Sống ở thành phố, quyền lợi ở quê
Các Website khác - 16/12/2005
Nhiều người di cư nóng lòng muốn nhập hộ khẩu thường trú ở TP HCM, với hy vọng có quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng hơn. Ảnh: Thanh Lương

Tại buổi trưng cầu ý kiến về chính sách đối với người di cư tới đô thị và các khu công nghiệp, ở TP HCM, hôm qua, ông Nguyễn Đình Cử, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng, những phiền toái xoay quanh đời sống của những người này, chủ yếu là do họ đi nhưng quyền lợi và nghĩa vụ còn ở quê.

Theo ông Cử, di cư thực chất là hiện tượng xã hội tích cực, xuất phát từ nhu cầu của cả nơi xuất và nhập cư. Vì người di cư với mục đích làm việc là chính và những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM có nhu cầu thuê, họ mới tìm đến.

Nhưng quyền lợi và nghĩa vụ đối với người di cư ở Hà Nội và TP HCM còn bất cập. Thực tế, tại các thành phố này, có không ít cơ quan, đơn vị đưa yêu cầu tuyển dụng kèm điều kiện hộ khẩu, trẻ em đi học cũng ưu tiên theo hộ khẩu và giá điện, nước sinh hoạt của người di cư cao hơn nhiều so với người có hộ khẩu thường trú... Người di cư cũng không thực hiện được Luật nghĩa vụ quân sự, an ninh quốc phòng. "Những phiền toái xoay quanh đời sống người di cư là do thân thể người di cư đi nhưng quyền lợi và nghĩa vụ không theo cùng", ông Cử nói. "Các nhà nghiên cứu chính sách phải làm sao để trong ba lô người di cư phải có sức lao động và cả quyền lợi, nghĩa vụ của họ nữa. Nghĩa là quyền và nghĩa vụ phải đi liền với thân họ", ông Cử nói.

Cũng theo ông Cử, ngân sách phân bổ cho các thành phố đông dân di cư cần tính hết số người có khẩu tạm trú, kể cả KT4. Do KT4 có thể không thay đổi về số lượng mà chỉ thay đổi về người đăng ký.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, chính sách đối với người di cư không nên tập trung vào hộ khẩu mà nên chú trọng vào quyền và nghĩa vụ chính đáng của họ. Ông Tiên phân tích: "Cách phân bổ ngân sách hiện nay cơ bản là trên số liệu từ quản lý hộ khẩu khiến người di cư bị phân biệt đối xử trong hưởng thụ xã hội tại nơi đến... Kinh nghiệm cho thấy sự phân biệt đối xử trong việc hưởng thụ chính sách xã hội có thể là nguyên nhân dẫn đến rắc rối về an ninh trật tự xã hội".

Ông Tiên cho biết thêm, người di cư là nguồn lực quan trọng, góp phần bù đắp sự thiếu hụt lao động tại các thành phố lớn, đặc biệt ở những ngành nặng nhọc, thu nhập thấp và nguy hiểm mà người dân thành phố không làm. Đơn cử, mỗi năm TP HCM cần khoảng 200.000 lao động nhưng số người dân thường trú chỉ đáp ứng khoảng 86.000 người.

Di cư cũng là nhân tố thúc đẩy hình thành các khu đô thị mới. Trong số 24 quận, huyện TP HCM, có tới 7 đơn vị người di cư nhiều hơn người có hộ khẩu thường trú. Không có người di cư chắc sẽ không có các khu đô thị như Phú Mỹ Hưng.

Bà Trần Thị Thanh Diệu, Uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân TP HCM, thừa nhận, lực lượng lao động di cư đã đóng góp lớn vào sự phát triển của thành phố nói chung và tăng cường GDP nói riêng. Tuy nhiên, do tỷ lệ tăng dân số cơ học cao nên thành phố đang có nhiều bất cập trong đầu tư phát triển và quản lý đô thị, quá tải trên hầu hết các lĩnh vực.

"Tình hình ngày càng phức tạp, không chỉ khó khăn đối với người di cư mà cả người dân thành phố, như: kẹt xe, thừa nước bẩn, thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường, thiếu trường học, bệnh viện", bà Diệu, nói. "Nếu các cấp ngành chức năng không kịp thời có chính sách, chủ trương rõ ràng thì sẽ chắc chắn sẽ có những hậu quả khó khắc phục".

Cũng theo bà Diệu, để góp phần hạn chế phân biệt đối xử trong thực tế, Chính phủ nên nghiên cứu xem xét phân bổ ngân sách cho địa phương đông dân di cư theo cấp số nhân, không nên tính theo tiêu chí bình quân mỗi người dân.

Thanh Lương