Ngô Kha - ngụ ngôn một thế hệ
Các Website khác - 16/12/2005
Trong phong trào đấu tranh chống chế độ Mỹ-ngụy của học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam, thầy giáo, nhà thơ, liệt sĩ Ngô Kha là một ngọn cờ đầu của sinh viên, học sinh Huế trên mặt trận đường phố. Sắp tới, NXB Thuận Hóa sẽ cho ra mắt một tuyển tập những tác phẩm của ông.
Tuyển tập bao gồm tập thơ “Hoa cô độc”; trường ca “Ngụ ngôn của người đãng trí”; “Trường ca hòa bình và những dòng kí ức” của bạn bè, đồng đội viết về anh.

Người thắp lửa sân trường

Từng tốt nghiệp thủ khoa khóa I (ĐH Sư phạm Huế 1958-1959), Ngô Kha theo học tiếp Luật khoa và từ năm 1962, anh dạy Văn và đạo đức tại các trường Quốc học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo của Huế.

Trong quá trình đi dạy, Ngô Kha luôn dạy cho học trò ý thức tự tôn của một dân tộc.

Ông Nguyễn Công Thắng- người học trò của Ngô Kha nhớ lại: "Những giờ học của thầy Kha bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Thay vì giảng bài một cách hiền lành như bao thầy giáo khác, thầy Kha hầu như chỉ bình luận thời sự, biến giờ học thành một cuộc đối thoại sinh động về ý thức công dân trong một xã hội nhiễu nhương, về dân chủ và cách mạng dân tộc, về chiến tranh và hòa bình. Có lẽ đó là bài học giáo dục công dân đúng đắn nhất trong bối cảnh đen tối ấy".

Với một giọng ngâm thơ khúc chiết, truyền cảm, anh thường đọc những bài thơ mang nỗi đau thân phận trước cảnh quê hương bị giặc xéo điêu tàn như "Bên kia sông Đuống" của Hoàng Cầm cho học sinh, sinh viên nghe.

Những thanh niên Huế tính cách vốn phẳng lặng như dòng sông Hương, nhưng sống trong ngục trần gian Mỹ-ngụy, trái tim và tâm hồn họ nổi sóng. Quán Bạn-một hội quán của văn nghệ sĩ, trí thức ngày ấy, là nơi tụ hội của văn chương thơ phú, âm nhạc, nhưng cũng là nơi tụ hội của những trái tim yêu nước và tự tôn dân tộc. Nơi đây, những ngòi pháo cho các cuộc đấu tranh chính trị, ngòi pháo cho những cuộc đấu tranh đường phố luôn được chờ châm lửa.

Năm 1964, địch đàn áp nhóm Quán Bạn. Cùng với nhà thơ Trần Quang Long, Ngô Kha bị địch bắt giam và được ghi vào sổ đen của những người bị chúng để mắt thường xuyên. Học sinh, sinh viên biểu tình đòi chính quyền "trả lại thầy giáo Kha cho chúng tôi", "Đả đảo bọn cướp thầy".

Hai năm sau, vào năm 1966, quân đội Sài Gòn đẩy anh vào lực lượng động viên trù bị, học ở Trường sĩ quan Thủ Đức và đóng quân ở miền Nam một thời gian ngắn. Ngô Kha hụt hẫng đến tột độ, anh giam mình trong cô đơn và tự giết mình bằng nỗi cô đơn ấy. Những vần thơ của anh như là tiếng gào thét từ khước của những người bị đày vào cuộc:

Con đã đi bao năm
mẹ không rời ngưỡng cửa
và nay
gió cũng tang bồng
nhưng thi sĩ vẫn nằm im trong nhà tù vĩnh cửu

Tập thơ "Ngụ ngôn của người đãng trí", Ngô Kha tự giam mình trong sự cô đơn để chứng kiến tất cả những xấu xa, ghê tởm của một chế độ vừa đánh mất lòng tự trọng dân tộc được xây nên từ ngàn năm lại vừa dùng người để nấu thịt người:

Tôi lớn lên để tiễn đưa bạn bè giã từ cuộc sống
Hai mươi bốn giờ đi qua những tháp canh
Hai mươi bốn giờ đi qua những tử thi còn mở mắt
Có những người lính âm thầm đưa chân dung mình đến huyệt
Linh hồn là chiếc khóa đồng đen

Thời gian sau được thả, anh về Huế. "Chiếc khóa đồng đen" kia mở ra, không phải để đón cơn ác mộng từ bên kia đại dương như bao kẻ bán rẻ linh hồn mà anh đón nguồn sáng của tương lai, của hạnh phúc được đổi bằng đấu tranh.

