![]() |
Kỹ sư Trần Bát. Ảnh: N.T. |
"Trong dịp Tết, ngành đường sắt phần lớn chỉ đáp ứng nhu cầu của khách đi đường dài từ Sài Gòn đến các tỉnh từ Nghệ An trở ra miền Bắc. Còn khách đi ra miền Trung thì sẽ chỉ đáp ứng một phần", ông Trần Bát, Trưởng ban Vận chuyển, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khẳng định như vậy với VnExpress.
- Năm nào cũng vậy, lượng khách đi dịp Tết đều tăng. Năm nay, nhà tàu đã có phương án phục vụ như thế nào?
- Dự kiến, trước Tết Bính Tuất, chiều từ Sài Gòn ra Hà Nội sẽ tăng 8-12% lượng khách so với Tết Ất Dậu. Trong khi đó, năm nay không có toa xe đóng mới, tất cả toa năm ngoái và năm 2005 sẽ được huy động để lập tàu Tết. Chúng tôi cũng phải bỏ một số đôi tàu địa phương như Hà Nội - Hải Phòng, riêng Hà Nội - Vinh bỏ toàn bộ, để dồn toa xe lập tàu Thống Nhất. Lúc đầu dự kiến là 11,5 đôi tàu Thống Nhất chạy dịp Tết, nhưng hôm nay chính thức cân đối là 12.
So với Tết Ất Dậu, ngành đường sắt đã tăng thêm nửa đôi tàu và so với ngày thường tăng thêm 7 đôi. Trung bình vào dịp cao điểm, mỗi ngày chúng tôi chuyên chở gần 11.000 khách từ Sài Gòn và các tỉnh miền Trung ra Bắc.
- Bao giờ thì ngành đường sắt bán vé tàu Tết và áp dụng lịch chạy 12 đôi tàu?
- Dự kiến cuối tháng 11, chậm nhất là đầu tháng 12 sẽ bán vé. Thời gian chính xác sẽ do Công ty vận tải hành khách Sài Gòn và Hà Nội công bố.
Về lịch chạy, trước Tết, bắt đầu từ 15/1/2006 (tức 16/12 âm lịch) đến 27/1/2006 (tức 28 Tết) sẽ có 12 đôi tàu hoạt động trên tuyến Bắc - Nam. Trong 4 ngày nghỉ (bắt đầu từ 30 Tết), chúng tôi sẽ chạy 3 đôi tàu suốt Hà Nội - TP HCM, 1 đôi Sài Gòn - Huế và ngược lại. Từ mùng 4 Tết trở đi (tức 7/2/2006) cho đến 20/1 âm lịch (17/2/2006) sẽ chạy 12 đôi tàu Tết chiều Hà Nội - TP HCM.
- Phương thức bán vé năm nay có gì thay đổi, thưa ông?
- Trong những ngày cao điểm, chúng tôi áp dụng 5 hình thức bán vé, gồm: bán trên mạng chiều Sài Gòn ra Hà Nội; bán thông qua đại lý ở khắp các thành phố Vũng Tàu, Cần Thơ, Biên Hòa, Bình Dương và khu vực Sài Gòn; đăng ký lấy tích kê trước ở ga Sài Gòn; đăng ký cho tập thể ở các xí nghiệp lớn, đơn vị quân đội. Cuối cùng là chuyển 15% (năm ngoái 10%) lượng vé ở phía Nam ra Hà Nội để ga Hà Nội bán cho hành khách đi chiều Sài Gòn - Hà Nội, song vì điều kiện bận rộn không thể mua được thì có thể nhờ người thân mua tại Hà Nội và chuyển phát nhanh vào Sài Gòn.
- Dịp Tết, "cò" vé lại lộng hành, vậy nhà tàu có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này?
- Có nhiều biện pháp, thứ nhất là bán qua mạng, khách chỉ có thể mua được 1 lần, không có lần 2. Thứ hai, bán vé qua tích kê, trong đó đòi hỏi chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân để đưa vào máy nhận dạng, nếu ai sử dụng cùng một chứng minh nhân dân mua vé lần hai sẽ bị loại. Về nhân viên thì chúng tôi quản lý rất nghiêm ngặt, kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện thông đồng tuồn vé ra ngoài sẽ bị đuổi việc. Năm ngoái không có hiện tượng này.
