* Những bất cập, khó khăn:
Mười năm qua bằng nhiều nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương và hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài (đặc biệt là chương trình hỗ trợ y tế quốc gia thời kỳ 1997-2002) giúp hoạt động của ngành y tế Nghệ An được cải thiện đáng kể. Gần 200 trạm y tế xã được xây dựng nâng cấp, hơn 10 trung tâm y tế huyện được bổ sung hạng mục công trình (xây thêm khu kỹ thuật, nhà điều trị người bệnh hay cung ứng thêm trang thiết bị). Đến cuối năm 2005, Nghệ An có gần 100 cơ sở đạt chuẩn. Hệ thống y tế tuyến tỉnh với sự tăng cường năng lực cho các bệnh viện nhi, y học cổ truyền, trung tâm nội tiết và dự án xây mới bệnh viện đa khoa tỉnh 700 giường điều trị bước đầu khởi động, ngày càng góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân ở Nghệ An vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. Những năm qua tuy được đầu tư xây dựng nâng cấp nhưng hệ thống y tế cơ sở của Nghệ An vẫn trong tình trạng chắp vá. Có điều kiện đến các huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Thanh Chương, Tương Dương, Kỳ Sơn, thấy tại bệnh viện huyện nếu có khu nhà kỹ thuật thì thiếu phòng điều trị, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh phần lớn cũ kỹ, lạc hậu; còn trạm y tế xây được vỏ bao che thì thiếu tường rào hoặc công trình phụ trợ. Các cơ sở y tế tuyến tỉnh, bên cạnh thiếu hụt bác sĩ ở các trạm lao, phong, tâm thần, nhiều năm nay tại bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An, cơ sở vật chất xuống cấp đã đành, công tác quản lý bệnh viện cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Nâng cao năng lực hoạt động ngành y tế
Dù đã đẩy lùi, khống chế được khá nhiều căn bệnh nhiễm trùng, gây dịch song đến nay trên địa bàn Nghệ An, đây đó hàng năm vẫn xảy ra các vụ dịch nhỏ sốt rét, tiêu chảy, cảm cúm, rubella ở vùng sâu vùng xa, trong khi tỷ lệ các bệnh không nhiễm trùng (tiểu đường, tim mạch, chấn thương, ngộ độc thực phẩm) có chiều hướng tăng cao, mặt khác kỹ thuật y tế chuyên sâu ở Nghệ An còn rất hạn chế, buộc mỗi tuần có đến hàng trăm người bệnh phải ngược xuôi tìm lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Điều đó đòi hỏi Nghệ An phải tìm các giải pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động của ngành y tế, không ngừng đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.
Có một vấn đề đang là thách thức đối với Nghệ An, đó là sự thiếu hụt và mất cân đối trong cơ cấu cán bộ ngành y tế từ tỉnh xuống cơ sở.
Hiện tại, toàn ngành y tế tỉnh có gần 6.220 cán bộ nhân viên (thiếu 260 người theo biên chế) nhưng tính toán đến năm 2010, Nghệ An thiếu hơn 450 bác sĩ và dược sĩ đại học. Vốn là mảnh đất hiếu học, nguồn đào tạo ngành y dược hệ chính quy hàng năm không thiếu song oái oăm thay, số sinh viên người Nghệ tốt nghiệp ra trường hoặc tìm cách ở lại Hà Nội hoặc làm việc cho các phòng khám tư nhân. Cho nên hết năm 2005, Nghệ An mới có hơn 60% bác sĩ công tác tại xã, còn các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh như tâm thần, phong, lao, truyền nhiễm thì thiếu cán bộ trầm trọng. Ngay tuyến cơ sở, tại các bệnh viện huyện phần lớn thiếu bác sĩ nội tiết, da liễu, nhi; còn ở các xã số đông trưởng trạm y tế là y sĩ (điển hình như Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương).
Từ năm 2004 Nghệ An đã xây dựng hai đề án "Tăng cường nguồn nhân lực ngành y tế giai đoạn 2004-2010" và "Tăng cường bác sĩ công tác tại tuyến cơ sở đến năm 2005 và các năm tiếp theo". Nhằm mục tiêu đến năm 2007-2008 đáp ứng cơ bản nguồn nhân lực có chất lượng cho bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện đa khoa khu vực, đồng thời phấn đấu 100% xã có bác sĩ công tác. Để thực hiện nhiệm vụ không kém phần phức tạp này, tỉnh Nghệ An đề ra các chính sách, chế độ để thu hút, bổ sung nguồn cán bộ về công tác tại tỉnh. Chẳng hạn đối với những người có học vị chức danh PGS, TS, bác sĩ chuyên khoa 2 đến GS về Nghệ An công tác ít nhất là năm năm được Tỉnh cấp ban đầu 25 triệu đồng đến 35 triệu đồng/ người, riêng bậc Thạc sĩ và chuyên khoa 1 thì được cấp 20 triệu đồng/ người. Đối với bác sĩ hệ chính quy, tốt nghiệp đạt loại khá trở lên, nếu tình nguyện trở về tỉnh nhận công tác lâu dài, theo sự phân công của tổ chức, được trợ cấp ban đầu là 15 triệu đồng/ người (loại giỏi) và 10 triệu đồng/ người (loại khá); ngoài ra nếu lên công tác tại các huyện miền núi cao được trợ cấp thêm 5 triệu đồng/người và ở miền núi vùng thấp là 3 triệu đồng/người ...
Khắc phục tình trạng thiếu về lực lượng, yếu về quản lý và chuyên môn của tuyến cơ sở, Nghệ An vừa cho người đi đào tạo (theo địa chỉ), vừa thực hiện biện pháp tăng cường, luân chuyển cán bộ từ tỉnh xuống huyện và từ huyện xuống các xã (2 năm đối với nữ, 3 năm đối với nam) trong đó giành ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Đi liền là các chính sách cụ thể như được hỗ trợ một khoản tiền di chuyển đến "địa chỉ" công tác, bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế khu vực 3 được hỗ trợ 500 nghìn đồng/ người / tháng, các xã thuộc khu vực 2 là 200 nghìn đồng/ người / tháng; hàng năm có chế độ nghỉ phép và sau khi hết thời hạn lại trở về đơn vị cũ làm việc. Nghệ An cũng khuyến khích các bác sĩ trẻ về công tác ở các xã từ năm năm trở lên, ngoài hỗ trợ ban đầu 10 triệu đồng, còn được hưởng 100% lương ngạch bậc trong thời gian tập sự ...
Nguyễn Khôi
|