Mùa hè năm 1965, quân địch bị bộ đội ta giáng cho những đòn chí tử, thất bại liên tiếp trong các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Ðồng Xoài. Hệ thống ấp chiến lược tan rã từng mảng lớn. Phong trào đấu tranh của nhân dân các đô thị lên cao, chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Ðây là năm quân Mỹ và lực lượng chư hầu ồ ạt đổ bộ vào tham chiến ở chiến trường miền nam, mở rộng chiến tranh phá hoại miền bắc bằng không quân và hải quân. Ðể giữ thế chủ động tiến công địch, tăng cường lực lượng đập tan cuộc phản công của quân Mỹ - ngụy trong mùa khô 1965-1966, chấp hành chủ trương của Quân ủy T.Ư, Bộ Tư lệnh Miền quyết định thành lập các sư đoàn chủ lực: Sư đoàn 9 và Sư đoàn 5 ra đời.
Ðược bố trí lực lượng ở hướng tây - bắc Sài Gòn, cùng với Sư đoàn 5 trên hướng đông - nam là những hướng chiến lược của chiến trường cực nam Trung Bộ và Nam Bộ. Ðây là lần đầu tiên trong chiến trường miền nam, bộ đội chủ lực ta được tổ chức tới cấp sư đoàn, hai sư đoàn cơ động chủ lực vừa ra đời đã nêu quyết tâm quyết chiến và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Sư đoàn 9 đánh thắng trận đầu rất oanh liệt vào cuối năm 1965: Trận Lai Khê (đầu tháng 10), trận Ðất Cuốc (đầu tháng 11) và trận tập kích quân Mỹ đóng dã ngoại tại Bàu Bàng: 5 giờ sáng ngày 12-11, Sư đoàn 9 bất ngờ tập kích cụm quân Mỹ đóng dã ngoại, tiến công thọc sâu, đánh trúng sở chỉ huy và đài thông tin làm quân Mỹ rối loạn, không liên lạc xin chi viện được. Với tinh thần tiến công "Bám thắt lưng địch mà đánh", trong ba giờ tiến công chiến đấu, hàng nghìn tên Mỹ thuộc Sư đoàn "Anh cả đỏ" chết và bị thương, 30 xe tăng, xe bọc thép bị phá hủy.
Các trận đánh tiếp theo, Sư đoàn 9 phối hợp bộ đội địa phương Tiểu đoàn Phú Lợi (Thủ Dầu Một), đội du kích xã An Ðiền (Bến Cát), nêu cao lá cờ "Ði đầu diệt Mỹ" của lực lượng vũ trang ba thứ quân trên chiến trường miền Ðông Nam Bộ, khẳng định tinh thần "Dám đánh Mỹ sẽ tìm ra cách thắng quân Mỹ". Ngày 27-11-1965, tại Dầu Tiếng, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 9) vận động tập kích vào vị trí đóng quân của Trung đoàn 7 quân ngụy Sài Gòn trong rừng cao-su, loại khỏi vòng chiến đấu trung đoàn này.
Ðây là lần đầu trung đoàn chủ lực bộ đội ta giao chiến với trung đoàn chủ lực địch có cố vấn Mỹ, và từ sau trận thắng oanh liệt này, dấy lên phong trào "Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt"; "Hiệp đồng theo tiếng súng" giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân du kích xã, ấp. Sư đoàn 9 đã được Quân ủy - Bộ Tư lệnh Miền tặng các danh hiệu: "Dũng sĩ diệt Mỹ" cấp ưu tú, cấp 1,2,3; "Dũng sĩ diệt xe cơ giới"; "Dũng sĩ diệt máy bay", "Ðơn vị anh hùng diệt Mỹ", và cũng trong năm 1965 ấy, hàng chục đơn vị, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang ba thứ quân đã được tặng các danh hiệu vẻ vang này.
Có thể kể tiếp những chiến công hào hùng của Sư đoàn 9 bộ đội chủ lực: Tháng 7-1966, đánh mìn diệt xe tăng, xe bọc thép Mỹ trong trận Cần Ðầm; tham gia đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty năm 1967; tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; tiến công giải phóng thị xã An Lộc (Bình Long) năm 1972; phối hợp tác chiến hiệp đồng với các sư đoàn chủ lực là Sư đoàn 5 và Sư đoàn 7 đảm nhiệm các hướng chính trong các chiến dịch, là lực lượng nòng cốt trong đội hình Quân đoàn 4. Có thể nói, mỗi bước trưởng thành của Sư đoàn 9 Anh hùng đều gắn liền với bước đường đi lên của cách mạng Việt Nam.
Sau hơn 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước bạn, năm 1987, Sư đoàn 9 trở về nước làm nhiệm vụ huấn luyện và xây dựng, phát triển vùng ven TP Hồ Chí Minh. Ðứng chân tại căn cứ Ðồng Dù - Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) và huyện Xuân Lộc (Ðồng Nai), sư đoàn trở thành lực lượng cơ động sẵn sàng chiến đấu của Quân đoàn và Bộ Quốc phòng trên địa bàn chiến lược, trọng điểm phía nam đất nước.
Những năm gần đây, Sư đoàn 9 đang xây dựng đơn vị vững mạnh theo hướng chính quy, phấn đấu trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quân về "Xanh-sạch-đẹp" môi trường. Vào mùa tuyển quân hằng năm, sư đoàn lại nhận huấn luyện hàng nghìn chiến sĩ mới là con em đồng bào các tỉnh miền đông, miền tây Nam Bộ, đồng thời tham gia xây dựng các công trình kinh tế quốc phòng trên địa bàn, phấn đấu trở thành Sư đoàn Anh hùng không chỉ trong chiến đấu mà trên cả mặt trận xây dựng, xứng đáng với danh hiệu Sư đoàn Chiến thắng.
|