Ngành ngoại giao góp phần to lớn vào việc triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Ðại hội IX
... Những năm gần đây, tình hình an ninh, chính trị và kinh tế thế giới diễn ra nhanh chóng và hết sức phức tạp; đất nước ta đứng trước những vận hội và thách thức mới đan xen. Trong bối cảnh đó, quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Ðại hội Ðảng lần thứ IX là: Ðộc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế theo tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển, ngành ngoại giao đã triển khai các hoạt động đối ngoại một cách chủ động, sáng tạo theo nhiều hướng nhưng chú ý trọng tâm, trọng điểm và đã đạt được những kết quả rất quan trọng.
Việc quán triệt và triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của Ðại hội IX đã góp phần phát triển các quan hệ quốc tế của Việt Nam một cách đa dạng, đa phương chưa từng có trong lịch sử ngoại giao của đất nước. Sự tổng hòa các quan hệ của Việt Nam với các nước khu vực, các nước lớn, các trung tâm kinh tế - chính trị, bạn bè gần xa đã tạo cho nước ta thế đối ngoại rất mới trên cơ sở cân bằng, ổn định và vững chắc, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu to lớn đó khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại của Ðảng, khẳng định bản lĩnh của Ðảng ta và khả năng của đất nước vượt qua thử thách của thời cuộc, vươn tới mục tiêu đã đề ra.
Phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Lào và Campuchia
... Việc củng cố và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Lào và Campuchia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nước ta về chính trị, kinh tế - xã hội cũng như an ninh, quốc phòng.
Trong các chuyến thăm chính thức Lào tháng 7-2001 và tháng 3-2005, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã khẳng định: "Quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc chúng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxon Phomvihan và các vị tiền bối của hai Ðảng, hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện trong thực tiễn và hun đúc bằng công sức và xương máu của nhiều vị anh hùng liệt sĩ, bằng sự hy sinh phấn đấu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Lào, đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, là nguồn sức mạnh và là một nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng mỗi nước" và "chúng tôi luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào".
Về phía Lào, tại cuộc hội đàm hai Bộ Chính trị năm 2002, Chủ tịch Ðảng NDCM Lào Khamtay Siphandon cũng đã khẳng định: "Quan hệ Việt - Lào là nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi trong cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân hai nước, là tài sản vô giá của hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước" và tại cuộc hội đàm hai Bộ Chính trị tháng 1-2005, lãnh đạo Lào nhấn mạnh: "Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện với Việt Nam là vấn đề chiến lược sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của Lào".
Trong chuyến thăm Campuchia của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tháng 6-1999, nước ta và Campuchia đã thỏa thuận các nguyên tắc và định hướng lớn chỉ đạo quan hệ hai nước trong thế kỷ 21 là "hợp tác láng giềng tốt đẹp, đoàn kết hữu nghị truyền thống, ổn định lâu dài". Mới đây, trong chuyến thăm chính thức Campuchia của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh (3-2005), hai bên ra Tuyên bố chung xác định khuôn khổ quan hệ hai nước "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài", đồng thời cùng khẳng định: "Quan hệ truyền thống hữu nghị và tốt đẹp Việt Nam - Campuchia là tài sản vô giá của hai dân tộc".
Trong những năm qua, có thể khẳng định về cơ bản nước ta đã duy trì tốt mối quan hệ láng giềng với Lào và Campuchia, trong đó, quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào ngày càng được củng cố và gắn bó hơn, quan hệ hợp tác với Campuchia ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực.
Củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc
... Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là mối quan hệ rất đặc thù. Trung Quốc là nước láng giềng khổng lồ đang trỗi dậy mạnh mẽ có tầm quan trọng đặc biệt đối với nước ta trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế và an ninh. Hai nước có chế độ chính trị tương đồng. Quan hệ hai nước kể từ khi bình thường hóa năm 1991, nhất là từ năm 1999 đến nay đã có những bước phát triển toàn diện theo phương châm 16 chữ.
