Nguy cơ bùng phát dịch cúm vẫn rất cao
Các Website khác - 27/12/2005

Chiều 27/12, trao đổi với báo giới, Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh nhận định tuy dịch đã tạm thời được khống chế, nhưng diễn biến vẫn phức tạp, nguy cơ bùng phát còn cao. Đàn thủy cầm quá lớn (60 triệu con), một số nhiễm virus, song vẫn khoẻ mạnh và cùng với chim di trú là nguyên nhân chính làm dịch lây lan.

Một lý do khác là thời tiết lạnh cùng việc gia tăng vận chuyển gia cầm chuẩn bị cho Tết nguyên đán là điều kiện thuận lợi cho dịch phát triển. Theo đặc điểm dịch tễ bệnh cúm gia cầm ở Việt Nam 2 năm qua thì dịch bùng phát mạnh vào tháng 1 và 2. "Nhiều chuyên gia lo lắng sau Tết sẽ xuất hiện dịch cúm trên người. Dịp Tết, có thể bà con sử dụng gia cầm không được kiểm dịch", ông Quang Anh nói.

Cục trưởng Thú y khẳng định, cả nước có hơn 200 triệu gia cầm, số ở trong vùng an toàn dịch rất lớn, suốt từ Bình Định trở vào Nam. Miền Bắc hiện chỉ còn 23 xã của 14 huyện thuộc 8 tỉnh là có dịch xảy ra chưa qua 21 ngày. Tuy nhiên, khâu giết mổ, vận chuyển có đảm bảo sạch hay không vẫn là vấn đề bức thiết được đặt ra. Hiện toàn quốc chỉ có Hà Nội và TP HCM giết mổ gia cầm theo dây chuyền hiện đại, đảm bảo vệ sinh thú y cũng như được kiểm dịch chặt chẽ.

Đóng gói trứng gia cầm tại cơ sở Phúc Thịnh, Hà Nội. Ảnh: Như Trang

Để đối phó với nguy cơ bùng phát dịch, ông Quang Anh cho rằng, biện pháp trước mắt vẫn là giao trách nhiệm phòng chống dịch cho bí thư, chủ tịch xã, phường và trưởng thôn nhằm phát hiện nhanh ổ dịch và dập tắt kịp thời; tổ chức giết mổ tập trung và chỉ giết mổ những gia cầm có nguồn gốc từ vùng không có dịch, được tiêm phòng đủ 2 mũi, có chứng nhận của cơ quan thú y. Các cơ sở chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học như: nuôi nhốt riêng từng loại gia cầm, rắc vôi bột xung quanh khu chuồng trại.

Riêng với đàn thủy cầm, do không có văcxin cho ngan nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không khuyến khích chăn nuôi ngan ở các hộ nhỏ lẻ; kiên quyết tiêu huỷ đàn vịt mới ấp nở, đàn vịt chưa được tiêm phòng văcxin thì tổ chức xét nghiệm, nếu dương tính sẽ bị tiêu huỷ, nếu âm tính được phép giết mổ để tiêu thụ.

Hiện nay, toàn quốc có 23 xã của 14 huyện, thuộc 8 tỉnh dịch xảy ra chưa qua 21 ngày là: Ninh Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An. Trong đó Thanh Hoá 20 ngày, Thái Nguyên 19 và Yên Bái 18 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Ổ dịch phát hiện gần đây nhất là ngày 14/12 tại xã Nghi Đức, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Tổng số gia cầm bị tiêu huỷ từ ngày 1/10 đến nay là 3,8 triệu con, trong đó 2 triệu là ngan, vịt, còn lại là gà.

Ngày 27/12, Cục Thú y đã ban hành hướng dẫn tạm thời về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y cơ sở giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm. Theo đó, gia cầm được kiểm dịch vận chuyển phải xuất phát từ tỉnh không có dịch, tỉnh đã công bố hết dịch. Phương tiện vận chuyển gia cầm từ tỉnh ngoài đến tỉnh có cơ sở giết mổ tập trung phải có biển báo "Xe vận chuyển gia cầm đã kiểm dịch" và phải đi theo lộ trình được chi cục thú y địa phương xác định.

Địa điểm buôn bán gia cầm trong nội thành, nội thị phải được phép của UBND cấp có thẩm quyền, sau khi được thú y địa phương kiểm tra, xác nhận đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; có biển hiệu ghi rõ: "Cửa hàng bán thịt gia cầm, địa chỉ, điện thoại"; gia cầm phải có dấu kiểm soát giết mổ đóng trên thân thịt hoặc tem vệ sinh thú y. Riêng đối với trứng phải được đóng gói trong vỉ hộp, có dán mác ghi rõ năm sản xuất, hạn dùng, tên, logo, địa chỉ cơ sở sản xuất.

Như Trang

Theo dòng sự kiện:
Lượng gia cầm vào Hà Nội tăng hơn gấp đôi (16/12)
Tranh cãi về địa điểm xây 4 cơ sở giết mổ gia cầm hiện đại (15/12)
Bình Định hỗ trợ thu mua, chế biến gia cầm sạch (15/12)
Vào nơi quyết liệt nói 'không' với virus H5N1 (14/12)
Thịt gia cầm sạch vượt qua thời kỳ đìu hiu (13/12)
Xem tiếp»