Nghị sĩ của nhân dân Lê Thanh Phong Tại Hội thảo "Quốc hội Việt Nam 60 năm hình thành và phát triển" diễn ra ngày 23.12 tại Hà Nội, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đặt ra vấn đề: "Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, thực hiện quyền giám sát tối cao, vậy ai giám sát Quốc hội?". Nhiều ý kiến đóng góp để giải đáp câu hỏi này, kể cả việc nêu lên mô hình thành lập cơ quan bảo hiến. Trong đó, có ý kiến rất căn bản, rằng quyền giám sát thuộc về nhân dân.
Hẳn nhiên là như vậy. Nhân dân bầu lên các vị đại biểu của họ, quyền lực lại tập trung vào Quốc hội và các cơ quan dân cử. Vậy nên nhân dân là gốc của quyền lực. Nhưng sau khi tạo ra được cơ quan quyền lực tối cao, dân có giám sát được hoạt động của cơ quan đó không lại là một chuyện khác. Vì trên thực tế, chưa có cơ chế rõ ràng cho nhân dân giám sát, hoặc có nhưng vẫn còn mang tính hình thức. Ví dụ như, ở các địa phương đều có đoàn đại biểu Quốc hội, nhưng người dân ít biết đến, có tiếp xúc cũng chưa chắc đã thoả mãn được nguyện vọng chính đáng của họ.
Còn tại các cuộc họp hội đồng nhân dân, rất ít vị đại biểu làm được vai trò cầu nối chuyển tải được "thông điệp của nhân dân", thể hiện được quyền lực của nhân dân. Đại biểu của dân, thực hiện quyền giám sát nhưng không mấy ai dám nói, dám lên tiếng, nói thẳng và nói thật, vậy thì dân thường áo vải giám sát ai được? Đơn cử như ở một thành phố lớn nhất nước, tại các cuộc họp HĐND, chủ yếu chỉ một vị đại biểu dám phát biểu, đưa ra các bằng chứng cụ thể lấy được trong các cuộc "vi hành" để chỉ ra những yếu kém trong quản lý hành chính cũng như nhiều mặt khác của chính quyền địa phương. Nói là chủ yếu vì ở tất cả các cuộc họp, vị này luôn phát biểu mạnh dạn chứ không lấy lệ. Xin mở ngoặc thêm, ông này là chủ một doanh nghiệp tư nhân, ông không phải là quan đi làm nghị sĩ.
Dân giám sát làm sao được khi chính người dân chưa bảo vệ được quyền lợi và thể hiện quyền lực của mình. Dân bầu ra các vị đại biểu của họ, giao cho trọng trách thể hiện quyền lực của nhân dân bằng quyền lập pháp và quyền giám sát tối cao. Thế nhưng, vẫn còn có những điều luật, những quy định dưới luật không phù hợp với thực tế khi vận hành vào cuộc sống, mâu thuẫn với quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Các vị đại biểu Quốc hội một năm vài ba đợt đi họp, chi phí nhiều thời gian và tiền của của dân. Sau một nhiệm kỳ, không biết có bao nhiêu vị tự chất vấn rằng mình đã làm được gì cho dân? Nhưng nhân dân thông minh chắc chắn sẽ giám sát và phát hiện được một điều, ai là "quan nghị sĩ", và ai là "nghị sĩ của nhân dân". Quyền đánh giá này là quyền lực ghê gớm nhất của nhân dân. |