Có thể nói quan hệ Việt Nam - Trung Quốc từ năm 1999 đến nay đã bước vào giai đoạn phát triển toàn diện và thực chất trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt đã đạt được thành tích nổi bật trên ba lĩnh vực: quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế và giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ. Ngành ngoại giao đã có những đóng góp đáng kể vào những thành tựu chung đó .
Chiến lược tổng thể phát triển quan hệ Việt Nam - EU
... Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng
11-1990 và ký Hiệp định khung hợp tác song phương tháng 7-1995. Quan hệ chính trị giữa Việt Nam với EU nói chung và các nước thành viên EU nói riêng phát triển tích cực và đi vào khuôn khổ tương đối ổn định. Trong dịp Hội nghị cấp cao ASEM-5, Việt Nam và EU đã tổ chức thành công Cuộc họp cấp cao Việt Nam - EU đầu tiên tại Hà Nội, đánh dấu một đỉnh cao mới trong lịch sử quan hệ hai bên.
Ủy ban châu Âu (EC) và các nước thành viên EU là nhà cung cấp ODA lớn thứ ba cho Việt Nam (sau Nhật Bản và WB); EU là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tháng 10-2004, hai bên đã kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. EU cũng dỡ bỏ hạn ngạch hàng dệt may cho Việt Nam từ ngày 1-1-2005 dù Việt Nam chưa phải là thành viên WTO. Tổng vốn đầu tư của các nước EU vào Việt Nam đứng đầu danh sách những nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Luôn đặt EU ở vị trí quan trọng hàng đầu không chỉ trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển mà cả về chính trị, văn hóa, Chính phủ Việt Nam đã thông qua ngày 14-6 vừa qua "Ðề án tổng thể về quan hệ Việt Nam - EU đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015".
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - LB Nga trong thế kỷ 21
... Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - LB Nga hiện nay là sự tiếp nối, kế thừa quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Xô có bề dày lịch sử hơn 40 năm (đến thời điểm cuối năm 1991).
Tháng 3-2001, Tổng thống LB Nga Putin đã thăm chính thức Việt Nam. Ðây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của người lãnh đạo cao cấp nhất của Nga trong hơn nửa thế kỷ qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lựơc giữa Việt Nam và LB Nga. Sự kiện này là một mốc quan trọng, ghi nhận bước phát triển vượt bậc của quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt - Nga. Những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm đã tạo dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược cho quan hệ truyền thống Việt - Nga trong thế kỷ 21.
Tháng 10-2002, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh thăm chính thức LB Nga theo lời mời của Tổng thống Putin. Ðây là chuyến thăm Nga đầu tiên của Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi Liên Xô tan rã, là sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt, tạo động lực nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới phù hợp khuôn khổ đối tác chiến lược đã được xác lập.
Quan hệ truyền thống Việt Nam - LB Nga bước sang Thiên niên kỷ mới với sự hình thành mối quan hệ đối tác chiến lược. Củng cố, phát triển, đưa mối quan hệ này đi vào chiều sâu và thực chất trên mọi lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế - thương mại, sẽ đáp ứng lợi ích chiến lược của nước ta trong bối cảnh mới.
Mở rộng quan hệvới các nước châu Mỹ
... Thời gian gần đây quan hệ hợp tác và trao đổi thương mại giữa nước ta với khu vực này ngày càng tăng. Năm năm sau ngày ký Hiệp định thương mại song phương, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, kim ngạch của nước ta với các quốc gia còn lại ở châu Mỹ hằng năm đạt khoảng hơn 500 triệu USD và có triển vọng ngày càng gia tăng.