Chỉ có một điều chúng tôi băn khoăn là bán vé qua đại lý. Hình thức này có thể tuồn vé ra chợ đen. Do đó, chúng tôi đã tuyên truyền, nếu phát hiện đại lý tuồn vé ra cho "cò" sẽ cắt hợp đồng. Trường hợp phe vé gom chứng minh thư của khách hàng rồi xếp hàng mua để ăn chênh lệch thì chúng tôi chào thua. Đây là chuyện thuận mua vừa bán. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế bằng cách nhận diện phe vé, nếu phát hiện sẽ đuổi.
- Hình thức bán vé qua mạng được người dân hoan nghênh, nhưng họ cũng phản ánh là quá rắc rối, không tiện ích. Ngành sẽ khắc phục như thế nào?
- Đúng là mấy hôm nay đường truyền bị nghẽn, khách hàng rất khó khăn khi đặt vé. Sắp tới, chúng tôi sẽ nâng cấp máy chủ nhằm khắc phục bất hợp lý này. Đây là hình thức bán vé mới, đang làm thí điểm ở ga Sài Gòn và chủ yếu đáp ứng nhu cầu của những người làm việc công sở, thường xuyên sử dụng máy vi tính.
- Tàu Tết đông và cũng thường xuyên bị chậm. Năm nay, điều này có được khắc phục?
- Đường sắt của ta là đường đơn, tất cả tàu ngược xuôi đều chạy trên một đường. Khi tổ chức chạy tới 15-16 đôi tàu Tết (cả tàu hàng và khách), tăng 7 đôi so với ngày thường, tức là vượt quá khả năng đáp ứng của cung đường, nên chuyện chậm trễ là rất khó khắc phục. Không ai quy định tàu được phép chạy chậm bao nhiêu, riêng chúng tôi luôn phấn đấu chạy để tàu đúng giờ. Việc chậm nếu có thường là vài chục phút, nửa tiếng hoặc 1 tiếng, do những trở ngại bất khả kháng dọc đường, chúng tôi rất mong hành khách thông cảm.
- Mật độ chạy tàu rất lớn, vấn đề an toàn chạy tàu và đảm bảo an ninh cho hành khách trên tàu được đặt ra như thế nào?
- Chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giáo dục tất cả nhân viên tham gia vận tải trong việc đảm bảo an toàn chạy tàu. Khó khăn nhất là các đường ngang dân sinh, hiện có tới 4.000 đường. Dịp Tết, chúng tôi sẽ phải tổ chức lực lượng canh gác tại các đường ngang này để đảm bảo giao thông thông suốt.
Riêng về phương tiện, đầu máy và toa xe phục vụ tuyến Thống Nhất được ưu tiên, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật chạy đường dài. Từ tháng 9 đến nay, tất cả đoàn tàu chạy Tết đang nằm ở các nhà máy để duy tu, sửa chữa cho đến ngày 15/1 bắt đầu tung ra hoạt động.
Về an ninh trên tàu, chúng tôi đã có lực lượng bảo vệ chuyên ngành thay thế cảnh sát. Vào dịp Tết, lực lượng này sẽ được tăng cường, sẽ thường xuyên tuần tra, hạn chế tối đa nạn trộm cắp, lưu manh trên tàu. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh, hành khách phải tự bảo quản tư trang hành lý của mình.
Như Trang thực hiện
▪ Khai mạc Ngày hội Di sản văn hoá Việt Nam (21/11/2005)
▪ Trường hợp đầu tiên nhiễm cúm H5N1 ở Hải Phòng (22/11/2005)
▪ Cảnh báo về chất lượng thuốc đông dược (22/11/2005)
▪ Việt Nam đạt nhiều thành tựu lớn trong công cuộc đổi mới (22/11/2005)
▪ Về cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta hiện nay (22/11/2005)
▪ Cả cộng đồng cùng bảo tồn di sản văn hóa (22/11/2005)
▪ Đêm nay, miền Bắc lạnh thêm 3 - 4 độ (22/11/2005)
▪ Vì sao Hà Nội, Bạc Liêu không công bố dịch? (22/11/2005)
▪ Hà Nội: Trần phòng học rơi, học sinh lớp 1 bị thương (22/11/2005)
▪ Bỏ quy định mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy (22/11/2005)