bảo vệ ATGT trên nhiều tuyến đường ở nhiều địa phương đã được bảo vệ tốt hơn, góp phần giảm thiểu TNGT. Bên cạnh đó, việc tăng cường thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự kỷ cương trong vận chuyển hành khách liên tỉnh bằng ô-tô cũng tiếp tục phát huy tác dụng, hạn chế các hiện tượng tiêu cực như xe dù, ép khách, lèn khách...
Ðối với hệ thống giao thông đô thị, trong năm qua, hệ thống vận tải khách công cộng của những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển. Chỉ tính riêng hệ thống xe buýt của Hà Nội đã vận chuyển hơn 350 triệu lượt khách, TP Hồ Chí Minh vận chuyển 254 triệu lượt khách. Mặt khác, hai thành phố cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn lực để sớm triển khai các loại hình vận tải khách công cộng khối lượng lớn để giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông. Ngoài ra, Hà Nội còn xây dựng và duy trì được nhiều tuyến phố văn minh, bảo đảm hè thông, đường thoáng, ngăn chặn tình trạng chiếm dụng hè đường, lòng đường.
Về kết cấu hạ tầng giao thông, trong năm qua nhiều công trình giao thông đã được hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thi công để nhanh chóng đưa vào khai thác, góp phần bảo đảm sự êm thuận và an toàn hơn cho việc đi lại, vận chuyển của xã hội. Trong năm qua, trên cả nước, hàng trăm "điểm đen" TNGT bước đầu được khắc phục, đem lại những hiệu quả hết sức thiết thực cho công tác bảo đảm ATGT.
Công tác kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện cũng được coi trọng với việc kiên quyết loại bỏ các phương tiện quá thời hạn sử dụng. Công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đã có sự chuyển biến rõ nét với việc áp dụng việc sát hạch lý thuyết lái xe trên máy tính, từng bước áp dụng cả với thi thực hành tay lái. Việc từng bước giảm thiểu sự can thiệp của yếu tố con người trong công tác đăng kiểm và sát hạch được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đối với hoạt động bảo đảm ATGT. Vấn đề ở đây chính là tìm nguồn lực đầu tư trang thiết bị. Ðể làm được điều này, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện lộ trình xã hội hóa, kêu gọi các nguồn vốn thuộc mọi thành phần kinh tế để đầu tư, hiện đại hóa các trung tâm đăng kiểm và sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật thì con số 14 nghìn vụ TNGT, hơn 11 nghìn người chết và hơn ba nghìn bị thương do TNGT trong một năm vẫn là những con số khá cao và nhức nhối. Ðiều đáng lưu ý là phần lớn số vụ TNGT đều do người điều khiển xe máy gây ra. Mặt khác, một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong năm 2005 như vụ tai nạn tàu E1, vụ tai nạn xe khách trên đèo Lò Xo... đã cho thấy kết quả giảm thiểu TNGT chưa vững chắc, nếu chủ quan, lơi lỏng thì lập tức TNGT lại có xu hướng tăng.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết làm rõ nguyên nhân gây ra TNGT; kiểm điểm nghiêm khắc những chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng TNGT gia tăng; xử lý thích đáng người có trách nhiệm để xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực về trật tự, an toàn giao thông, nhưng kết quả thực hiện chưa được như mong muốn, TNGT xảy ra còn nhiều.
Ðồng bộ và quyết liệt hơn
Năm 2006, ngành giao thông vận tải và các cấp bộ, ngành, địa phương cần làm tốt hơn nhng giải pháp lớn. Ðó là công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở một số huyện, xã cần được quan tâm đúng mức. Bởi lẽ, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một số người ở vùng nông thôn chuyển biến chậm, làm cho TNGT ở nông thôn có chiều hướng tăng. Việc quản lý các đò ngang, bến khách, phương tiện thủy gia dụng của một số chính quyền địa phương phải được coi trọng hơn.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật ATGT cũng cần cố gắng nhiều hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, nhiều nơi công tác tuyên truyền chưa đến được tận cơ sở, chưa đến được với người điều khiển phương tiện, thanh niên, thiếu niên, người dân sống ven đường quốc lộ, ven sông. Mặt khác, hoạt động bảo đảm trật tự ATGT của các tổ chức chính trị- xã hội được triển khai mạnh ở cấp trung ương, tỉnh, thành phố, nhưng chưa đến từng cấp hội, các gia đình, các hội viên.
Một thách thức lớn là số lượng các phương tiện giao thông cá nhân đang tăng nhanh, vượt quá khả năng của kết cấu hạ tầng giao thông trong khi mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhất là mô-tô chưa đạt kết quả mong muốn. Việc thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy trên những đoạn bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm ở nhiều địa phương, nhiều tuyến quốc lộ cần làm kiên quyết hơn. Chấn chỉnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhằm khắc phục những bất cập do thiếu phương tiện bảo đảm và phối hợp giữa các lực lượng, nhất là ngăn chặn biểu hiện tiêu cực trong kiểm soát giao thông.
Trong quá trình nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông các địa phương, các nhà thầu cần quan tâm đầy đủ vấn đề ATGT, nhất là trong thi công, hoàn thiện công trình, bảo đảm đủ rào ngăn, biển báo; coi trọng tổ chức giao thông, thông tin, thông báo cho nhân dân... Xử nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ công trình giao thông ở nhiều địa phương. Chấm dứt tình trạng đấu nối đường quốc lộ vào các khu dân cư, khu công nghiệp dọc theo quốc lộ, đường sắt, sân bay một cách tùy tiện.
NHIỆM vụ kiềm chế, giảm thiểu TNGT của năm 2006 là không kém phần phức tạp và nặng nề. Nhiệm vụ này đòi hỏi các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thành viên của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia phải hành động với trách nhiệm cao ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2006, đặc biệt trong dịp Tết Bính Tuất và các lễ hội trong những tháng đầu năm 2006.
Thực tế mấy năm qua cho thấy, các giải pháp của Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết 13/2002/NQ-CP là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp. Vấn đề ở đây là tiếp tục quán triệt, điều hành và thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp này. Trong đó, cần tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng các chính sách phát triển phương tiện giao thông phù hợp khả năng của kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý người điều khiển phương tiện giao thông, phương tiện giao thông, đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, đến từng người giao thông.
Ðồng thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý "điểm đen" TNGT; bắt buộc người đi xe máy đội mũ bảo hiểm; quản lý tốc độ phương tiện tin khi tham gia giao thông.
|