Hướng tới tương lai quan hệ Việt - Mỹ ổn định và bền vững
... Quan hệ Việt - Mỹ không khởi đầu từ một cuộc chiến tranh mà xa hơn nữa trong lịch sử. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 19, dưới thời Tổng thống Jefferson và sau đó dưới thời Tổng thống Jackson, một số phái bộ Mỹ đã sang Việt Nam nhằm thiết lập giao hảo và phát triển thương mại. Vua Tự Ðức cũng cử sứ thần sang Mỹ, song tất cả những nỗ lực đó do nhiều nguyên nhân khác nhau không đạt kết quả.
Những năm sau này, nhất là trong thời kỳ chiến tranh lạnh thì nước Mỹ, vốn đi lên từ một nước thuộc địa, đã từ bỏ chính sách ủng hộ phong trào giải phóng thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn mong muốn khai thác các điểm đồng giữa hai nước để tạo dựng một mối quan hệ thật sự. Nhưng những nỗ lực đó cũng không được nước Mỹ tiếp nhận. Phải 20 năm sau chiến tranh, vượt qua bao trở ngại, hai nước mới chính thức đi đến thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên đã lần lượt trao đổi Ðại sứ, mở cơ quan đại diện ngoại giao tại thủ đô Hà Nội và Washingtơn, trao đổi nhiều đoàn thăm cấp cao.
Quan hệ kinh tế - thương mại là khía cạnh gây ấn tượng hơn cả. Với việc ký kết hàng loạt hiệp định, trong đó đặc biệt là Hiệp định thương mại song phương, tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng mạnh, năm 2004 đạt khoảng 6,4 tỷ USD, và dự kiến năm 2005 có thể đạt khoảng 7,5 tỷ USD, đưa Mỹ trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Ðầu tư của Mỹ vào Việt Nam tính đến tháng 2-2005 đạt 1,3 tỷ USD và có thể gấp nhiều lần nếu tính đầu tư qua nước thứ ba. Chúng ta có cơ sở để lạc quan và tin tưởng rằng với nỗ lực của cả hai bên, hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong khuôn khổ quan hệ đối tác ổn định và bền vững sẽ ngày càng được tăng cường và là xu hướng chủ đạo vì điều đó đáp ứng lợi ích chung của nhân dân hai nước và phù hợp xu thế hợp tác và hội nhập đang diễn ra ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Mở rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác đầy tiềm năng với Mỹ la-tinh và Caribe
... Trên thực tế, quan hệ giữa Việt Nam và các nước Mỹ la-tinh - Caribe dựa trên những thiện cảm dành cho nhau từ trong quá khứ, về cơ bản không có trở ngại chính trị và xung đột lợi ích, đã và đang có những bước phát triển tích cực. Ðến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 26 trong tổng số 35 nước Mỹ la-tinh. Ðặc biệt, thời gian qua quan hệ song phương được tăng cường bằng việc trao đổi những chuyến thăm cấp cao giữa nước ta với một số nước Mỹ La-tinh quan trọng.
Công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế
... Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ IX về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế đối ngoại và những nhiệm vụ kinh tế Ðảng và Nhà nước đã giao phó, ngành ngoại giao đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm làm tốt hơn, có hiệu quả hơn công tác ngoại giao phát triển kinh tế. Trước hết, công tác ngoại giao đã kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại, chính trị mở đường cho kinh tế; triệt để khai thác lợi thế chính trị, vị thế chính trị, địa - chiến lược trong quan hệ với các nước, các tổ chức kinh tế quốc tế, khu vực để thúc đẩy hợp tác kinh tế; từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế đối ngoại, đóng góp vào việc nghiên cứu dự báo chiến lược, hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong nước nói chung và kinh tế đối ngoại; đóng góp vào việc tạo dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế.