Trong bài viết: "Khi ngọn lửa tình thương bạo động" viết nhân 100 ngày cuộc tự thiêu của Sa-Đi-Chơn và Ni cô Tịnh Nhuận, anh đã viết về chế độ ngụy quyền như thế này: "Họ vẫn dùng trật tự đó để chà đạp lên nền trật tự đích thực của văn hóa và xã hội được kiện toàn bởi kiến trúc, tình cảm qua lịch sử, bởi quá trình đấu tranh của nhân dân với các cao trào chống ngoại xâm giành tự chủ họ vẫn sỗ sàng nhân danh cái trật tự của xe tăng đại bác, trật tự của lựu đạn cay, trật tự của thị trường chợ đen vàng lậu bạch phiến, trật tự của những ông dân biểu buôn lậu… để hòng chặn đứng và đập tan các trật tự mà bao thế hệ đã xây dựng bằng xương máu".

Ngô Kha tự nhận thức hành động của mình và biết phải hành động như thế nào. Anh tiếp tục tham gia đấu tranh trên diện rộng, là thành viên nòng cốt lãnh đạo đơn vị quân đội Sài Gòn ly khai (lấy tên là chiến đoàn Nguyễn Đại Thức) để quyết đấu với ngụy quân. Một cuộc đọ sức không cân xứng lực lượng nảy lửa trên đèo Hải Vân, chế độ ngụy quyền bắt anh và những người lính khác của chiến đoàn Nguyễn Đại Thức đày đi Phú Quốc một thời gian.

Mai có hòa bình…
Vì trái tim như một quả đồng hồ treo
Em nhớ mỗi ngày lên giây
Sự sống bắt đầu từ đó

Từ Phú Quốc trở về, cái thế giới ảm đạm của "người đãng trí" trong Ngô Kha đã mất hẳn. Anh gia nhập vào cuộc chiến đấu của thành phố, hòa vào phong trào tuổi trẻ đô thị.

Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận xét: "Thực ra con người trầm tư của Ngô Kha đã không ngăn nổi xu thế hành động nơi anh, vốn là một trí thức tâm huyết luôn luôn được đánh thức, lay động và thôi thúc bởi cao trào hành động yêu nước của nhân dân thành phố quê hương anh". Anh chủ trương thành lập nhóm trí thức đấu tranh "Tự quyết" (với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Thái Ngọc San, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn), xuất bản hai số báo, thành lập Mặt trận Văn hóa miền Trung và có mặt trên tất cả các mặt trận đấu tranh của sinh viên, học sinh, trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân thành phố Huế.

Anh xuất hiện như một ngọn cờ đầu, hô hào bãi khóa, xuống đường và khởi thảo các bản tuyên ngôn tuyên chiến với chế độ độc tài Mỹ-ngụy. Giọng thơ của Ngô Kha cũng thay đổi theo tư tưởng và hành động của anh, từ "Bài ca tự quyết" đến "Cho những người nằm xuống" rồi "Trường ca Hòa bình".

Sôi động với những ngày tháng xuống đường, những vần thơ của anh chứa chan một niềm tin mãnh liệt: hòa bình. Theo cách nói, cách nghĩ của Ngô Kha thì hòa bình không phải là một ảo tưởng viển vông nào mà là một niềm tin có căn cứ, khi ngày ngày anh cùng đồng bào và bè bạn đang nối rộng một vòng tay trên các con phố kia. Giờ đọc lại những vần thơ anh, nhiều người sửng sốt vì tại sao anh lại có những tiên tri tài đến vậy:

Và ta phải thấy
Và nhất định thấy
Ngày kia
một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo
một thị trấn yêu kiều qua làng Vây
bởi một khi
máu chảy ruột mềm
ta không còn đứng nhìn Trường Sơn
Bên này hay bên kia vùng mặt trời


Tin em trao về hồng như nụ chín
Mai có hòa bình khác thể yêu đương
Đường dù ngái đi rừng chen lớp lớp
Nhớ nhau thì về cho kịp trời thu…

Ai có ngờ rằng, những câu thơ trong "Mai có hòa bình" này lại là những vần thơ cuối cùng của cuộc đời anh. Anh bị bắt một lần nữa. Người cháu của anh ghi lại: "Bữa đó là 27 Tết. Có hai người đến đòi giải chú đi. Mạ em hỏi có lệnh không-vì mạ em làm ở tòa hành chánh mà, rứa là một tên ở lại, một tên đi xin lệnh. Có lệnh rồi, mạ bảo để chú ăn uống đàng hoàng rồi đi. Họ đồng ý chờ. Ra sau nhà, mạ em hối chú trèo tường qua phủ ông Khánh mà thoát đi. Chú không chịu, nói là mình không có tội tình chi mà phải trèo tường thoát thân, hơn nữa cứ đường lớn cửa chính mà đi đàng hoàng-chú nói cho an tâm ai ngờ đó là lần cuối cùng, chú đi không về nữa…” Năm đó, Ngô Kha 38 tuổi.

Theo Quân đội Nhân dân