Công tác ngoại giao phục vụ kinh tế được xác định là nhiệm vụ chính và trong thực tế những năm qua đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong hoạt động đối ngoại thời kỳ Ðổi mới. Trong tình hình mới hiện nay, công tác ngoại giao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế được nâng thêm một bước với nội dung và phương hướng mới là: đẩy nhanh hội nhập quốc tế vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 9 khoá IX (tháng 1-2004) về "chủ động và khẩn trương trong hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đa phương, song phương,... chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm gia nhập WTO", ngoại giao đã mở đường, thiết lập khuôn khổ pháp lý, cơ chế hợp tác cho quan hệ kinh tế cùng có lợi với các nước, vùng lãnh thổ và các thể chế kinh tế khu vực và quốc tế. Nước ta đã có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 150 nước và vùng lãnh thổ, đã ký Hiệp định thương mại với hơn 80 nước và vùng lãnh thổ với các điều kiện phù hợp hơn với tiêu chí của WTO.
Ngoại giao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu hàng hóa, lao động, thu hút du lịch, FDI, ODA và tiếp thu công nghệ tiên tiến; thúc đẩy cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta phù hợp các nguyên tắc, quy định và chuẩn mực quốc tế khi tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế, đặc biệt là chuẩn bị cho gia nhập WTO. Ngoại giao mang một trọng trách mới, đó là từng bước đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào kinh tế khu vực và thế giới, đẩy nhanh, mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nâng cao vị thế của Việt Nam tại LHQ và các tổ chức quốc tế
... Việt Nam chính thức gia nhập LHQ ngày 20-9-1977. LHQ trở thành một diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại, qua đó làm tăng vị thế và vai trò của nước ta tại LHQ và trên trường quốc tế. Số lượng các NGO tại Việt Nam tăng nhanh (lên tới 560 tổ chức), giá trị viện trợ tăng và chuyển dần từ hình thức nhân đạo sang các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển.
Thực hiện chủ trương của Ðại hội Ðảng lần thứ IX, trong 5 năm qua, quan hệ của ta với LHQ, Phong trào Không liên kết và các tổ chức liên/phi chính phủ đạt được nhiều tiến triển đáng kể, đánh dấu sự trưởng thành của ngoại giao đa phương. Hợp tác với các cơ quan phát triển LHQ tiếp tục là kênh quan trọng hỗ trợ Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế. UNDP, IAEA, UNESCO và một số tổ chức khác đã hỗ trợ ta triển khai hàng loạt dự án chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học trên nhiều lĩnh vực. UNICEF, WHO, UNFPA tiếp tục dành nhiều dự án cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Một trong những trọng tâm chính của Ngoại giao hiện nay là tranh cử thành công và đảm đương tốt sứ mệnh thành viên không thường trực HÐBA LHQ khóa 2008-2009.
Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia, tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng
... Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia qua tiến hành các cuộc đàm phán và ký các hiệp định biên giới với các nước trong khu vực. Việt Nam đã ký các hiệp định biên giới trên đất liền với ba nước láng giềng - Lào, Campuchia, Trung Quốc, và đang hợp tác tiến hành các hoạt động phân giới, cắm mốc. Ðầu tháng 7 vừa qua, Việt Nam, Trung Quốc, Lào đã cắm xong mốc ngã ba biên giới.
Việt Nam đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá năm 2000 với Trung Quốc; Hiệp định phân định ranh giới biển với Thái-lan và Hiệp định phân định thềm lục địa với Indonesia; tiếp tục đàm phán phân định các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn, đặc biệt là giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Qua đấu tranh ngoại giao, vận động và đàm phán gay gắt, năm 1993, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đồng ý chuyển trả cho Việt Nam quyền quản lý phần phía nam vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh. Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với Trung Quốc và ICAO để giành lại quyền quản lý phần phía bắc FIR Hồ Chí Minh.
Ðịnh hướng thời gian tới, Ban Biên giới Chính phủ khẳng định mục tiêu giải quyết nhanh vấn đề biên giới lãnh thổ; tăng cường quản lý biên giới; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; khuyến khích phát triển kinh tế khu vực biên giới, biển, đảo; xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo cơ sở phát triển kinh tế, xã hội và môi trường an ninh, ổn định khu vực biên giới.
|